Cần tìm giải pháp mở hướng xuất khẩu lao động ở Trấn Yên
- Cập nhật: Thứ năm, 1/5/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 2007, huyện Trấn Yên (Yên Bái) xuất khẩu được 190 lao động, vượt kế hoạch tỉnh giao 40 lao động, song mới chỉ đạt 76% chỉ tiêu Nghị quyết kỳ họp thứ 9 - HĐND huyện về xuất khẩu lao động. Đặc biệt, từ năm 2005 trở lại đây, tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã có 13 lao động phải về nước trước hạn.
Nhiều doanh nghiệp XKLĐ chua quan tâm đến việc hướng nghiệp và đào tạo nghề cho người lao động.
|
Hội nghị bàn giải pháp thực hiện công tác XKLĐ với lãnh đạo chủ chốt các xã, thị trấn và các công ty được phép tuyển dụng lao động xuất khẩu trên địa bàn được huyện Trấn Yên tổ chức mới đây đã tập trung mở hướng tháo gỡ khó khăn, định hướng thị trường giúp người lao động có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Hiện nay, lao động xuất khẩu và cả những lao động làm việc tại thị trường lao động một số nước đang gặp phải khó khăn về việc làm, thu nhập, vướng mắc trong quá trình vay vốn, làm hộ chiếu... Thêm vào đó, sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp tuyển lao động xuất khẩu trong việc giải quyết triệt để các rủi ro phát sinh đối với người lao động... đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân, dẫn đến nhiều lao động đã đăng ký đi xuất khẩu qua các công ty, được học ngoại ngữ và giáo dục định hường, thậm chí đã làm hộ chiếu... phá bỏ hợp đồng không đi.
Trên địa bàn huyện Trấn Yên hiện có 7 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động tại thị trường các nước: Malaysia, Đài Loan, Trung Đông, Hàn Quốc; trong đó thị trường lao động chủ yếu là Malaysia. Tuy nhiên, thị trường này lại có những biến động không tốt: một số nhà máy tiếp nhận lao động của huyện bị phá sản hoặc không đủ việc làm cũng như việc làm thêm vi phạm cam kết hợp đồng với người lao động. Do đó, thu nhập và việc làm của người lao động không đảm bảo.
Trên thực tế thì mức lương tối thiểu mà nước ta ký với nước bạn thấp nhất là 18 Ringít/ngày, tương đương với 80 nghìn VNĐ. Nếu người lao động không có việc làm thì thu nhập một tháng chỉ đạt gần 2 triệu đồng. Với mức thu nhập như vậy nhiều lao động đi xuất khẩu đã không thể trả nợ vay ngân hàng sau 3 năm. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên có nhiều, trong đó có việc doanh nghiệp xuất khẩu lao động chưa quan tâm đến việc hướng nghiệp và đào tạo nghề cho người lao động; hệ thống thông tin về thị trường lao động chưa kịp thời với nhu cầu cung và cầu lao động. Về phía người lao động, còn nặng tâm lý ngại học nghề, ngại thi tuyển, ý thức kỷ luật kém...
Bên cạnh đó, cơ chế vay vốn đối với lao động đi xuất khẩu lao động còn hạn chế. Cụ thể, mức vay không cần thế chấp tài sản giới hạn 20 triệu đồng, do vậy chỉ phù hợp với thị trường lao động Malaysia. Trong khi đó, các thị trường lao đồng ổn định về việc làm và có thu nhập cao như: Trung Đông, Brunây, Đài Loan, Hàn Quốc... lại yêu cầu phải có mức vốn vay từ 30 đến 60 triệu đồng nên người lao động nghèo, chưa qua đào tạo nghề không có cơ hội làm việc tại các nước này.
Năm 2008, huyện Trấn Yên phấn đấu xuất khẩu 250 lao động đi làm việc tại các nước. Để thực hiện tốt công tác xuất khẩu lao động trong tình hình mới, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết kỳ họp thứ 9 - HĐND huyện, Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động huyện Trấn Yên đã tiến hành rà soát lại các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trên địa bàn. Dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp thiếu tích cực, để xảy ra nhiều rủi ro, thiếu tinh thần trách nhiệm đối với người lao động; chú trọng lồng ghép các dự án đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn với công tác đào tạo nghề cho lao động xuất khẩu. Tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp XKLĐ với các trường và trung tâm đào tạo nghề nhằm cung ứng nguồn lao động có tay nghề cho công tác XKLĐ.
Để hoàn thành chế biến XKLĐ ngay từ bây giờ, Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động huyện Trấn Yên yêu cầu các doanh nghiệp kiên quyết không tuyển dụng lao động thiếu ý thức kỷ luật, ảnh hưởng tiêu cực do các cá nhân này gây ra.
Huyện đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cần thẩm định chặt chẽ hợp đồng cung ứng lao động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, tránh tình trang lao động xuất khẩu không đủ việc làm, thu nhập không đảm bảo. Quan trọng hơn là tỉnh Yên Bái và ngành ngân hàng cần có chính sách tăng mức vay vốn không thế chấp đối với lao động xuất khẩu lên 30 triệu đồng thay vì 20 triệu đồng như hiện nay, mở hướng để lao động xuất khẩu trên địa bàn huyện có thêm những cơ hội mới tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Minh Thuý
Các tin khác
Bộ NN&PTNT yêu cầu, từ năm 2008-2010, các địa phương không được mở thêm diện tích trồng cà phê, chỉ trồng tái canh đối với các diện tích cà phê già cỗi. Đồng thời, cần kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng trồng mới cà phê.
YBĐT - Sau hơn một năm thực hiện, đến nay toàn huyện Văn Yên (Yên Bái) đã có gần 200 hộ gia đình xây dựng hầm khí sinh học Biogas để xử lý chất thải chăn nuôi tạo ra khí gas phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
YBĐT - Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng kế hoạch sản xuất cơ cấu mùa vụ, tạo sự đồng thuận về nhận thức cũng như hành động trong dân.
Ngày 29/4, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Thị Nguyệt cho biết trong 4 tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu 1,38 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 593 triệu USD.