Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn - Bài cuối: Phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới bền vững

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/4/2025 | 8:53:27 AM

YênBái - Không thể phủ nhận, với những chủ trương đúng đắn, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kịp thời của tỉnh Yên Bái và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế đã góp phần tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn trong những năm gần đây.

Công nhân làm việc trong Nhà máy ươm tơ của Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái đặt tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.
Công nhân làm việc trong Nhà máy ươm tơ của Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái đặt tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở tỉnh Yên Bái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng mục tiêu hướng tới "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Trong đó, "Người nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực” không chỉ làm thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống người dân một cách toàn diện và bền vững.


Khởi sắc những vùng quê

Có thể thấy, mỗi bước đi trong việc cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng NTM bền vững đều đã và đang góp phần làm tươi mới bức tranh đời sống nông thôn Yên Bái, dệt thêm gam màu ấm no trên những vùng quê một thời nghèo khó.

Đến Báo Đáp hôm nay - xã đầu tiên của huyện Trấn Yên đạt chuẩn NTM, khó ai có thể mường tượng 10 năm trước, địa phương này vẫn là một trong những xã nghèo của huyện; nông nghiệp thuần túy chủ yếu tập trung vào cây lúa, ngô; cây dâu tằm chưa hình thành được vùng, liên kết sản xuất. Trên hành trình xây dựng NTM, Báo Đáp đã cán đích những mục tiêu mới là NTM nâng cao  năm 2022 và NTM kiểu mẫu về chuyển đổi số năm 2023. 

Nhận thức rõ một trong những vấn đề then chốt trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu chính là tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm, dễ dàng tiếp cận thị trường và thu hút đầu tư. Nền kinh tế nông nghiệp của địa phương được cơ cấu lại, Báo Đáp đã hình thành vùng sản xuất cây dâu tằm tập trung. Các hợp tác xã (HTX) đã ký kết chuỗi liên kết với Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm. Công ty này đã đầu tư xây dựng nhà máy ươm tơ hiện đại tại địa bàn xã, bảo đảm ổn định đầu ra cho toàn bộ sản phẩm kén tằm của nhân dân trong xã và vùng lân cận. 

Chủ tịch UBND xã Trần Đức Tiến khẳng định: "Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đã đưa kinh tế nông nghiệp, nông thôn khởi sắc và bứt phá. Những vùng kinh tế, cây kinh tế, ngành nghề ở nông thôn được định hình rõ nét. Hiện nay, Cụm công nghiệp xã Báo Đáp đã thu hút thêm 3 doanh nghiệp mới đầu tư là Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái, Chi nhánh Công ty cổ phần Phát triển và Ứng dụng ATECH và Công ty Sản xuất gỗ ván ép Vina. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ chuyển dịch phát triển mạnh với khoảng 400 hộ kinh doanh. Báo Đáp hiện nay chỉ còn 0,87% hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt 64 triệu đồng/năm, đứng trong tốp đầu của huyện. Người dân thực sự hạnh phúc với cuộc sống nơi mảnh đất quê hương mình”.

Kinh tế nông thôn giờ không chỉ đơn thuần là ruộng đồng mà đang mở rộng sang du lịch cộng đồng, chế biến thủ công và chuyển đổi số, từng bước đưa nông thôn Yên Bái chuyển mình mạnh mẽ. Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi tập quán canh tác, sản xuất theo hướng liên kết, tập thể, Đại Minh - xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đầu tiên của Yên Bình đang là địa phương đầu tiên của huyện không còn hộ nghèo, đúng nghĩa là không có tư liệu sản xuất. Cả xã hiện có 5 hộ nghèo, tỷ lệ 0,5% - đây là những hộ thuộc diện cao tuổi, già yếu, đơn thân, không có khả năng lao động.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Kiều Hưng cho hay: "Nếu nói mặt bằng đời sống chung của người dân, Đại Minh đang có mức sống khá so với các địa phương trong huyện. Năm 2023, bình quân thu nhập đầu người của xã đạt gần 60 triệu đồng. Kinh tế nông thôn không còn là thuần túy khi mà NTM thực sự là đòn bẩy động lực. Việc chuyển đổi tư duy sản xuất theo hướng tập trung và tập thể đã thúc đẩy hình thành 4 hợp tác xã và 23 tổ hợp tác nông nghiệp trên địa bàn, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi, tiêu thụ sản phẩm. Năm 2025, Đại Minh phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 62 triệu đồng.

Từ đời sống kinh tế 2 địa phương tiên phong trong xây dựng NTM, nhìn rộng ra để thấy, kinh tế nông thôn Yên Bái hiện nay đang có những bước phát triển mạnh mẽ, đa dạng và bền vững hơn: nông nghiệp chuyển mình theo hướng hiệu quả, xanh và bền vững; du lịch nông thôn và kinh tế dịch vụ mở rộng không gian phát triển; chuyển đổi số và khởi nghiệp nông thôn tạo hướng đi mới và rõ nhất là thành quả về thu nhập và đời sống nông dân. Đó là sự kết hợp giữa tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng NTM. 

Trong năm nay, tỉnh đặt mục tiêu đào tạo nghề cho trên 4.000 lao động nông thôn, từng bước nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ và bằng cấp. Đây là một phần trong mục tiêu lớn của tỉnh nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất và thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

 Xây nông thôn mới vững bền


Nông thôn mới đã làm đổi thay diện mạo từng làng quê tại mỗi địa phương của tỉnh Yên Bái.  

Định hướng tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM bền vững, trên quan điểm thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp với 3 yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, ngành nông nghiệp Yên Bái tiếp tục duy trì và phát triển vùng nguyên liệu chuyên canh, phát triển nhanh về quy mô sản lượng, chất lượng các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, hữu cơ, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu của thị trường, bảo đảm an ninh lương thực. 

Đồng thời là phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu; bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, nâng cao chất lượng, hiệu quả rừng trồng theo hướng gỗ lớn gắn với du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Yên Bái khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng hiệu quả tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo lập sinh kế bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế, điều kiện tự nhiên, thế mạnh của các vùng trong tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư chế biến sâu, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm sản… đặt nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo đà kiến tạo NTM.  

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo Nghị quyết số 20/2021-NQ/TU của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và các quyết định, đề án của UBND tỉnh sẽ phấn đấu gia tăng tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2025 đạt 5,85%. Cùng đó là triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân để đưa cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn đạt 21,1%. 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tỉnh chỉ đạo phải bảo đảm theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn ở những nơi có điều kiện. 

Đặc biệt đã phát huy được vai trò chủ thể, tự nguyện, trực tiếp của người dân trong xây dựng NTM; tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, kết nối nông thôn với đô thị; giữ gìn môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa địa phương, nhất là lấy cư dân nông thôn là chủ thể, đem lại sự chuyển biến tích cực rõ nét hơn về nếp sống tới thôn, bản, từng hộ gia đình và cuộc sống trực tiếp của mỗi người dân sinh sống ở nông thôn. Toàn tỉnh phấn đấu trong năm 2025 có thêm 9 xã trở lên đạt chuẩn NTM; 8 xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và huyện Trấn Yên hoàn thành tiêu chí đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. 

Rõ ràng, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn ở Yên Bái không chỉ là một chủ trương lớn mà đã và đang trở thành một hành trình chuyển mình sâu sắc, toàn diện và đầy sức sống. Đồng đất Yên Bái hôm nay, từ vùng thấp đến vùng cao không còn là độc canh thuần nông truyền thống mà đang dần trở thành những vùng sản xuất hiện đại, xanh, hiệu quả, tạo dựng giá trị bền vững cho cộng đồng. 

Kinh tế nông thôn không còn là vùng trũng mà đang bứt phá mạnh mẽ với nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm OCOP, du lịch bản sắc và khởi nghiệp sáng tạo. Phía trước hẳn là vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với tư duy mới, cách làm mới và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, nông nghiệp Yên Bái sẽ tiếp tục là "trụ đỡ” vững chắc, là nền tảng thúc đẩy nông thôn phát triển phồn thịnh, bền vững theo đúng tinh thần "Lấy nông dân làm trung tâm, nông thôn làm nền tảng và nông nghiệp làm động lực”.

Minh Thúy

Tags Yên Bái kinh tế nông thôn cơ cấu nông nghiệp

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Hội LHPN tỉnh tham quan gian hàng sản phẩm của các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp do nữ làm chủ trưng bày tại Hội nghị tổng kết Đề án 939.

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025 do Chính phủ phê duyệt, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng và sức sáng tạo của phụ nữ. Qua đó góp phần hỗ trợ hiệu quả phụ nữ trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập và thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế.

Xe chở container hàng xuất nhập khẩu hoạt động tại cảng quốc tế Gemalink, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bộ Công Thương xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm khả năng xảy ra vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Sản phẩm của Công ty cổ phần Nam dược Đại Phú An được giới thiệu, bày bán tại các hội chợ, trưng bày trên cả nước.

Với sự hướng dẫn, đồng hành của chính quyền địa phương, Công ty cổ phần Nam dược Đại Phú An ở xã An Thịnh, huyện Văn Yên vừa hoàn thiện hồ sơ đánh giá, nâng hạng 3 sản phẩm gồm: tinh dầu thực vật, tinh dầu sả chanh, tinh dầu quế lên sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Xây dựng nông thôn mới, người dân tích cực tham gia làm đẹp tuyến đường làng ngõ xóm, đưa bức tranh làng quê khởi sắc

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian qua luôn được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Với những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế, chương trình XDNTM của tỉnh đã đạt được hiệu quả rõ nét, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, đưa Yên Bái đã trở thành điểm sáng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong XDNTM.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục