Minh Bảo tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế
- Cập nhật: Thứ năm, 14/2/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tuy là xã khó khăn của thành phố Yên Bái, nhưng nhờ xác định rõ thế mạnh phát triển kinh tế nên những năm qua, Đảng bộ xã Minh Bảo tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung phát triển kinh tế trang trại, sản xuất chè.
Để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế trang trại, xã đã tận dụng triệt để 200 ha rừng kinh tế, 120 ha đất đồi, vận động nhân dân trồng rừng tập trung kết hợp chăn nuôi đại gia súc, lợn, gia cầm. Nhiều mô hình nông lâm kết hợp đã hình thành, tạo bước chuyển mới trong phong trào làm kinh tế trang trại của xã. Hiện nay, Minh Bảo có nhiều trang trại chăn nuôi có quy mô.
Điển hình như trang trại nuôi lợn siêu nạc của bà Đặng Thị Tuyết ở thôn Bảo Thịnh với số vốn đầu tư ban đầu 260 triệu đồng từ năm 2005. Đến nay, đàn lợn đã phát triển từ 30 lợn nái ban đầu lên 200 lợn nái và 500 con lợn thương phẩm. Dịp tết vừa qua, bà Tuyết đã xuất trên 200 con lợn phục vụ nhu cầu của người dân thành phố và vùng phụ cận. Ngoài ra, hàng tháng, trang trại xuất bình quân từ 50 - 60 con lợn thịt.
Đồng chí Hoàng Thư Khoa - Chủ tịch UBND xã Minh Bảo cho biết : “Bên cạnh sự phát triển mạnh của chăn nuôi thì cây chè vẫn là loại cây chủ lực của Minh Bảo. Hiện có khoảng 75% số hộ dân sống bằng cây chè, mỗi hộ trung bình có từ vài sào đến vài héc-ta”. Thôn Trực Bình là một trong những thôn khó khăn nhất của xã, cả thôn chỉ có 5 ha ruộng nước, còn lại là đất đồi. Những năm qua, Đảng bộ xã đã vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông lâm nghiệp, trong đó tập trung phát triển cây chè. Nhờ đó, cuộc sống hiện nay của người dân đã được cải thiện rất nhiều.
Trưởng thôn Trần Xuân Trường cho biết: “Từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, cây chè đã là cây chủ lực phát triển kinh tế của thôn. Nhưng những năm đó, người dân trực tiếp lao động không được hưởng nhiều thành quả, đời sống khó khăn, do đó ít quan tâm chăm sóc, cải tạo, dẫn đến chất lượng cũng như năng suất không cao. Từ khi xóa bỏ bao cấp, toàn bộ diện tích chè được giao cho người dân. Thực sự làm chủ, người dân đầu tư chăm sóc, cải tạo đồi chè nên năng suất tăng đáng kể, trung bình đạt 6 tấn búp tươi/ha, với giá bán hiện nay là 2.500 đồng/kg thì thu nhập của người dân khá cao, nhờ đó cả thôn nay chỉ còn 2 hộ nghèo”.
Gia đình ông Trần Nhãn, 5 năm trước là một trong những hộ nghèo nhất của thôn, cả gia đình 7 nhân khẩu đều trông vào cây chè. Được cán bộ khuyến nông giúp đỡ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, ông mạnh dạn vay vốn đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động. Hiện với hơn 2 ha chè, hàng năm thu nhập của gia đình ông đạt trên 20 triệu đồng và vươn lên khá giả.
Những năm qua, diện tích chè của Minh Bảo không ngừng được mở rộng. Hiện nay, xã có 165 ha chè kinh doanh, nhưng phần lớn là các giống chè trung du đã già cỗi; năng suất, chất lượng thấp. Tiến độ cải tạo đồi chè của xã cũng vẫn còn chậm. Năm 2007, kế hoạch cải tạo là 15 ha chè nhưng thực hiện chỉ được 5,1 ha, nguyên nhân do cây chè là nguồn thu nhập chính của người dân nên nếu cải tạo cùng lúc thì phải 3 năm sau mới có thể cho thu hái.
Đây thực sự là khó khăn lớn mà Đảng bộ xã Minh Bảo phải tập trung tháo gỡ trong thời gian tới để cây chè thực sự là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo của nhân dân.
Anh Dũng
Các tin khác
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Một cơ chế "khẩn cấp" để bình ổn thị trường mỗi khi có biến động mạnh về quan hệ cung-cầu do thiên tai, dịch bệnh, khó khăn nguồn cung trong các dịp lễ Tết, hoặc trong những tình huống mất cân đối cục bộ đang được Bộ Công Thương nghiên cứu để ban hành.
Tin từ Cục hàng không Việt Nam cho biết, từ ngày 10/4, hãng hàng không giá rẻ Cebu Pacific (Philippin) sẽ mở đường bay tới Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, ước trong tháng 1-2008, các doanh nghiệp đã nhập 190.000 tấn phôi thép và 620.000 tấn thép các loại, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.