Công nghiệp đã trở thành chủ lực
- Cập nhật: Thứ năm, 27/9/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Văn Chấn (Yên Bái) không có nhiều tài nguyên khoáng sản, cũng chẳng phải là “vùng đất hứa” cho các nhà đầu tư nhưng đã có hướng đi, cơ chế chính sách, khuyến khích các thành phần kinh tế, khai thác tốt tiềm năng để phát triển CN - TTCN. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được thành lập ngày một nhiều, từ vùng thấp đến vùng cao, đặc biệt là các cơ sở sản xuất chế biến chè, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ rừng trồng.
Dây chuyền làm chè héo của CTCP chè Phú Tân, xã Tân Thịnh. (Ảnh Thu Trang)
|
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2007, đã có 10 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được thành lập mới; giá trị sản xuất đạt 96.397 triệu đồng, bằng 83% kế hoạch; nộp ngân sách 5,5 tỷ đồng. Đáng chú ý là công nghiệp ngoài quốc doanh có tốc độ phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, giá trị sản xuất 9 tháng năm 2007 đạt trên 71 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ.
Một trong những yếu tố mang tính quyết định cho doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững là luôn được sự chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, chính quyền huyện; hầu hết các doanh nghiệp luôn chú trọng phát triển đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng. Khi nói về vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp, ông Phạm Văn Tú - Phó Bí thư Đảng bộ, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chè Liên Sơn cho biết: “Là doanh nghiệp có nhiệm vụ sản xuất chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn nên thường xuyên chịu sự cạnh tranh gay gắt.
Trong vài năm trở lại đây, tình hình sản xuất kinh doanh chè có nhiều biến động, doanh nghiệp nếu không có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng thì chắc chắn không thể trụ vững”. Đảng bộ Công ty đã ra nghị quyết, phát huy vai trò của mỗi đảng viên, doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả. Liên tục nhiều năm, Công ty sản xuất kinh doanh có lãi, đời sống người lao động được đảm bảo, cổ tức đạt trên 14,4%/năm. Năm 2006, nhiều doanh nghiệp lao đao, song Công ty vẫn sản xuất trên 1.000 tấn chè thành phẩm, doanh thu đạt 14 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 200 triệu đồng, thu nhập người lao động ổn định từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/người/tháng. Trong 8 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp thu mua 1.900 tấn nguyên liệu, sản xuất 700 tấn chè thành phẩm, doanh thu đạt 11 tỷ đồng, phấn đấu hết năm đạt 16 tỷ đồng.
Còn doanh nghiệp Quang Thịnh chuyên về lĩnh vực xây dựng, chịu ảnh hưởng không nhỏ của sự biến động giá cả, song Ban Giám đốc, Chi bộ Đảng đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất gạch Tuynel công nghệ cao với công suất 10 triệu sản phẩm/năm. Tuy không phải là lĩnh vực sản xuất mới, nhưng doanh nghiệp đã mạnh dạn đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng thi công và tiết kiệm chi phí. Nhờ vậy, doanh nghiệp tiếp tục phát triển, 250 lao động có việc làm ổn định, doanh thu đạt trên 16 tỷ đồng, nộp ngân sách đầy đủ. Với Công ty cổ phần Chè Phú Tân 100% vốn tư nhân, chuyên sản xuất kinh doanh chè, là một doanh nghiệp “sinh sau” lại không có một héc-ta chè nguyên liệu nào nhưng đã làm nên những con số thật ấn tượng. Năm 2006, doanh thu đạt 20 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 2 tỷ đồng, cuộc sống của 130 công nhân ổn định, mức thu nhập bình quân đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng.
Tính riêng từ đầu năm đến nay, Công ty thu mua trên 4.000 tấn chè búp tươi và đã sản xuất trên 900 tấn chè thành phẩm, nộp ngân sách 1,3 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Thủy - Giám đốc Công ty tự hào: “Những con số đó không phải quá lớn, song với tình hình sản xuất kinh doanh chè đầy khó khăn như hiện nay thì đó là sự nỗ lực không nhỏ của Công ty. Là doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi luôn tâm niệm, ngoài bảo toàn và phát triển vốn thì làm sao tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển là niềm vui lớn nhất”.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền và công tác phát triển Đảng là rất quan trọng trong mỗi doanh nghiệp, công ty. Và có một thực tế là, ở đâu Đảng mạnh, chú trọng phát triển Đảng thì doanh nghiệp đó có định hướng phát triển tốt, kinh doanh hiệu quả.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Là một trong những tỉnh thành trong cả nước sớm triển khai thực hiện chương trình khí sinh học bioga, sau gần 2 năm triển khai đến nay tỉnh Yên Bái đã hoàn thành nghiệm thu và đưa vào sử dụng gần 450 công trình hầm khí bioga. Điều đáng mừng là chương trình này đang phát huy hiệu quả tốt trong đời sống sinh hoạt của người dân, tác động làm chuyển biến nhận thức về giữ gìn vệ sinh môi sinh của cộng đồng.
YBĐT - Trồng cây gì, nuôi con gì để nâng cao giá trị trên mỗi héc-ta canh tác luôn là vấn đề trăn trở của các địa phương. Huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã có cách làm rất cụ thể, làm chắc và hiệu quả, sản xuất gắn với chế biến và thị trường.
YBĐT - Thời gian qua, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Yên Bái (BIDV-Yên Bái) đã từng bước triển khai chương trình đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ và hiện đại hoá hệ thống nghiệp vụ phục vụ khách hàng, trong đó có việc đầu tư hơn 3 tỷ đồng lắp đặt bốn máy rút tiền tự động và phát hành thẻ ATM. Sự mạnh dạn đầu tư của BIDV-Yên Bái rất phù hợp với tiến trình phát triển nói chung và Chỉ thị 20/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản.
YBĐT - Thực hiện chương trình hỗ trợ và đầu tư trồng tre Bát Độ lấy măng năm 2007, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã triển khai cho nhân dân đăng ký vay vốn để trồng. Năm 2007, với trên 300 ha tre Bát Độ trồng mới, huyện đã kịp thời hỗ trợ cho nhân dân vay đầu tư 2 triệu đồng/ha, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ phủ lãi suất một năm đầu.