Nhà máy luyện gang thép Cửu Long Vinashin:

Sẽ đi vào sản xuất đúng kế hoạch

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Dự án Nhà máy Luyện gang thép, một công trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Yên Bái đang đươc gấp rút triển khai xây dựng.

Tiến độ xây dựng các hạng mục phụ trợ Nhà máy luyện gang thép Cửu Long Vinashin đang được đẩy nhanh.
Tiến độ xây dựng các hạng mục phụ trợ Nhà máy luyện gang thép Cửu Long Vinashin đang được đẩy nhanh.

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Luyện gang thép Cửu Long VINASHIN (gọi tắt là Nhà máy Luyện gang thép) tại Khu công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái được các cấp, ngành và dư luận đặc biệt quan tâm, bởi đây là một dự án lớn cả về quy mô, tổng mức đầu tư và tầm ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ngay sau khi nó đi vào hoạt động.

Theo thiết kế ban đầu đã được phê duyệt, Nhà máy có quy mô: dây chuyền thiêu kết công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền luyện gang lỏng công suất 180.000 tấn/năm; dây chuyền luyện phôi thép công suất 200.000 tấn/năm và dây chuyền sản xuất ô xy công suất 3000 m3 giờ. Tổng vốn đầu tư giai đoạn I là gần 600 tỷ đồng.

Vừa qua, Hội đồng quản trị VINASHIN đã quyết định điều chỉnh, mở rộng quy mô dự án Nhà máy Luyện gang thép tại Yên Bái. Quy mô thực hiện giai đoạn II gồm: Dây chuyền thiêu kết công suất 200.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền luyện gang lỏng 180.000 m3; dây chuyền luyện phôi thép công suất 50.000 tấn/năm (trên cơ sở nâng công suất hoạt động của dây chuyền đã được đầu tư ở giai đoạn I) và tổng mức đầu tư là hơn 400 tỷ đồng.

Như vậy, khi đi vào sản xuất Nhà máy Luyện gang thép có dây chuyền thiêu kết công suất 350.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền luyện gang lỏng 360.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất ô xy là 3000 m3 giờ. Tổng số tiền đầu tư của nhà máy lên đến gần 1000 tỷ đồng.

Được khởi công từ ngày 7/3/2007, tính đến nay Dự án Nhà máy Luyện gang thép đã triển khai được 6 tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm này trên thửa đất 20 ha là mặt bằng của nhà máy nằm trong KCN phía Nam mới xây dựng được hàng rào bảo vệ và đang xây dựng nhà điều hành. Không thấy sự tấp nập của một đại công trường, tiến độ của dự án có vẻ như được triển khai chậm, khiến không ít người quan tâm tỏ vẻ lo lắng đến hoài nghi tính khả thi của dự án. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với những cán bộ có trách nhiệm của Ban quản lý KCN tỉnh Yên Bái và Ban điều hành Dự án Nhà máy Luyện gang thép, để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn quá trình triển khai dự án.

Theo ông Phạm Quốc Hiển – Trưởng ban Quản lý KCN tỉnh Yên Bái thì: “Về phía tỉnh, đã cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, đặc biệt là cùng với lãnh đạo Tập đoàn VINASHIN làm các thủ tục cấp phép, đây là vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp vì phải thông qua Chính phủ và nhiều bộ, ngành. Tỉnh đã hoàn thiện việc san tạo 20 ha đất (đã bàn giao cho chủ đầu tư); các hạng mục cơ sở hạ tầng khác đang tiếp tục được triển khai. Chắc chắn với sự quan tâm của tỉnh những vướng mắc xảy ra trong quá trình triển khai còn lại sẽ được tháo gỡ một cách nhanh gọn”.

Chúng tôi có mặt tại KCN phía Nam để tìm hiểu rõ hơn quá trình triển khai dự án và ghi nhận những ý kiến của Ban quản lý dự án. Ông Đỗ Mạnh Thế – Phó trưởng ban Quản lý dự án Nhà máy Luyện gang thép cho biết: Đúng là quá trình triển khai dự án có chậm hơn so với kế hoạch vài tháng, nhưng với những lý do hoàn toàn khách quan như: quyết định của lãnh đạo Tập đoàn nâng cao công suất Nhà máy nên phải điều chỉnh lại toàn  bộ hồ sơ thiết kế, cũng như các thủ tục cấp phép. Mọi người cần phải hiểu rằng, để làm lại hồ sơ thiết kế cũng như được các cấp, các ngành phê duyệt là một “núi” công việc và rất tốn thời gian, đến nay mọi thủ tục đều đã hoàn thành và đã được phê duyệt.

