Tăng giá nước: Khó thuyết phục
- Cập nhật: Thứ tư, 22/10/2008 | 12:00:00 AM
Cùng với việc ngành điện đòi tăng giá điện trong năm 2009, các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch cũng đề nghị tăng giá nước ngay từ đầu năm tới.
Tăng giá nước sinh hoạt chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt hằng ngày của người dân.
|
Ông Nguyễn Tôn, Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước VN, cho biết hiệp hội vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị tăng giá nước từ đầu năm 2009 theo hướng tính đúng, tính đủ mọi chi phí.
Trả thêm 10.500 đồng- 20.100 đồng/tháng
Theo tờ trình, tùy tình hình cụ thể ở mỗi địa phương, UBND cấp tỉnh và cơ quan liên quan có thể nghiên cứu, xem xét, ban hành giá nước mới áp dụng trên địa bàn cho phù hợp. Tờ trình này là kết quả cuộc làm việc của hiệp hội với 18 đơn vị kinh doanh nước sạch đại diện cho 67 công ty trên cả nước.
Hiệp hội Cấp thoát nước VN lý giải: Nếu được tính đúng, tính đủ thì giá nước sạch không hề ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Ông Tôn cho rằng tiền nước sạch mỗi hộ dân (bình quân 4,5 nhân khẩu/hộ) phải trả với mức sử dụng khoảng 18 m3 không vượt quá 80.000 đồng/tháng. Do vậy, nếu áp dụng giá nước mà Hà Nội và TPHCM đã trình thì mỗi hộ dân chỉ nộp thêm từ 10.500 đồng đến 20.100 đồng/tháng. Hiệp hội cho rằng phương án giá nước tính đúng, tính đủ tại Hà Nội và TPHCM “được người tiêu thụ đồng tình”, song thực tế, khi đề xuất tăng giá nước được đưa ra lấy ý kiến vào đầu năm 2008, dư luận lại phản ứng.
Theo tờ trình nêu trên, Hiệp hội Cấp thoát nước VN đề xuất giá nước sinh hoạt của hộ gia đình dưới 16 m3 là 3.600 đồng (giá cũ: 2.800 đồng); 4 m3 tiếp theo: 4.200 đồng (3.500 đồng); 10 m3 tiếp theo: 5.500 đồng (5.000 đồng) và trên 35 m3: 8.000 đồng (7.500 đồng).
Quản lý kém rồi đổ lên người tiêu dùng
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên phó viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu thị trường giá cả, nhận xét: Nước sạch là mặt hàng Nhà nước phải kiểm soát chi phí. Từ trước đến nay, các công ty nước sạch đều luôn kêu lỗ vì đầu vào cao. Theo ông Long, có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc doanh nghiệp nước sạch kêu lỗ: Nhiều nhà máy đầu tư quá lớn với giá thiết bị công nghệ cao dẫn tới giá thành cao; thất thoát nước quá lớn, có nơi lên đến trên 40% (hiện mức thất thoát chung là 33%). “Thất thoát nước lớn làm cho giá thành cao rồi đòi tăng giá là do sự quản lý kém của doanh nghiệp, đổ cho người tiêu dùng là không được” - ông Long nói.
Ông Long phân tích cho thấy việc tăng giá nước sạch là khó thuyết phục: Doanh nghiệp nước sạch đưa ra lý do hạ tầng cũ, không có chi phí thay thế dẫn đến thất thoát tăng cao và muốn được bù lỗ hoặc tăng giá. Tuy nhiên, bất kỳ ngành nào nếu lỗ quá cũng phải dừng sản xuất hoặc cho ra sản phẩm kém chất lượng.
Ngành nước cũng vậy, nếu giá nước không thể tăng do kiềm chế lạm phát thì cũng phải có phương án bù lỗ. Tuy nhiên, Chính phủ phải cân nhắc, lựa chọn là việc bù lỗ cho ngành nào quan trọng chứ không phải lĩnh vực nào Chính phủ cũng là “bà đỡ” và thực chất ngân sách cũng là tiền dân đóng thuế. Thêm vào đó, trong bối cảnh đang kiềm chế lạm phát mà cho tăng giá nước có thể gây hiệu ứng domino, vì đây là đầu vào quan trọng của hầu hết các ngành kinh tế khác.
Ông Long cho rằng để nước sạch có giá thành đúng cần phải kiểm soát chi phí. Để làm được điều này thì kiểm toán phải vào cuộc “mổ xẻ” chính xác giá thành sản xuất - hiện rất mơ hồ vì chẳng ai nắm rõ chi phí sản xuất, kể cả các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải vào cuộc để giám sát chặt chẽ lĩnh vực sản xuất này, thậm chí phải đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội, vì đây cũng là mặt hàng thiết yếu tác động đến đời sống xã hội và sản xuất.
Chưa có quyết định chính thức Ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết theo quy định, Nhà nước quy định khung giá nước, còn giá cụ thể tùy thuộc vào tình hình từng địa phương. Theo ông Ninh, giá nước mỗi nơi mỗi khác nên rất khó đưa ra nhận định chung, nhưng về cơ bản phải tiến đến bảo đảm cho kinh doanh. Ngoài ra, điều quan trọng theo ông Ninh là giá nước đối với người tiêu dùng bình thường hiện nay vẫn còn bao cấp. Nếu mức giá vẫn bảo đảm được hạch toán kinh tế của cơ quan kinh doanh nước thì không nhất thiết phải điều chỉnh. Về đề xuất áp dụng giá nước mới ngay từ đầu năm 2009, ông Ninh khẳng định: “Chưa có quyết định chính thức về việc này. Việc tăng hay không còn phụ thuộc vào tình hình. Nước sạch là mặt hàng Nhà nước quản lý nên khi điều chỉnh, Nhà nước phải có ý kiến”. |
Các tin khác
Việt Nam đã tăng 6 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu, từ vị trí 71 (trong số 82 nước) của giai đoạn 2004 - 2008 lên vị trí 65 của giai đoạn 2009 - 2013.
Sáng 18.10, tại km762 trên QL1A đoạn đi qua xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong - Quảng Trị đã diễn ra lễ khởi công mở rộng QL1A đoạn thị xã Đông Hà đến thị xã Quảng Trị dài gần 13km.
Từ hôm nay (21-10), các hợp đồng tín dụng mới ký lãi suất (LS) sẽ chỉ còn tối đa 19,5%/năm. Sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước trong ngày 20-10 quyết định từ 21-10 giảm LS cơ bản VND còn 13% (cũ là 14%), đưa trần LS cho vay từ 21% giảm còn 19,5%/năm.
YBĐT - Trạm Tấu và Mù Cang Chải là 2 huyện nằm trong 61 huyện khó khăn nhất của cả nước. Những năm qua với nhiều chương trình như: 134, 135, cho vay hộ nghèo... đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn miền núi. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện đời sống của người dân vùng cao vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người tính đến năm 2007 chỉ đạt gần 3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 60%; cơ sở hạ tầng gồm điện-đường-trường-trạm yếu kém; việc xoá nhà tạm dột nát chỉ mới bằng nhà tạm là chính, chưa kiên cố được.