Mường Lò: Hiệu quả từ mô hình nuôi cá ruộng áp dụng tiến bộ khoa học

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/10/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Có thể nói nuôi cá ruộng đã trở thành tập quán canh tác của đồng bào ở Mường Lò (Yên Bái). Tại những thửa ruộng thích hợp, khi lúa xuân bén rễ, đẻ nhánh là bà con đem thả các loại cá giống vào ruộng và ba tháng sau lúa được thu hoạch cũng là lúc bà con bắt cá.

Nuôi cá ruộng đã góp phần không nhỏ vào việc tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích và cải thiện bữa ăn hàng ngày cho bà con nông dân. Tuy nhiên, trước đây người Mường Lò vẫn nuôi cá ruộng theo kiểu quảng canh, không áp dụng khoa học kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế không cao. Có gia đình thả cả cá trắm cỏ vào ruộng lúa đã ảnh hưởng đến năng suất lúa; nhiều nhà thả mật độ quá cao, nhiều loại cá trên một thửa ruộng nên tỷ lệ cá sống thấp, cá chậm lớn, đôi khi còn mắc dịch bệnh. Nhằm trang bị kiến thức cho bà con trong việc nuôi cá ruộng, đảm bảo duy trì một tập quán canh tác quý và phát huy hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, Trại Cá giống Nghĩa Lộ thuộc Trung tâm thủy sản Yên Bái đã triển khai đề tài áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính và chép lai V1 trong ruộng lúa trên cánh đồng Mường Lò trong hai năm 2007 và 2008.

Kỹ sư Nguyễn Tiến Nam cho biết: "Mục tiêu của dự án là hết sức rõ ràng nên ngay từ khi bắt đầu triển khai, Ban quản lý dự án đã nhận được sự đồng tình ủng hộ và tham gia của người dân. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực trạng những thửa ruộng ở 4 xã, phường gồm: phường Trung Tâm, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ), Sơn A và Hạnh Sơn (Văn Chấn)  trong vùng dự án, đã có 66 hộ được chọn tham gia với tổng diện tích 20 ha. Quan điểm của chúng tôi là triển khai mô hình trên diện rộng nên không có hộ nào tham gia với diện tích quá lớn hoặc quá nhỏ, bình quân mỗi hộ từ một đến hai nghìn m2 nhằm thuận lợi cho việc nâng cao kiến thức KHKT thuật cho cả những người xung quanh không tham gia dự án". Hai đối tượng cá giống được tuyển chọn là rô phi đơn tính và chép lai ba máu V1. Đây là giống cá có sức lớn gấp 1,5 đến 2 lần giống cá thông thường và nó còn có khả năng thích nghi với môi trường và sức sống cao.

Các hộ dân đăng ký tham gia dự án đã được cán bộ thuỷ sản hướng dẫn đầy đủ kỹ thuật nuôi cá ruộng thâm canh, từ việc lựa chọn thửa ruộng phù hợp, đắp lại bờ, làm lải tràn, đào chuôm hoặc mương nước, phòng trừ bệnh tật và chăn nuôi cá... Nhiều bà con hết sức ngỡ ngàng khi được hướng dẫn chỉ thả cá với tỷ lệ 0,5con/m2. Nói như ông Lò Văn Khoa ở Hạnh Sơn thì: "Từ xưa tới nay nhà mình đâu có tính tỷ lệ thả chặt chẽ đến thế, cứ có cá là thả, có khi đi bắt ngoài ruộng, ngoài suối được ít cá, thấy bé quá lại thả vào ruộng nên có đám ruộng số cá thả rất nhiều. Thả mau quá, cá chết rất nhiều mà không lớn".

Hay như ông Hoàng Văn Mầng ở Nghĩa Lợi: "Nhà mình nuôi cá nhiều nhưng không bao giờ bón vôi bột để tẩy ao". Thả nuôi đúng kỹ thuật và được chăm sóc tốt nên cá trong chương trình Dự án phát triển rất tốt, tỷ lệ sống đạt trên 80%. Riêng vụ cá 2008 (vụ cá thứ hai trong Dự án), 1 vạn cá giống, trong đó 8000 cá chép lai, 2000 rô phi đơn tính đã được thả trên diện tích 20 ha thuộc 4 xã phường đã đạt trọng lượng bình quân 300gam/con.  

Chúng tôi đến gia đình ông Hoàng Thái ở thôn Pá Khết, phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ) khi ông chuẩn bị thu hoạch lứa cá thả ruộng thuộc chương trình Dự án. Với diện tích 3000 m2, ông thả nuôi 1500 cá giống, đến nay cá đã to như bàn tay, nhiều con nặng tới bốn lạng. Ông Thái vui vẻ cho biết: "Nuôi cá trong ruộng lúa tốt hơn, ít sâu hơn và nhất là bình quân khoảng trăm mét vuông ruộng thu thêm 10 kg cá nên vừa có cá cải thiện bữa ăn, vừa có cá bán tăng thêm thu nhập. Từ vụ sau, gia đình tôi sẽ tiếp tục thả cá ruộng theo kiến thức mới".

Vụ tới, Dự án nuôi cá thâm canh trên ruộng bằng tiến bộ KHKT ở Mường Lò sẽ kết thúc, nhưng những hộ đã tham gia vẫn quyết tâm làm và rất nhiều hộ dân trong vùng thấy rõ được lợi ích của việc thả cá ruộng theo phương pháp mới nên hăng hái làm theo, đó thực sự là tín hiệu vui từ một chương trình hiệu quả. Chắc chắn từ năm tới trở đi, diện tích cá ruộng ở Mường Lò không chỉ tăng mà năng suất, sản lượng cá cũng không ngừng phát triển.

Lê Phiên

Các tin khác

"Đối với các sản phẩm sữa và nguyên liệu sữa nhập từ Trung Quốc có chứa chất melamine đang được niêm phong chờ xử lý, Bộ Y tế sẽ làm việc với Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương hướng dẫn các doanh nghiệp làm việc với đối tác Trung Quốc để có phương án tái xuất”. Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết.

Được sự hậu thuẫn của một số cán bộ thuế ở Chi cục Thuế Đống Đa (Hà Nội), 48 Cty "ma" đã mua được 449 quyển hoá đơn (mỗi quyển 50 tờ) để bán cho khoảng 1 vạn doanh nghiệp (DN) trên cả nước, bước đầu xác định số tiền ghi báo cáo trên thuế lên tới 1.500 tỉ đồng.

Những lồng cá trên đầm Vân Hội.

YBĐT - Những lồng cá trắm cỏ yên ả trong cái bóng lặng tờ của những hòn đảo xanh cây đổ bóng xuống mặt đầm Vân Hội (Trấn Yên), yên ả như cuộc sống không còn khốn khó của nhiều người dân nơi này. Không còn khốn khó

YBĐT - Năm 2008, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) được giao chỉ tiêu thu ngân sách 2,33 tỷ đồng. Đây thực sự là một con số không hề nhỏ đối với một địa phương sản xuất kinh doanh chưa phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn và tình hình lạm phát tăng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục