Thị trường TP Yên Bái sau tết Mậu Tý: Vẫn chưa "hạ nhiệt"

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mặc dù đã qua tết Nguyên đán gần 1 tháng song cùng với sự tăng giá của các mặt hàng vật liệu xây dựng, than, xăng dầu thì giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng ở TP Yên Bái vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". Người tiêu dùng, nhất là cán bộ viên chức, công nhân lao động, người nông dân có mức thu nhập thấp gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Thực phẩm hàng ngày là thứ hàng có giá tăng cao nhất. (Ảnh: P.V)
Thực phẩm hàng ngày là thứ hàng có giá tăng cao nhất. (Ảnh: P.V)

Người mua đã khổ...

Có thể nói, giá các mặt hàng trước và sau tết Nguyên đán hầu hết đều tăng giá song các mặt hàng lương thực, thực phẩm là “leo” nhanh nhất. Gạo tăng 2 nghìn đồng/kg, rau xanh tăng 300% so với trước tết, thịt lợn tăng 10 nghìn đồng/kg, cá cũng tăng trên 10 nghìn đồng...

Trước đây, nhiều bà nội trợ chỉ cần có 2.000 đồng là có thể lo được một bữa rau xanh cho cả nhà, nhưng hôm nay phải từ 5.000 -7.000 đồng mới tạm ổn. Đấy mới chỉ là rau xanh hàng "phổ thông" chứ với rau cao cấp, rau sạch thì phải 10-15 ngàn đồng, thậm chí cao hơn. Tại một số chợ của thành phố Yên Bái, cảnh người mua, người bán sau tết đã trở lại ngày thường.

Chị Hoàng Thị Thu Hồng, phường Minh Tân đang mua hàng than thở: "Giá cả tăng quá trời, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, cuộc sống gia đình cũng gặp không ít khó khăn, vì nhu cầu cuộc sống hàng ngày dù giá có tăng song vẫn phải mua, phải ăn để sống. Rau xanh tăng, giá, gạo, thịt, cá... tăng chóng mặt. Đời nào ăn rau mà đắt như ăn cá, ăn thịt vậy. Có ngày rau cải cúc tăng tới 20 nghìn đồng/kg, su hào12 nghìn đồng, bắp cải cũng 15 nghìn đồng. Vài ngày nay giá rau xanh đã "hạ nhiệt" nhưng vẫn còn quá cao so với mức thu nhập của người lao động chúng tôi".

Tại chợ Yên Thịnh vào thời điểm ngày 25 tháng 2, giá thịt gà đã mổ sẵn 80 nghìn đồng/kg, tăng 15 nghìn đồng so với 1 tháng trước, thịt lợn mông sấn 60 nghìn đồng/kg, cá khúc 60-70 nghìn đồng/kg, rau bắp cải 7 nghìn đồng/kg, su hào 8 nghìn đồng/kg, gạo ngon 10 nghìn đồng/kg, gạo thường cũng 9 nghìn đồng/kg.

Bà Nguyễn Thu Dung, cán bộ nghỉ hưu ở phường Đồng Tâm, TP Yên Bái đang mua gạo nói với chúng tôi: "Đã từ nhiều năm nay cứ vào những ngày áp tết và ra tết vài ba ngày giá cả các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là mặt hàng lương thực, thực phẩm là tăng mạnh nhưng sau vài ngày lại trở về giá cũ. Nhưng năm nay lại hoàn toàn khác, đã gần hết tháng 2 rồi mà giá vẫn tăng cao và không có chiều hướng giảm. Trước đây, gia đình tôi có 5 khẩu bình quân mỗi ngày đi chợ chỉ cần có 50 nghìn đồng là có được một bữa ăn tươm tất rồi nhưng hôm nay phải mất 70-80 nghìn đồng mà còn không bảo đảm dinh dưỡng. Với đồng lương hưu ít ỏi của hai ông  bà, chúng tôi phải xây dựng lại kế hoạch chi tiêu tiết kiệm hơn để ổn định cuộc sống".

Rõ ràng, việc các mặt hàng tiêu dùng nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm cứ “giá trên trời” như hiện nay làm đảo lộn cuộc sống người dân, nhiều hộ gia đình có mức thu nhập vốn đã thấp lại càng khó khăn hơn.

Nông dân vùng rau buồn vì chẳng có rau để bán.

... Người có bán cũng khó khăn

Trong cơn bão giá cứ tưởng người nông dân trực tiếp sản xuất ra các mặt hàng rau quả, thực phẩm sẽ thắng lớn. Nhưng xem ra không phải vậy. Chúng tôi đã về xã Văn Phú, nơi trồng và cung cấp một lượng rau khá lớn cho thị trường thành phố Yên Bái để tìm hiểu rõ hơn.

