Kiên Thành: Nông nghiệp là hướng đi chính để xóa đói giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ tư, 22/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Kiên Thành là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Trấn Yên, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí không đồng đều, nhiều hộ chưa biết áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, do vậy tỷ lệ đói nghèo của xã chiếm trên 38%.
Công trình thủy lợi kênh mương nội đồng Ngòi Lĩnh, xã Vân Hội (trấn Yên) dài 4,5km đang được triển khai thi công.
(Ảnh: Linh Chi)
|
Trước thực trạng đó, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể của địa phương, đã cố gắng tìm giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tuyên truyền hướng dẫn nhân dân phá bỏ cây trồng kém hiệu quả, đưa các loại cây con giống có năng suất chất lượng cao vào gieo trồng, nhằm tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác, góp phần xoá đói, giảm nghèo.
Ông Hoàng Văn Lũy - Chủ tịch UBND xã cho biết: những năm trước đây, đời sống của nhân dân các dân tộc trong xã gặp rất nhiều khó khăn, đa phần các hộ một năm thiếu ăn từ 2- 3 tháng. Làm gì để giúp dân xoá đói giảm nghèo, đây không chỉ là điều trăn trở của đội ngũ lãnh đạo chủ chốt xã mà cũng là trách nhiệm của cả những đảng viên trong Đảng bộ. Các giải pháp đưa ra sau khi bàn bạc là tập trung đưa KHKT mới áp dụng vào cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ. Cùng với đó là kiên quyết xoá ruộng 1 vụ, tận dụng mọi nguồn nước, cùng với huy động sức dân tích cực xây dựng hệ thống thủy lợi. Diện tích vườn của các hộ đưa vào trồng cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày như: đậu tương, khoai, gấc... Cán bộ, đảng viên phải là người đi đầu trong phát triển mô hình kinh tế. Cùng với đó là phối hợp với khuyến nông huyện mở các hội nghị đầu bờ, dưới hình thức cầm tay chỉ việc.
Với sự quyết tâm đó của Đảng bộ, từ năm 2000 toàn bộ ruộng 1 vụ trong xã đã được xoá bỏ hoàn toàn. Cùng với đó là việc đưa các giống lúa lai, lúa thuần có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy ở 100% diện tích. Do thực hiện tốt một cuộc cách mạng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ và áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên đến nay tổng diện tích gieo cấy lúa hàng năm của Kiên Thành đạt 119,5 ha, năng suất bình quân năm trên 48 tạ/ha/ vụ, tăng 10 tạ/ha so với năm 2003, sản lượng lương thực hàng năm ước đạt 1138 tấn, tăng gần 100 tấn so với năm 2003. Cùng với cây lúa, hàng năm Đảng bộ đã vận động nhân đưa vào trồng 40 ha ngô, khoai tây, khoai lang, đậu tương và 31 ha rau mầu các loại. Nhiều hộ còn trồng gấc, sắn...
Do đặc thù của Kiên Thành là diện tích đất có rừng lớn, nhiều năm qua, nhân dân đã tập trung cho việc trồng tre măng Bát độ, theo kế hoạch mỗi năm diện tích này sẽ trồng mới từ 20 đến 30 ha. Nhân dân đưa vào trồng 45 ha quế,180 ha rừng tập trung, tạo nên nguồn lực xoá đói giảm nghèo bền vững. Đảng bộ còn vận động nhân dân phát huy đất đai ở địa phương để chăn nuôi gia súc, nên đàn gia súc trong xã phát triển khá nhanh. Tổng đàn trâu của xã hiện có 800 con, đàn bò 310 con, đàn lợn có 3.500 con, gia cầm 21.000 con. Qua khảo sát, mỗi năm các hộ dân bán ra thị trường gần 200 tấn lợn thịt hơi và nhiều gia súc, gia cầm khác. Riêng thu nhập từ chăn nuôi mỗi năm nhân dân thu gần 5 tỷ đồng và chăn nuôi đang góp phần xoá đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân trong xã. Kinh tế từng bước phát triển, nhiều hộ còn phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ.
Hiện tại xã có 5 xưởng chế biến gỗ rừng trồng, 34 cơ sở chưng cất tinh dầu quế, 26 cơ sở xay xát, 11 hộ kinh doanh tạp hoá, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều hộ dân. Đối với Kiên Thành những năm qua, còn là địa phương được các chương trình, dự án của Nhà nước, đầu tư hàng chục tỷ đồng cho các công trình phúc lợi công cộng như: điện, đường, trường, trạm, đã tạo nên bộ mặt nông thôn thực sự khởi sắc. Nhiều gia đình đã xây được nhà, mua sắm nhiều trang bị sinh hoạt gia đình đắt tiền, hàng năm trung bình xã có 25 hộ thoát nghèo vươn mức sống lên trung bình và khá giả. Xã Kiên Thành phấn đấu đến cuối năm 2008, thu nhập bình quân toàn xã đạt 6 triệu đồng/người/năm; trên 90% số hộ có đài và ti vi; 5 thôn đã được công nhận là thôn văn hoá cấp huyện.
Thái Hưng
Các tin khác
Với mong muốn đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, năm 2004, ba tỉnh Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai liên kết phát triển Du lịch - Thương mại với chủ đề: “Du lịch về cội nguồn”. Từ những địa phương còn “sơ khai” về du lịch, nhưng sau hơn 4 năm liên kết, hợp tác đã thu hút một lượng lớn khách du lịch và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, phát triển du lịch; từng bước tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi địa phương. “Chương trình du lịch về cội nguồn" đã chính thức là thương hiệu riêng về du lịch của ba tỉnh.
Vàng thế giới bất ngờ rớt xuống mức thấp nhất 5 tuần qua do đồng USD tăng mạnh khiến vàng không còn là kênh đầu tư thay thế hấp dẫn. Áp lực bán vàng để trang trải thua lỗ tăng trở lại do chứng khoán thế giới chưa hết chao đảo. Trong nước, vàng tụt xuống dưới 17 triệu đồng/lượng, giao dịch sôi động. Giá dầu giảm mạnh.
YBĐT - Đến 30/9, kết thúc giai đoạn chạy thử, dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần xi măng Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã cho ra lò 120 ngàn tấn clinker và sản xuất 97 ngàn tấn xi măng.
YBĐT - Nhằm tháo gỡ những khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh Yên Bái, các ngân hàng thương mại đã tiến hành cho vay trên cơ sở đáp ứng đủ các thủ tục và đúng quy định.