Đóng dấu, bấm lỗ tiền giả
- Cập nhật: Thứ tư, 15/10/2008 | 12:00:00 AM
Ngày 14/10/2008, Ngân hàng Nhà nước đã công bố Quyết định số 28/2008/QĐ-NHNN của Thống đốc về việc xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành Ngân hàng.
Một lô tiền giả bị bắt giữ năm 2007 khi đang vận chuyển qua Lạng Sơn
|
Quyết định này quy định về việc thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả, giám định tiền giả, tiền nghi giả, đóng dấu tiền giả, đóng gói, giao nhận, vận chuyển và tiêu huỷ tiền giả trong ngành Ngân hàng.
Thu giữ tiền giả
Khi phát hiện đồng tiền có dấu hiệu nghi vấn, ngân hàng căn cứ vào thông báo của Ngân hàng Nhà nước (hoặc của Bộ Công an) về đặc điểm nhận biết của tiền giả, đối chiếu với đặc điểm bảo an của tiền mẫu (hoặc tiền thật) cùng loại để kết luận.
Theo căn cứ trên, khi khẳng định đồng tiền có dấu hiệu nghi vấn là loại tiền giả, ngân hàng phải lập biên bản, thu giữ và đóng dấu, bấm lỗ tiền giả; nếu có nghi vấn về việc lưu hành tiền giả hoặc phát hiện từ 5 tờ tiền giấy giả (hoặc 5 miếng đối với tiền kim loại giả) trở lên trong một giao dịch hoặc khi khách hàng không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả của ngân hàng thì ngân hàng phải thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Đối với loại tiền giả chưa có thông báo (tiền giả loại mới), ngân hàng lập biên bản, thu giữ (không đóng dấu, bấm lỗ tiền giả); thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất; thông báo và gửi toàn bộ tiền giả loại mới trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn.
Khi nhận được thông tin về tiền giả loại mới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo ngay cho cơ quan công an cùng cấp và Cục Phát hành và Kho quỹ.
Nhân viên ngân hàng thu giữ tiền giả phải là người được đào tạo, tập huấn về kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả. Nghiêm cấm hành vi trả lại tiền giả, tiền nghi giả cho khách hàng.
Đối với tiền nghi giả, tổ chức tín dụng, tổ chức khác có hoạt động ngân hàng lập biên bản và tạm thu giữ tiền nghi giả. Trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ ngày tạm thu giữ, tổ chức phát hiện phải gửi tiền nghi giả và đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan Công an trên địa bàn giám định. Kết quả giám định phải được thông báo bằng văn bản cho khách hàng có tiền nghi giả biết.
Đóng dấu, bấm lỗ tiền giả
Con dấu tiền giả hình chữ nhật, kích thước: 20mm x 60mm; phần tên ngân hàng: 5mm x 60mm, chữ “TIỀN GIẢ”: 15mm x 60mm; sử dụng mực màu đỏ.
Tiền giả được đóng dấu lên cả 2 mặt và bấm 4 lỗ (bằng dụng cụ bấm lỗ dùng cho văn phòng).
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm đóng gói, niêm phong bó, túi tiền giả và niêm phong phải ghi rõ và đầy đủ các yếu tố theo quy định hiện hành về niêm phong tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra tính xác thực của từng tờ tiền giả do tổ chức giao nộp, giao nộp tiền giả về Kho tiền Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh.
Đối với tiền giả chưa có thông báo (tiền giả loại mới), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao nộp tiền giả loại mới theo yêu cầu của Cục Phát hành và Kho quỹ.
Giám định tiền giả, tiền nghi giả
Mọi tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định tiền giả, tiền nghi giả phải có đề nghị bằng văn bản và chuyển tiền giả, tiền nghi giả tới Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Phát hành và Kho quỹ hoặc Chi cục Phát hành và Kho quỹ.
Kết quả giám định được thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị giám định. Việc giám định được thực hiện miễn phí.
Tiền giả, tiền nghi giả giám định theo yêu cầu của cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, sau khi giám định được trả lại đơn vị yêu cầu giám định.
Tiền giả loại mới sau khi giám định tại Cục Phát hành và Kho quỹ được lưu giữ, bảo quản để phục vụ công tác nghiệp vụ. Thống đốc Ngân hàng quyết định về số lượng, loại tiền giả cần lưu giữ, bảo quản.
Thu hồi và tiêu huỷ tiền giả
Ngân hàng Nhà nước tổ chức thu nhận, tiêu huỷ tiền giả do các tổ chức, cá nhân giao nộp.
Việc tiêu huỷ tiền giả, tiền thật bị đóng dấu “Tiền giả” của Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo quy định như đối với tiêu huỷ tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
Việc tiêu huỷ tiền giả là tang vật của các vụ án hình sự thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án.
Thông tin, báo cáo về tiền giả
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức tín dụng, tổ chức khác có hoạt động ngân hàng báo cáo số liệu tiền giả thu giữ theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng khi phát hiện tiền giả loại mới hoặc phát hiện có dấu hiệu tàng trữ, lưu hành, vận chuyển tiền giả phải kịp thời thông báo cho cơ quan công an và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn.
(Theo VietNamNet)
Các tin khác
YBĐT - Với chủ đề "Đánh thức một vùng tiềm năng" - Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Bắc đã được Bộ Kế hoạch đầu tư, Ban chỉ đạo Tây bắc và Uỷ ban dân tộc Chỉnh phủ tổ chức ngày 14/10/2008 tại Sa Pa - Lào Cai. Tham dự diễn đàn có đồng chí Trương Vĩnh Trọng - Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng hơn 400 đại biểu đến từ các Bộ, ban ngành trung ương, lãnh đạo các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Điên Biên và Lai Châu, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đoàn đại biểu Yên Bái có các đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh uỷ, Phạm Duy Cường - Phó chủ tịch UBND tỉnh, cùng một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đang có chương trình đầu tư tại Yên Bái.
YBĐT - Có thể nói nuôi cá ruộng đã trở thành tập quán canh tác của đồng bào ở Mường Lò (Yên Bái). Tại những thửa ruộng thích hợp, khi lúa xuân bén rễ, đẻ nhánh là bà con đem thả các loại cá giống vào ruộng và ba tháng sau lúa được thu hoạch cũng là lúc bà con bắt cá.
"Đối với các sản phẩm sữa và nguyên liệu sữa nhập từ Trung Quốc có chứa chất melamine đang được niêm phong chờ xử lý, Bộ Y tế sẽ làm việc với Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương hướng dẫn các doanh nghiệp làm việc với đối tác Trung Quốc để có phương án tái xuất”. Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết.
Được sự hậu thuẫn của một số cán bộ thuế ở Chi cục Thuế Đống Đa (Hà Nội), 48 Cty "ma" đã mua được 449 quyển hoá đơn (mỗi quyển 50 tờ) để bán cho khoảng 1 vạn doanh nghiệp (DN) trên cả nước, bước đầu xác định số tiền ghi báo cáo trên thuế lên tới 1.500 tỉ đồng.