Điểm tựa giúp hội viên phát triển kinh tế

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/11/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Xã Đông Cuông, huyện Văn Yên có diện tích tự nhiên trên 2.115ha, trong đó, có 525ha ruộng nước màu mỡ. Những năm trước, Đông Cuông luôn là một xã nghèo, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, toàn xã chỉ có một vài ngôi nhà xây cấp 4. Bây giờ, Đông Cuông đã khác!

Dọc hai bên đường, những ngôi nhà cao tầng mọc lên rất nhiều và điện- đường- trường- trạm được xây dựng khang trang. Kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của Hội Nông dân xã.

Để giúp các hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã đã tiến hành điều tra khảo sát lập danh sách các hộ nghèo, phân công các hội viên khá giúp đỡ hội viên nghèo, tìm rõ nguyên nhân để có kế hoạch giúp đỡ các hội viên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Hiên- Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Trong những năm qua, phong trào nông dân xã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hội đã cùng với Đảng bộ, chính quyền xã vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất; tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho các hội viên vay vốn; xây dựng quỹ cho các hội viên gặp khó khăn vay phát triển kinh tế gia đình”.

Nguyên nhân dẫn đến kinh tế chậm phát triển là phong tục tập quán lạc hậu, sản xuất manh mún nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, thiếu kiến thức khoa học... Do vậy, trong sản xuất nông nghiệp, Hội đã vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá; mạnh dạn đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học, vào sản xuất. Bằng những biện pháp, hướng chỉ đạo phù hợp, năng suất lúa đã đạt tới 110 tạ/ha; an ninh lương thực được bảo đảm; nhiều hộ đã sản xuất lúa theo hướng hàng hoá, tăng vòng quay sử dụng đất.

Ngoài sản xuất hai vụ lúa, Hội còn tuyên truyền, vận động các hội viên tham gia trồng cây vụ đông để tăng thêm thu nhập. Vụ đông năm nay, nông dân đã trồng được 103ha ngô và hơn 30 ha khoai tây, khoai lang và rau màu các loại. Bà con đã đưa các giống kỹ thuật vào trồng như: ngô lai, khoai tây giống Hà Lan và Trung Quốc. Xác định cây sắn là cây mũi nhọn, Hội Nông dân đã tuyên truyền vận động người dân tham gia trồng sắn, hộ ít cũng có 5.000 gốc, hộ nhiều là vài ha. Hàng năm, toàn xã trồng mới được 400 ha sắn cao sản, đến vụ thu hoạch sản lượng đạt hàng ngàn tấn nguyên liệu cung ứng cho nhà máy, giá trị thu nhập đạt trên 2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nông dân trong xã đẩy mạnh phát triển đàn gia súc gia cầm, toàn xã hiện có 1.569 con trâu, bò và hơn 48.000 con gia cầm. Hội cũng vận động nhân dân phát triển mô hình kinh tế hộ, phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh dịch vụ. Nhiều hội viên mở các xưởng chế biến gỗ, hàn xì, kinh doanh vật liệu xây dựng... cho thu nhập khá ổn định. Nhiều hộ gia đình có thu nhập mỗi năm 40-50 triệu đồng như hộ Nguyễn Văn Thành ở tổ 2, mở xưởng chế biến gỗ; ông Phạm Văn Xuân, thôn Gốc Đa phát triển chăn nuôi, mở dịch vụ cày, bừa và máy tuốt lúa; bà Mai Thị Hằng kinh doanh vật liệu xây dựng...

Để tạo điều kiện cho các hội viên có vốn để phát triển kinh tế, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Phụ nữ... thành lập các tổ vay vốn với hàng ngàn lượt hộ vay, tổng dư nợ đạt trên 4 tỷ đồng. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, các hội viên đã được vay 530 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội còn xây dựng quỹ để cho các hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vay vốn, không tính lãi, tạo đà cho phát triển kinh tế.

Bằng những biện pháp cụ thể của Hội Nông dân, đời sống nông dân trong xã đã được nâng lên rõ rệt, góp phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế của xã. Từ một xã có tỷ lệ hộ đói nghèo cao, đến nay, hộ đói nghèo đã giảm xuống còn gần 5%, đó là một con số rất đáng khích lệ.

Văn Thông

 

Các tin khác

YBĐT - Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Văn Yên đạt 11,5%. Xã Thượng Bằng La huyện Văn Chấn mở rộng 1,5km đường vào thôn Khe Cướm

Ảnh minh hoạ (Thành Trung).

YBĐT - Xã Xà Hồ của huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có diện tích tự nhiên 7843 ha. Toàn xã có 367 hộ, 2423 nhân khẩu với 100% là đồng bào Mông sinh sống trong 9 thôn bản và 11 khu dân cư với đặc thù là xã vùng cao, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, nền kinh tế chậm phát triển đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo của xã vẫn ở mức cao.

YBĐT - Chủ động khắc phục khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, tính đến hết tháng 10 năm 2007, Công ty sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn có giá trị sản xuất công nghiệp đạt 23 tỷ 044 triệu đồng, đạt 72% kế hoạch năm và bằng 139,43% so với cùng kỳ năm 2006.

Nông dân Văn Chấn giao nhận chè giống.

YBĐT - Nậm Búng là xã còn nhiều khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái), kinh tế chủ yếu là sản xuất nông lâm - nghiệp với tập quán canh tác lạc hậu trồng lúa nước một vụ, làm lúa nương, trồng ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập bình quân đầu người chưa đầy 300 kg lương thực/năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục