An Thịnh: Khai thác tốt nội lực trong phát triển kinh tế
- Cập nhật: Thứ ba, 11/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Xã An Thịnh, huyện Văn Yên (Yên Bái) là địa phương có diện tích tự nhiên lớn tới 2.650 ha, với 1.832 hộ dân sinh sống ở 18 thôn bản. Đặc thù của An Thịnh là xã thuần nông, diện tích lúa 2 vụ 250 ha, đất trồng ngô bãi 3 vụ/ năm 96 ha, đất trồng khoai lang và rau mầu khác trên 20 ha...
Nông dân xã An Thịnh thu hoạch lúa mùa. (Ảnh: Thanh Phúc)
|
Với lợi thế của địa phương, từ những năm 1998, Đảng bộ xã đã tích cực vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác, loại bỏ các giống lúa dài ngày chuyển sang các giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao vào canh tác với 60% diện tích giống lúa thuần, 40% là giống lúa lai. Hàng năm năng suất lúa của An Thịnh luôn ổn định vụ xuân đạt 57 tạ/ ha, vụ mùa trên 50 tạ/ ha. Trong 5 năm trở lại đây, tổng sản lượng cây lương thực có hạt của An Thịnh luôn đạt trên 3.790 tấn.
Cùng với cây lúa, xã còn vận động nhân dân mở rộng tối đa quỹ đất gieo trồng cây màu vụ 3, trong đó 180 ha là ngô đông, còn lại là rau mầu. Thực hiện chủ trương của huyện về việc xây dựng những cánh đồng cho thu nhập 60 triệu đồng/ha/năm trở lên, Đảng bộ, chính quyền địa phương, cùng các ngành đoàn thể đã tổ chức tuyên truyền vận động sâu rộng đến nhân dân và xây dựng kế hoạch chi tiết cho các thôn. Do làm tốt công tác chỉ đạo gieo cấy đúng khung thời vụ, cơ cấu giống và chủ động các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, đến nay An Thịnh đã có 170 ha đất nông nghiệp cho thu nhập 60 triệu đồng/ha/năm và diện tích còn lại đều cho thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/ha/năm. Cùng với cây lúa và các cây rau mầu khác, nhân dân trong xã hàng năm còn đưa vào trồng 200 ha sắn, trong đó 100 ha sắn cao sản, hàng năm cũng mang lại nguồn thu trên 3 tỷ đồng.
Hiện nay ở An Thịnh, nhiều gia đình còn giầu lên từ việc phát triển kinh tế trang trại trồng quế với chăn nuôi kết hợp. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì diện tích quế của toàn xã hiện có 790 ha. Cây quế được trồng nhiều ở các thôn: Khe Cỏ, Khe Cát, Cây Đa… Với diện tích mỗi thôn tới trên 100 ha. Sản phẩm từ quế tươi đã mang lại thu nhập cho nhiều hộ gia đình từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng mỗi năm. Cùng với trồng trọt, những năm qua việc phát triển chăn nuôi cũng có những bước phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá. Hàng năm đàn gia súc, gia cầm đều tăng, hiện nay tổng đàn trâu, bò của xã có 853 con, đàn lợn 11.901 con, gia cầm 32.000 con.
Do làm tốt công tác thú y như tiêm phòng cho trâu bò, cho gia cầm và thuỷ cầm, tăng cường kiểm soát giết mổ vệ sinh thú y… nên nhiều năm qua An Thịnh không để xảy ra dịch bệnh. Hàng năm sản phẩm chăn nuôi của địa phương cung cấp ra thị trường khoảng trên 300 tấn, mang lại nguồn thu nhập từ chăn nuôi đạt trên 5 tỷ đồng mỗi năm. Với lợi thế là trung tâm cụm xã, nơi giao lưu buôn bán với các xã lân cận như: Tân Hợp, Đại Phác, Yên Phú, Đại Sơn… có chợ trung tâm họp 2 phiên/tuần nên xã đã khai thác tốt thế mạnh thương mại, dịch vụ.
Để phát huy thế mạnh cùng nội lực của địa phương, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Quyết cho biết: “Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, những năm qua xã luôn đặt ra chỉ tiêu phát triển kinh tế gồm: nông lâm ngư nghiệp chiếm 67%; thương mại dịch vụ 18%; xây dựng công nghiệp 15%. Để thực hiện theo nghị quyết của Đảng bộ xã đề ra, hàng tháng, xã đều tổ chức họp cùng các đoàn thể của địa phương đánh giá rút kinh nghiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành đoàn thể để triển khai kịp thời đến cơ sở.
An Thịnh còn là xã vùng thâm canh trọng điểm của huyện, nên dù mức tăng trưởng kinh tế hàng năm đều đạt 11% trở lên, nhưng hiện nay xã vẫn rất trăn trở với số hộ nghèo gần 200 hộ. Do vậy, mục tiêu những năm tới, phấn xoá nghèo cho 50 đến 70 hộ/năm.
Kinh tế phát triển, nhờ làm tốt việc phát huy nội lực, nhưng cũng một phần rất lớn của các chương trình dự án của Nhà nước, Chính phủ, do vậy đời sống của 7 dân tộc nơi đây đã ngày càng được cải thiện, các công trình “điện đường, trường, trạm” đã đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong vùng từng bước đưa địa phương ngày càng phát triển toàn diện.
Thạch Phong
Các tin khác
Cuộc họp giữa các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước với đại diện Bộ Công Thương, ngày 10/11, trong sự tranh luận gay gắt giữa các bên vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu nhằm cứu một nửa doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đang bên bờ phá sản.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, ngành nông nghiệp đang đối mặt với nguy cơ thiếu giống để khôi phục sản xuất sau đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, đặc biệt là giống lúa cho vụ đông xuân tới.
Bộ Tài chính vừa có quyết định điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng khí hóa lỏng từ 0% lên mức 5%. Mức thuế mới này sẽ được áp dụng từ ngày 25/11 tới.
YBĐT - Những năm qua phường Trung Tâm, thị xã nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 10%/ năm. Trong mục tiêu phát triển, phường xác định: lấy phát triển là thương mại dịch vụ làm trọng tâm và khai thác tốt tiềm năng tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp để tạo bước đột phá kinh tế cho 1.608 hộ dân trong phường.