Ngành nông nghiệp vốn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế nhưng sản xuất nông nghiệp lại là lĩnh vực gây phát thải lớn thứ hai sau ngành năng lượng với 80 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm. Chưa kể, trong quá trình sản xuất nông nghiệp còn sản sinh ra một lượng lớn khí metal CH4, N2O, gây nóng lên toàn cầu nhanh hơn khí CO2 lần lượt là 28 lần và 256 lần.
Để giảm thiểu các loại khí này ra môi trường, những năm qua, cùng với ngành nông nghiệp cả nước, ngành nông nghiệp Yên Bái đã có nhiều hành động chuyển đổi xanh thiết thực, nỗ lực giảm sâu phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050. Tỉnh xác định phát triển nền nông nghiệp theo hướng canh tác hữu cơ, an toàn, nông nghiệp tuần hoàn, mở rộng quy mô các cây trồng vật nuôi ít carbon và làm giàu cho hệ sinh thái rừng là hướng đi hiệu quả, để tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân thực hiện.
Trung bình mỗi năm, ngành nông nghiệp tổ chức khoảng 50 lớp tập huấn kỹ thuật về tổ chức phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp an toàn sinh học, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc, về giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro do thiên tai tại cộng đồng… Ngoài ra còn có hàng vạn buổi tư vấn, hướng dẫn trực tiếp tại đồng ruộng, tư vấn nhóm hộ, tư vấn qua điện thoại, xây dựng các mô hình trình diễn, mô hình dân vận khéo hướng dẫn nông dân áp vận dụng hiệu quả kiến thức khoa học hiệu quả, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cũng như giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất.
Năm 2021, mô hình làng nông thuận thiên được ngành nông nghiệp huyện Văn Yên phối hợp tổ chức trên địa bàn xã An Bình với 14 hộ được tập huấn, hỗ trợ sản xuất. Nhận thấy những lợi ích kép, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân nhân rộng, lan tỏa các cách làm hay này.
Ông Ngô Quốc Khánh ở thôn Khe Trang chia sẻ: "Gia đình có 50 con dê, khoảng 200 con gà, 2 ha chè, 2 ha quế và ao cá. Nguồn chất thải sau chăn nuôi được tận dụng nuôi giun quế, vừa giảm mùi hôi vừa tạo nguồn phân bón sạch vừa tạo nguồn thức ăn giàu đạm cho gà, cá. Cá thu hoạch 1 phần, tôi cũng giữ lại ủ thành đạm cá, bón cho cây trồng tốt gấp nhiều lần phân đạm hoá học. Tôi còn trồng các băng cỏ ở những phần đất dốc vừa chống xói mòn vừa tạo nguồn thức ăn xanh cho cá và dê. Đồi chè cũng được ứng dụng kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Các phương pháp này chúng tôi đều được hướng dẫn cụ thể, khi áp dụng thấy rất hiệu quả, không những bảo vệ môi trường mà còn giảm xuống rất thấp chi phí sản xuất, giúp gia đình trung bình mỗi năm thu về trên 150 triệu đồng”.
Mô hình 500 ha nuôi cá chép ruộng kết hợp trồng lúa của đồng bào Mông Mù Cang Chải cũng là một cách làm hiệu quả để giảm thiểu tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu.
Anh Lý A Sở ở bản Háng Bla Ha B, xã Khao Mang chia sẻ: "Nuôi cá chép ruộng thì đồng ruộng phải sạch, không được sử dụng phân hay thuốc hoá học vì sẽ làm chết cá. Nhưng không vì thế mà được cá, mất lúa. Cá chép được nuôi thả sẽ giúp sục bùn, ăn các loại côn trùng, sâu bọ có hại và thải phân làm tốt lúa. Để hạn chế sâu, bệnh cho lúa, chúng tôi còn thả thêm một lứa vịt con để làm sạch sâu bọ, côn trùng trong khoảng thời gian 20 ngày. Nhờ đó, 6.000m2 lúa Séng cù của gia đình phát triển sạch. Mỗi năm thu được khoảng 27 tạ thóc, giá bán 15 nghìn đồng/kg; cá cũng bán được giá từ 120 - 130 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập trung bình mỗi năm hơn 30 triệu đồng”.
Ngoài ra, còn có mô hình canh tác sắn bền vững hiện đang áp dụng trên 30% diện tích vùng sắn nguyên liệu trên địa bàn huyện Văn Yên. Ngày càng nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động chuyển sang sử dụng chế phẩm sinh học để ủ phân hữu cơ từ các loại phế phẩm nông nghiệp có sẵn, rác thải hữu cơ hay điều chế thuốc bảo vệ thực vật từ tỏi, ớt, nước măng chua, rượu; trồng luân canh, xen canh, kết hợp trồng các cây họ đậu để tăng vi sinh vật cộng sinh cố định ni tơ tạo thành đạm tự nhiên…
Rõ ràng, một thay đổi dù nhỏ trong cách thức sản xuất có thể tạo ra một chuyển động lớn cho ngành nông nghiệp. Từ vị trí là ngành đứng thứ hai về phát thải khí nhà kính, ngành nông nghiệp Yên Bái đang tích cực thay đổi, không chỉ là bảo vệ môi trường mà còn cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho cộng đồng nông thôn, tạo ra cơ hội kinh tế mới và đảm bảo an ninh lương thực cho thế hệ tương lai.
Hoài Anh