Kho bạc Nhà nước Yên Bái: Kiểm soát chi ngân sách, góp phần kiềm chế lạm phát
- Cập nhật: Thứ tư, 29/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Qua hơn 4 năm thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN - bổ sung, sửa đổi) và sau 2 năm thực hiện Quyết định số 24/2006/QĐ-BTC ngày 06/4/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước (KBNN), cán bộ KBNN Yên Bái đã nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt chức năng quản lý quỹ NSNN, bám sát dự toán thu NSNN, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu tập trung nhanh chóng, kịp thời các khoản thu vào NSNN, niêm yết công khai các thủ tục quy trình thu để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Cùng với công tác thu NSNN, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài chính, KBNN Yên Bái đã có những chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi ngân sách, đặc biệt, trong kiểm soát chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), đảm bảo thủ tục chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn định mức, chế độ và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng giao dịch; tăng cường kiểm soát chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm, góp phần kiềm chế chống lạm phát.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm soát chi NSNN đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc như: về cơ chế tạm ứng chi NSNN chưa chặt chẽ dẫn đến việc tạm ứng NSNN có những khi không phù hợp với tiến độ chi tiêu. Đối với tạm ứng chi thường xuyên, các văn bản chế độ hiện hành không khống chế ở mức tối đa, do đó các đơn vị tạm ứng tiền về quỹ nhưng chưa chi dẫn đến việc chi tiền (NSNN) không đúng tiến độ chi tiêu. Mặt khác, tiền nằm ở quỹ của đơn vị dễ được KBNN thanh toán tạm ứng.
Đối với tạm ứng chi đầu tư XDCB cũng vậy, mức tạm ứng có quy định tối thiểu mà không quy định mức tối đa. Quy định này đã tạo sự chủ động, thuận lợi cho các chủ đầu tư và nhà thầu trong việc tạm ứng vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhưng hiện nay cơ chế xử phạt vi phạm hợp đồng chưa chặt chẽ nên một số nhà thầu tìm mọi cách để tạm ứng vốn với tỷ lệ cao, nhưng lại chậm triển khai tiến độ thi công không đúng với hợp đồng, lợi dụng vốn tạm ứng để làm việc khác làm cho lạm phát tăng nhanh. Đơn vị sử dụng NSNN cố tình chấp hành không tốt quy định quản lý thu chi tiền mặt theo Thông tư 33/2006/TT-BTC ngày 17/4/2006 của Bộ Tài chính.
Nhiều đơn vị cung cấp hàng hóa dịch vụ và đơn vị thụ hưởng ngân sách muốn được lĩnh tiền mặt nên đã không ghi tài khoản và xác nhận là đơn vị không có tài khoản. KBNN không có điều kiện xác minh nên phải thanh toán bằng tiền mặt. Điều này dẫn đến việc đơn vị bán hàng dễ trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách, đơn vị mua dễ sử dụng tiền sai mục đích, lãng phí tiền ngân sách, tiền tiếp tục được đầu tư vào hàng hóa và đây cũng là nguyên nhân làm tăng lạm phát.
Để góp phần kiềm chế lạm phát, tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát chi NSNN, nâng cao hiệu quả quản lý quỹ NSNN, chúng ta cần có một số giải pháp như: Bộ Tài chính cần bổ sung quy định cụ thể tỷ lệ tối đa được phép tạm ứng chi thường xuyên, chi đầu tư XDCB và thời gian tối đa phải thanh toán tạm ứng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cần có những quy định cụ thể bắt buộc các đơn vị cung cấp hàng hóa dịch vụ, các đơn vị có đăng ký sản xuất kinh doanh phải mở tài khoản tại ngân hàng.
Cần có chế tài mạnh trong việc xử lý các cá nhân, đơn vị chi tiêu vượt tiêu chuẩn, định mức; giao quyền và trách nhiệm cao hơn cho cơ quan kiểm soát chi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những sai sót, gian lận thiếu ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành chính sách chế độ để chấn chỉnh kịp thời; tăng cường công tác quản lý ngân quỹ, kiểm soát chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm có hiệu quả sẽ có tác dụng rất lớn đến việc kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Nguyễn Văn Kha
Các tin khác
YBĐT - Cây tre Bát Độ đến với đồi rừng Trấn Yên (Yên Bái) đã bám rễ chắc chắn trên đồi rừng ở nhiều vùng quê từ Kiên Thành, Quy Mông đến Tân Đồng, Báo Đáp, Đào Thịnh... Mùa vụ đến, mầm măng mập mạp đội đất vươn lên tua tủa, mang lại nguồn lợi to lớn, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Ngày 28-10, Bộ Tài chính đã quyết định giảm thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép từ 5% xuống còn 0%.
Bất chấp việc giá dầu thế giới giảm kỷ lục; bất chấp những kỳ vọng và kể cả sự ta thán của người tiêu dùng, ngày 27.10 các DN kinh doanh xăng dầu trong nước vẫn án binh bất động.
Tháng 10 và 11 là thời gian cao điểm dự trữ hàng bán tết. Một số công ty lớn đã công bố sản phẩm mới phục vụ tết với mức giá rẻ hơn khoảng 5 – 10% so với hiện nay. Trong lúc đó, thực phẩm Trung Quốc đang bị tẩy chay vì vụ bê bối melamine, sẽ vắng bóng trong mùa tết này.