Chị Trần Thị Huế ở thôn 1 xã Văn Phú đang cặm cụi thu hoạch những đợt rau cuối cùng để kịp sáng mai mang ra chợ thành phố Yên Bái bán. Vừa làm chị vừa nói: “Các anh xem đấy, mọi năm đến thời điểm này là cả một màu xanh bạt ngàn của rau, nhưng giờ chỉ còn lác đác vài vạt rau là trụ được sau đợt rét vừa qua. Gần 3 sào rau nhà tôi trồng chết hàng loạt, bám trụ lại chỉ còn rau bắp cải xòe và hai luống cải cúc. Cũng chẳng mong gì rau đắt chỉ cần thời tiết thuận lợi, rau mọc tốt bán với giá bình quân 4 nghìn đồng/ kg là lãi rồi. Đa số các hộ trồng rau ở đây đều chỉ được thu hoạch trước tết, đến thời điểm rau đắt lại không có mang đi bán bởi trời rét quá rau không lên được".

Cũng giống như gia đình chị Huế, chị Đỗ Thị Vinh ở thôn 4 xã Văn Phú, trồng 1,5 sào rau chỉ được bán có một đợt từ tháng 12 năm ngoái với giá 2.000 đồng/kg và từ đó đến nay rét đậm, rau không lên được, một phần thì chết, đến thời điểm này cũng chẳng còn rau để bán, mà giờ chỉ đủ dùng cho gia đình. Ở thôn 4 nhà nào cũng trồng trên dưới một sào rau song đều chịu chung cảnh ngộ như hai hộ trên. Dù giá tăng nhưng do đợt rét đậm, rét hại kéo dài dẫn đến cây rau chậm phát triển, thời gian thu hoạch cũng kéo dài hơn, năng suất thấp, thậm chí chết hàng loạt.

Chị Nguyễn Thị Huyền tổ 41, phố Tuần Quán, phường Yên Ninh than thở: “Nhà tôi trồng được 2 sào rau, thời tiết bình thường chỉ hơn hai tháng là được thu hoạch. Năm nay do rét đậm kéo dài, 3 tháng mới được thu hoạch, nhưng đều bán trước tết, rau bí bán với giá từ 700- 1.000 đồng một mớ. Mọi năm thu hoạch đến tháng 3, tháng 4 mới hết rau. Năm nay do trời rét đến nay rau đã tàn úa”.

Nhà chị Phạm Thị Hà thậm chí cả hai sào rau bí do trồng muộn nên đến nay vẫn không thu hoạch được đợt nào. Nhìn bãi đất soi màu ở đây là cả một màu vàng hoe của rau bí mà xót cho công chăm sóc của nhà nông. Tất cả các hộ gia đình trồng rau ở đây đang có ý định phá rau đi để chuẩn bị gieo trồng các loại cây khác.

Có thể nói, thời tiết rét đậm, rét hại một thời gian dài, cùng với giá cả phân bón, vật tư tăng cao là nguyên nhân chính dẫn đến mặt hàng rau xanh đội giá. Thực tế dù rau tăng giá nhưng người trồng rau cũng chẳng lãi được là mấy thậm chí có nhiều hộ còn trắng tay. Mặc dù các ngành, các cấp đã có nhiều biện pháp chỉ đạo bình ổn giá, song với tình trạng chung hiện nay, cái cảnh “người mua nhăn nhó, người bán cũng than khổ” không biết còn kéo dài đến bao lâu?

Văn Thông

Các tin khác
Kim ngạch xuất khẩu của Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn tăng trên 100% so với cùng kỳ 2007. (Ảnh: Thanh Ba)

YBĐT - 2 tháng đầu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Yên Bái ước đạt 1.910 ngàn USD, đạt 11,23% kế hoạch và tăng 9,6% so với cùng thời gian năm 2007.

Trước tình trạng các mặt hàng tiêu dùng tăng giá chóng mặt sau khi xăng dầu tăng giá, sáng 27-2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trả lời báo chí bên hành lang phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 vọt lên 3,56%, đưa mức tăng chung hai tháng đầu năm lên 6,02%.

Thứ trưởng Hoàng Văn Phong trao quyết định cho Chủ tịch Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, thứ trưởng Lê Đình Tiến.

Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Quốc gia vừa ra mắt vào ngày 26/2 được Nhà nước cấp vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Quỹ có nhiều hình thức tài trợ cho các nhà khoa học để nâng cao chất lượng sản phẩm KH&CN...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục