Nông dân Trấn Yên thu hoạch mùa vụ đón mùa Xuân mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/1/2025 | 8:10:49 AM

YênBái - Trải qua một năm đầy khó khăn bởi sự tàn phá của cơn bão Yagi (tháng 9 năm 2024), giờ đây, trên những cánh đồng của huyện Trấn Yên sắc xanh đã trở lại, biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của người nông dân nơi đây. Gác lại những âu lo của năm cũ, họ đang hân hoan đón chào mùa xuân mới với niềm tin và hy vọng vào những vụ mùa bội thu.

Gia đình anh Hoàng Văn Hào thu hoạch củ đao riềng.
Gia đình anh Hoàng Văn Hào thu hoạch củ đao riềng.


Tại làng nghề sản xuất miến đao xã Quy Mông, nơi chịu thiệt hại nặng nề với hơn 90% diện tích đao riềng bị ngập úng, người dân đã nỗ lực không ngừng để duy trì sản xuất. Chúng tôi gặp anh Hoàng Văn Hào ở thôn Thịnh Hưng đang thu hoạch những diện tích đao còn sót lại sau bão. "Gia đình tôi bị thiệt hại hơn 2 sào đao, sản lượng và giá cả đều giảm so với năm trước. Nhưng tôi không thể bỏ nghề, mà thay vào đó vừa thu hoạch vừa chuẩn bị đất để trồng tiếp vụ mới với hy vọng năm sau sẽ khá hơn", anh Hào chia sẻ.

Dù khó khăn, không khí tại các xưởng sản xuất bột đao và Hợp tác xã (HTX) sản xuất miến vẫn rất nhộn nhịp. Bà Nguyễn Thị Nga, thành viên HTX Khởi nghiệp Xanh cho biết "Mặc dù sản lượng đao sụt giảm so với năm trước, HTX đã tích cực thu mua và động viên các hộ sản xuất, các thành viên tích cực khôi phục sản xuất, giữ nghề trồng đao, làm miền trong nhưng năm tiếp theo. Dự kiến năm nay, sản lượng miến của HTX đạt 15 tấn, cung cấp cho thị trường các tỉnh lân cận và một số tỉnh miền Nam”.

Không chỉ xã Quy Mông, tại xã Thành Thịnh, người dân cũng nhanh chóng khôi phục sản xuất sau bão. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của người nông dân cùng sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời của chính quyền các cấp, những cánh đồng trên địa bàn xã đã được phủ kín bởi một màu xanh non mơn mởn. Những người nông dân nơi đây đang tích cực chăm sóc, thu hoạch những diện tích rau màu vụ đông để cung cấp ra thị trường dịp Tết Nguyên đán và chuẩn bị cho một vụ sản xuất mới.

Bị thiệt hại trên 1ha dâu, lúa và ngô do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhưng được chính quyền quan tâm hỗ trợ kinh phí, hạt giống, phân bón, ngay sau bão bà Lưu Thị Nguyện, thôn Lan Đình, xã Thành Thịnh đã bắt tay ngay vào cải tạo đất và trồng lại những diện tích hoa màu bị thiệt hại, trong đó chủ yếu là ngô, các loại rau vụ đông và cà chua. Với sự nỗ lực chăm sóc, đến nay diện tích hoa màu của gia đình bà đã sinh trưởng phát triển tốt và đang cho thu hoạch, góp phần giúp gia đình bà có thêm thu nhập. Bà Nguyện thông tin: "Đất sau ngập lụt rất chua, gia đình tôi phải cải tạo lại nhiều lần mới có thể trồng được rau. Đến nay, rau màu đã phát triển tốt, chúng tôi đang thu hoạch để phục vụ cho dịp Tết".


Nông dân xã Thành Thịnh thu hoạch rau màu bán vụ Tết.

Ông Nguyễn Minh Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Thành Thịnh cho biết: "Xã chịu ảnh hưởng nặng nề trong cơn bão số 3, đặc biệt trong 285 ha dâu thì có 85 hạ bị ngập úng, phải trồng lại mới hoàn toàn. Đến thời điểm này, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện và các cơ quan chức năng, nhân dân xã Thành Thịnh đã hoàn thành trồng mới số ha không thể khôi phục. Đối với diện tích hoa màu, đậu đỗ cũng đã được huyện hỗ trợ cây giống, như: ngô, cà chua, rau màu..., nhân dân đã tích cực trồng, chăm sóc, thu hoạch trong dịp Tết này. Có thể nói, kinh tế đã hồi phục, cuộc sống hồi sinh và người dân đoàn kết, chung tay cùng đón một mùa xuân mới".

Được biết, sau cơn bão số 3 (YAGI), tổng thiệt hại sản xuất nông nghiệp tại huyện Trấn Yên trên 99 tỷ đồng. Huyện đã tiếp nhận, hỗ trợ nhân dân 10 nghìn kg giống ngô, 784 kg giống rau đậu, khôi phục sản xuất vụ Đông đạt trên 1.000 ha; tiếp nhận giống lúa hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia và nguồn xã hội hóa 44 tấn để hỗ trợ gieo cấy trong vụ đông xuân 2024-2025 với diện tích 1.000 ha. Cùng với đó, huyện đã tiếp nhận 423 nghìn cây dâu giống từ Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương để trồng 15,1 ha; hỗ trợ hom giống S7 của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái 40 tấn, trồng 16 ha... đến nay, nhân dân đã trồng lại hoàn thành 100 ha dâu bị chết. 

Trong sản xuất chăn nuôi, huyện cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tiến hành dọn dẹp, vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng để làm sạch môi trường. Thực hiện tốt quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi; tuyệt đối không chăn thả vật nuôi ở những khu vực bị ô nhiễm. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin phòng bệnh định kỳ cho đàn vật nuôi. Nhờ vậy, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản huyện Trấn Yên năm 2024 đạt trên 1.600 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương bằng các nguồn kinh phí, giống cây trồng và phân bón đã giúp nhiều hộ gia đình vực dậy sản xuất, ổn định cuộc sống. Những cánh đồng dâu, ngô, đậu đỗ xanh mơn mởn là minh chứng cho sự hồi phục mạnh mẽ của nông nghiệp huyện Trấn Yên.
Những ngày cuối năm, khi sắc xuân đã tràn ngập khắp các nẻo đường, người nông dân huyện Trấn Yên đang hân hoan chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Họ mong chờ một năm mưa thuận gió hòa, ít thiên tai, dịch bệnh để mùa màng thêm bội thu, cuộc sống ngày càng đủ đầy hơn nữa.

Hoài Văn

Tags nông dân Trấn Yên thu hoạch đón xuân 2025 đao riềng

Các tin khác
Việt Nam là một trong những quốc gia có trữ lượng đất hiếm đứng đầu thế giới. Ảnh minh họa

Nhiều quy định mới liên quan đến kỹ thuật điều tra, đánh giá tài nguyên và thăm dò khoáng sản đất hiếm, khoáng sản cát biển sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2025.

Doanh số TMĐT B2C Việt Nam năm 2024 đã đạt tới giá trị 25 tỷ USD.

Bộ Công Thương đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát chủ thể tham gia giao dịch.

Các lò rèn ở thôn Minh Khánh đỏ lửa suốt ngày

Dịp cận Tết, làng rèn Minh Khánh, tỉnh Quảng Ngãi nhộn nhịp hơn. Khắp làng vang lên tiếng búa, lò rèn đỏ rực suốt ngày.

Quy trình đấu giá (Ảnh: Cục C06).

Theo Cục C06, việc ứng dụng định danh điện tử vào quản lý đấu giá tang vật xử lý vi phạm hành chính có thể giúp nâng cao hiệu quả, minh bạch và tiết kiệm chi phí trong việc thực hiện đấu giá tài sản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục