Không để chính sách cản bước đổi mới sáng tạo

  • Cập nhật: Chủ nhật, 11/5/2025 | 7:57:42 AM

Ngày 10/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia' trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Trong định hướng sắp tới, Bộ sẽ tập trung tháo gỡ những nút thắt về chính sách và thủ tục để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Toàn cảnh Hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Toàn cảnh Hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Khoa học công nghệ, chuyển đổi số là nền tảng phát triển

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, ngành đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu gay gắt, suy giảm tài nguyên và áp lực tăng trưởng xanh, các mô hình sản xuất truyền thống không còn phù hợp. Trong bối cảnh đó, để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm, đồng thời bảo vệ môi trường sống, toàn ngành cần đổi mới tư duy, lấy khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm nền tảng phát triển.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp và môi trường đã có nhiều bước tiến trong ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số: từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi thông minh, đến hệ thống giám sát môi trường tự động, số hóa dữ liệu đất đai, rừng và khí tượng. Đây là những chuyển biến tích cực, thể hiện sự chủ động của ngành trước xu hướng mới.

Chia sẻ thực tế của Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn cho biết, tỉnh đang tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất từ truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Tỉnh chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận các công nghệ mới, đồng thời khuyến khích các mô hình hợp tác công - tư trong nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Về lĩnh vực môi trường, Bắc Ninh cũng đang xây dựng nền tảng dữ liệu số tổng hợp về môi trường và đất đai, phục vụ công tác quy hoạch, kiểm soát ô nhiễm và quản lý biến đổi khí hậu trên địa bàn.

TS. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, từ một quốc gia thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên nằm trong top 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Dù tỷ trọng nông nghiệp trong GDP đang giảm, ngành này vẫn giữ vai trò trụ đỡ an sinh xã hội, cung cấp việc làm và ổn định đời sống cho hàng triệu người dân. Trong lĩnh vực môi trường, Việt Nam kiên định quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, tích cực chuyển hướng sang mô hình kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên. "Những định hướng này sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nếu Nghị quyết số 57-NQ/TW được thực thi hiệu quả”.

Rõ pháp lý, sản phẩm mới dễ ra thị trường

Đề cập cụ thể về công nghệ chỉnh sửa gene, TS. Đỗ Tiến Phát, Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật tại Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, công nghệ này, đặc biệt là hệ thống CRISPR/Cas9, đang mở ra một kỷ nguyên mới cho chọn tạo giống cây trồng, trong đó giống cây bản địa là một trong những đối tượng hưởng lợi rõ nét.

Với khả năng tạo ra đột biến chính xác, nhanh, chi phí thấp và không cần đưa DNA ngoại lai vào cây, công nghệ này cho phép giữ lại các đặc tính quý giá của giống bản địa trong khi cải thiện được các tính trạng quan trọng như năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên khung pháp lý hiện hành chưa tách bạch rõ ràng giữa cây trồng chỉnh sửa gene và cây trồng biến đổi gene. Việc thiếu hành lang pháp lý cụ thể khiến các nhà khoa học, cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều gặp khó trong việc tiếp cận và triển khai các sản phẩm tiềm năng. "Một khung pháp lý rõ ràng sẽ là nền tảng để kết nối nghiên cứu - quản lý - doanh nghiệp, giúp đưa các sản phẩm từ phòng thí nghiệm nhanh chóng ra thị trường”, ông Phát đề xuất.

Ở lĩnh vực môi trường, GS.TS. Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), cho biết, hiện có nhiều chất ô nhiễm công nghiệp có khả năng xuyên qua hệ thống xử lý mà không bị loại bỏ bằng các phương pháp thông thường, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều thế hệ.

Để kiểm soát hiệu quả, ba xu hướng đang được quan tâm là: nâng cao hiệu quả xử lý, tăng cường thu hồi chất có ích từ bùn thải, và thúc đẩy các công nghệ "xanh và thông minh” như màng lọc tiên tiến, AI, IoT trong giám sát và tái sử dụng. Ông kiến nghị Nhà nước cần phát triển các chương trình khoa học công nghệ quy mô lớn, mang tính liên ngành và hệ thống, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia nhằm tránh chồng chéo và tăng hiệu quả ứng dụng thực tiễn.

Về giải pháp sắp tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy lưu ý, cần ưu tiên một số vấn đề: hoàn thiện thể chế, chính sách và cải cách thủ tục hành chính để khơi thông các điểm nghẽn, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ trong khu vực công mà cả khu vực tư. Nhất định không để chính sách làm chậm bước tiến của đổi mới sáng tạo, ông khẳng định.

Cùng với đó, cần tiếp tục cải cách tổ chức nghiên cứu theo hướng tinh gọn, tự chủ; đổi mới cách thức đặt hàng nhiệm vụ khoa học, công nghệ, gắn với nhu cầu thực tiễn sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong toàn ngành và toàn bộ hệ thống Bộ. Đặc biệt, phải bảo đảm nguồn nhân lực có chất lượng cao, vững chuyên môn, giỏi tay nghề và giàu kinh nghiệm. Cần có cơ chế thu hút chuyên gia trong nước, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài và nhân sự từ khu vực doanh nghiệp tư nhân.

"Nghị quyết đã đúng - rõ - mạnh từ Bộ Chính trị, đã có kế hoạch hành động cụ thể từ Bộ, đã có sự đồng hành của địa phương, doanh nghiệp và chuyên gia. Điều còn lại là ý chí hành động, sự kiên định và quyết tâm đổi mới trong triển khai thực hiện,” Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

(Theo Đại Biểu Nhân Dân)

Các tin khác
Giá vàng trong nước tăng cuối tuần.

Giá vàng hôm nay 11/5/2025 kết thúc tuần trong xu hướng tăng. Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC chốt phiên hôm qua tiếp tục đi lên, chạm mốc 122 triệu đồng/lượng.

Giá dầu “bỏ túi” hơn 4% trong tuần.

Giá xăng dầu thế giới ghi nhận tuần tăng hơn 4%. Giá xăng dầu trong nước đã lập cú đúp giảm trong tuần này.

Nghị quyết số 68-NQ/TW sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn. (Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Bảo Minh, Nam Định)

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân (gọi tắt là Nghị quyết 68).

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.

Sáng 10/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá tình hình triển khai các dự án và đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục