Cùng chúng tôi đi thực tế tại những cánh rừng thuộc địa bàn thôn Noong Tài, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, ông Nguyễn Văn Quỳnh - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn chia sẻ: "Huyện Văn Chấn hiện có trên 66.400 ha rừng; trong đó, diện tích rừng tự nhiên trên 42.000 ha; diện tích rừng trồng trên 24.300 ha và là địa phương nằm trong vùng trọng điểm cháy rừng của tỉnh. Để bảo đảm an toàn những cánh rừng dịp cuối năm, trước và sau tết, chúng tôi xây dựng kế hoạch truy quét tại những khu vực trọng điểm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quân đội và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến rừng. Tại các xã vùng trọng điểm cháy rừng cũng đã chủ động xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) theo phương châm "4 tại chỗ” để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng”.
Không chỉ riêng Hạt Kiểm lâm Văn Chấn mà với những cán bộ kiểm lâm khác trên địa bàn tỉnh, thời điểm cuối năm cũng là thời gian cao điểm của công tác đấu tranh, ngăn chặn phá rừng và trực PCCCR. Bởi, đây là cao điểm của mùa khô, cộng với việc các đối tượng xấu thường lợi dụng những dịp này để thực hiện các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng trên 434.646 ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%. Để bảo vệ tốt vốn rừng hiện có và phát triển rừng ngay tại cơ sở, ngay từ đầu năm Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã bố trí đủ cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn ở tất cả các xã, phường, thị trấn để kịp thời tham mưu giúp chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng (BVR), quản lý lâm sản và PCCCR tại địa phương.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ, kiểm tra rà soát thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ để quản lý lâm sản hợp pháp, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, rà soát các tụ điểm phá rừng, lấn chiếm đất rừng, điều tra xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm theo quy định của pháp luật. Nhờ đó công tác BVR có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng vi phạm lâm luật đã giảm đáng kể.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, công tác kiểm tra, giám sát BVR tại gốc là nhiệm vụ thường xuyên của ngành. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản và động vật rừng trái phép thường diễn biến phức tạp. Đây cũng là giai đoạn khốc liệt của mùa khô hanh nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn, đặc biệt các huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên.
Do đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm trực thuộc, đội kiểm lâm cơ động và PCCCR tham mưu cho chính quyền các địa phương xây dựng và tổ chức triển khai các phương án quản lý, bảo vệ đối với diện tích rừng hiện có trên địa bàn; bố trí lực lượng kiểm lâm tăng cường tại các xã vùng trọng điểm nhiều rừng, các địa bàn giáp ranh; tổ chức tuần tra, kiểm soát để phát hiện kịp thời, ngăn chặn các hành vi vi phạm ngay từ cơ sở, kiên quyết xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp theo quy định. Cùng với đó Chi cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bảo đảm kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng có thể xảy ra; tổ chức thường trực PCCCR, tiếp nhận các thông tin, báo cáo kịp thời và đề xuất phương án khi có cháy rừng lớn xảy ra.
Mặc dù các biện pháp BVR được ngành chức năng tích cực triển khai. Tuy nhiên, để giữ rừng hiệu quả chính quyền các cấp, các chủ rừng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân; thực hiện tốt việc giao đất, giao rừng, khuyến khích người dân trồng rừng phát triển kinh tế; quy hoạch lại vùng nương rẫy cấp cho người dân sản xuất lâu dài.
Cùng với đó, cần có những chính sách hỗ trợ người dân phát triển các mô hình kinh tế bền vững, như trồng cây dược liệu, du lịch sinh thái dưới tán rừng... giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định mà không phải phụ thuộc vào việc khai thác rừng. Bên cạnh đó cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, từ kiểm lâm đến chính quyền địa phương và tổ chức xã hội tạo ra sức mạnh cộng đồng trong công tác BVR. Với sự quyết tâm từ các cơ quan chức năng và sự tham gia tích cực của cộng đồng góp phần cho rừng mãi xanh.
Từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh vẫn để xảy ra 14 vụ cháy trên diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp trong đó có 8 vụ cháy rừng với tổng diện tích thiệt hại là 29,65 ha rừng, nguyên nhân chủ yếu do người dân đốt nương, đốt bãi chăn thả gây cháy lan vào rừng. Cùng với đó, tại một số địa phương tình trạng phát phá, xâm lấn đất rừng, đặc biệt là xâm lấn đất rừng tự nhiên, khai thác lâm sản nhỏ lẻ trái pháp luật, vi phạm pháp luật về PCCCR vẫn còn diễn ra, nhất là tại các khu vực còn nhiều tài nguyên rừng, khu rừng đặc dụng, khu vực giáp ranh giữa các địa phương.
|
Văn Thông