Hiện nay, Công ty gang thép Cửu Long VINASHIN đã hoàn thành việc khảo sát, thiết kế các hạng mục công trình, đã hoàn thành việc xây dựng hàng rào và đang xây dựng nhà điều hành; các hạng mục khác như đường nội bộ, sân bãi, cây xanh bóng mát… đang được gấp rút triển khai. Trong tháng 9/2007,  lò cao số I (180 m3) sẽ được khởi công xây dựng, tiếp đó là dây chuyền luyện thép và dây chuyền sản xuất ô xy. Ban quản lý dự án đã nhận được sự chỉ đạo từ phía lãnh đạo Tập đoàn rằng: Khắc phục mọi khó khăn, triển khai đầu tư xây dựng đảm bảo đến tháng 9/2008 Nhà máy sẽ đi vào hoạt động đúng như nội dung giấy phép đầu tư do UBND tỉnh Yên Bái cấp.

Về phía chủ đầu tư, đến thời điểm này chúng tôi không gặp phải khó khăn gì trong quá trình triển khai dự án và được tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi. Qua đây, chúng tôi xin kiến nghị một số vấn đề như sau: đề nghị tỉnh sớm ban hành chính sách ưu đãi đầu tư, như các chính sách ưu đãi về vốn, đền bù giải phóng mặt bằng; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giá thuê đất…; tỉnh cũng cần quản lý chặt chẽ nguồn quặng sắt, không nên khai thác bán thô, gây lãng phí và ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu của nhà máy hoạt động sau này.

Như vậy, dự án Nhà máy Luyện gang thép, một công trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đang đươc gấp rút triển khai xây dựng. Hy vọng, với quyết tâm của nhà đầu tư và sự tạo điều kiện của các cấp, các ngành của tỉnh Yên Bái, những khó khăn, vướng mắc sẽ được giải quyết dứt điểm để Nhà máy đi vào hoạt động đúng như kế hoạch, góp phần vào  việc tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách cho địa phương.

Lê Phiên

Các tin khác
Doanh nghiệp Cơ khí Sơn Tùng đẩy mạnh hoạt động trong những tháng cuối năm 2007.

YBĐT - Từ năm 2005 đến nay, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã quyết định cho 92 dự án vay vốn quỹ quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm là 3.351 triệu đồng. Các dự án này đã và đang góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho 564 lao động với 258 lao động được tạo việc làm mới.

Cây ăn quả đang đem lại nguồn thu ổn định cho người làm vườn ở Yên Bái.

YBĐT - Yên Bái là một tỉnh miền núi có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp phát triển rừng và các loại cây công nghiệp, cây ăn quả. Trong những năm qua, việc phát triển cây ăn quả ở tỉnh Yên Bái vừa phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giải quyết việc làm và góp phần nâng cao đời sống người làm vườn trong tỉnh.

Đóng gói sản phẩm bột siêu mịn tại Nhà máy chế biến CaCO3 thuộc HTX Khai thác vận chuyển đá Mông Sơn (Yên Bình) trong Khu công nghiệp phía Nam.

YBĐT - Ngày 01/01/2007 Việt Nam đã chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Như vậy, nước ta đã có vị thế bình đẳng với các thành viên khác trong việc hoạch định chính sách thương mại toàn cầu và thiết lập một trật tự kinh tế công bằng trong việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho đất nước và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những điều chỉnh, thích nghi với điều kiện thực tế nếu muốn tận dụng cơ hội một cách thành công nhất.

(Ảnh: Thành Trung)

YBĐT - Đến hết tháng 8 năm 2007, giá trị tổng sản lượng sản xuất CN - TTCN của thành phố Yên Bái (Yên Bái) đạt 65,3 tỷ đồng, bằng 70,9% kế hoạch năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục