Kiểm lâm “đơn phương” trong cuộc chiến giữ rừng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/12/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năm 2008, công tác chống khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép có nhiều chuyển biến, số vụ vi phạm giảm so với năm trước, nhiều vụ vi phạm lớn được phát hiện và xử lý. Ngành kiểm lâm Yên Bái đã có nhiều cố gắng trong công tác tham mưu, phối hợp, đẩy mạnh các hoạt động pháp chế thanh tra, củng cố và xây dựng lực lượng. Tuy nhiên, nhiều nơi, chủ rừng và chính quyền vẫn chưa làm hết trách nhiệm, bảo vệ tài nguyên rừng vẫn được coi như việc của riêng kiểm lâm...

Rừng tự nhiên phòng hộ ở xã Cao Phạ, Mù Cang Chải.
Rừng tự nhiên phòng hộ ở xã Cao Phạ, Mù Cang Chải.

Thống kê của Kiểm lâm Yên Bái, 683 vụ khai thác, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép đã được phát hiện trong năm 2008, giảm 32 vụ so với năm 2007. Có thể coi đó là một chuyển biến tốt, nhưng chưa phải là con số biết nói và mang tính bền vững. Những điểm “nóng” về vi phạm tài nguyên rừng tuy được kiềm chế nhưng vẫn âm ỉ chờ bùng phát ở nhiều địa phương.

Về khách quan, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ gỗ rừng ngày càng lớn, nhưng thực tế các sản phẩm gỗ rừng chế biến hiện nay “cung” không đáp ứng đủ “cầu”, trong khi giá trị gỗ rừng ngày càng được nâng lên, dẫn đến việc khai thác, vận chuyển, tàng trữ gỗ trái phép ngày càng tinh vi, phức tạp. Đời sống của đa số nhân dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa, những nơi có nhiều rừng còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao do thiếu đất sản xuất, thiếu kiến thức làm ăn, tập quán canh tác còn lạc hậu, dẫn tới xâm phạm tài nguyên rừng trái phép để mưu sinh.

Kiểm lâm Yên Bái với vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng đã khắc phục khó khăn về con người, phương tiện; tích cực tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền tăng cường kiểm tra, kiểm soát tài nguyên rừng; phối hợp với các lực lượng truy quét lâm tặc, thực hiện phương châm bảo vệ rừng tại gốc. Tuy nhiên, việc ngăn chặn nạn khai thác, vận chuyển gỗ rừng trái phép vẫn chưa được giải quyết tận gốc, ở một số địa phương, các cơ quan có trách nhiệm chưa phối hợp hiệu quả và làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình.

Nhiều nơi, chính quyền cơ sở và chủ rừng còn thờ ơ, chưa làm hết trách nhiệm của mình, coi giữ rừng là việc của riêng kiểm lâm Chức năng chính của kiểm lâm là tham mưu cho chính quyền trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, thực hiện pháp chế về bảo vệ tài nguyên rừng. Hầu hết các vụ vi phạm tài nguyên rừng đều do kiểm lâm phát hiện, trong đó, chủ yếu trên khâu lưu thông, số vụ vi phạm phát hiện kịp thời, trên địa bàn có rừng chiếm tỷ lệ thấp. Năm 2008, lực lượng pháp chế thanh tra đã phạt tiền 289 vụ, xử lý tịch thu 358 vụ với với 335m3 gỗ xẻ, trong đó có 137m3 gỗ pơ mu); 327m3 gỗ tròn các loại, nộp ngân sách trên 2,5 tỷ đồng.

Có thể nêu một số vụ việc: tại xã Cao Phạ (Mù Cang Chải), tháng 2/2008, kiểm lâm phát hiện bắt giữ các đối tượng vận chuyển 3,79m3 gỗ xẻ và tháng 10/2008 bắt giữ 8,1m3 gỗ sến (tròn); tại xã Nậm Có (Mù Cang Chải), tháng 9/2008 bắt giữ vận chuyển trái phép 2,88m3 gỗ pơ mu; tại xã Túc Đán (Trạm Tấu), phát hiện vụ khai thác 30 m3 gỗ rừng tự nhiên; tại xã Châu Quế Hạ (Văn Yên) phát hiện, thu giữ 4m3 gỗ táu do người dân lợi dụng khai thác sau bão lũ…

Phải có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các cơ quan có trách nhiệm để giữ rừng tại gốc.

 Kiểm lâm Yên Bái hiện có 302 cán bộ chiến sỹ, trong đó có 202 kiểm lâm địa bàn. So với yêu cầu và quy định của Nhà nước, ngành còn thiếu gần 100 biên chế nữa. Nhiều xã có diện tích rừng lớn, như xã Châu Quế Thượng (Văn Yên) chỉ có 1 kiểm lâm địa bàn, trong khi theo quy định là 10 cán bộ. Rõ ràng, với lực lượng như hiện nay, Kiểm lâm Yên Bái không đủ cán bộ để rải khắp địa bàn, các cán bộ này có “ba đầu, sáu tay” cũng không thể nắm hết tình hình và ngăn chặn được nạn xâm phạm tài nguyên rừng. Rừng là tài sản quốc gia, tài sản này được giao cho một đơn vị quản lý, đó là chủ rừng (lâm trường, ban quản lý rừng…). Thật khó chấp nhận khi chủ rừng bị mất tài sản, tài sản bị đánh cắp mà không hay.

Hiện nay, các chủ rừng đều đã ký hợp đồng khoanh nuôi, bảo vệ  với người dân và có lực lượng bảo vệ rừng tại địa bàn. Tuy nhiên, hiệu quả của lực lượng này và công tác giao khoán chưa cho hiệu quả rõ nét, nhiều nơi như ở xã Cao Phạ (Mù Cang Chải) hiệu quả rất thấp, rừng vẫn bị tàn phá. Quyết định 245/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định rất rõ, rừng trên địa bàn, trách nhiệm quản lý là của UBND từng cấp, người chịu trách nhiệm hàng đầu là chủ tịch UBND. Quy định như vậy, nhưng bên cạnh những địa phương làm tròn trách nhiệm vẫn còn những nơi chính quyền buông lỏng, thờ ơ, thậm chí đứng ngoài cuộc.

Vụ phá rừng ở xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu trong năm 2008 là một ví dụ điển hình. Chủ tịch UBND xã Lầu A Sa đã dung túng, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng với số lượng gỗ trên 30m3. Vụ việc này, chỉ khi kiểm lâm phát hiện, công an vào cuộc, chủ rừng và chính quyền cấp trên vào cuộc mới được xử lý. Hay những vụ phá rừng tự nhiên phòng hộ ở Cao Phạ (Mù Cang Chải), chủ rừng hầu như không nắm được tình hình và có biện pháp ngăn ngừa, xử lý. Nhiều vụ việc khác ở Châu Quế Thượng (Văn Yên), Bản Mù, Làng Nhì (Trạm Tấu), kiểm lâm rất đơn độc trong ngăn chặn, xử lý vi phạm, chủ rừng và chính quyền cơ sở chưa thực sự vào cuộc, tạo thành những điểm “nóng” khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Năm 2008 là năm Kiểm lâm Yên Bái đặc biệt coi trọng công tác xây dựng lực lượng. Ngành đã kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm kỷ luật của cán bộ, chiến sỹ với trên 10 cán bộ ở các trạm, hạt bị cách chức, cảnh cáo, hạ bậc lương… Xử lý nghiêm các khuyết điểm theo chức năng nhiệm vụ được phân công cần được nhìn nhận là một giải pháp để nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, không chỉ riêng kiểm lâm mà phải với mỗi cấp, mỗi ngành trong năm 2009 và những năm tiếp theo.

Để bảo vệ tài nguyên rừng một cách hiệu quả, cần nhiều giải pháp đồng bộ về kinh tế - xã hội, nhất là ở các xã vùng cao, vùng sâu, nơi có nhiều rừng và sự vào cuộc của toàn dân. Nhưng trước hết, các cấp, các ngành, mà cụ thể là chính quyền - chủ rừng - kiểm lâm phải có sự phối hợp đồng bộ, làm hết trách nhiệm của mình, không thể để kiểm lâm : “đơn phương” trong cuộc chiến giữ rừng.

T.A

Các tin khác

Theo Thông báo số 338/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ (CP), tại cuộc họp Thường trực CP bàn về tình hình cấp bảo lãnh CP và đánh giá đối tượng, điều kiện cấp bảo lãnh, Thủ tướng CP nhận định: việc bảo lãnh CP trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho các dự án được Quốc hội, CP phê duyệt về chủ trương huy động được nguồn vốn vay trong và ngoài nước với chi phí vay hợp lý hơn so với cơ chế doanh nghiệp tự vay tự trả.

Giá vàng trong nước hiện thấp hơn giá vàng trong nước 70.000 đồng/chỉ.

Sau một thời gian dài quanh quẩn dưới ngưỡng 1,7 triệu đồng/chỉ. Giá vàng trong nước sáng 18/12 đã bật mạnh lên mốc 1,75 triệu đồng/chỉ sau khi tăng thêm 13.000 đồng/chỉ so với giá cuối giờ chiều 17/12.

Giá trị sản xuất công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tăng 33,34% so với cùng kỳ.

YBĐT - Trong năm 2008, mặc dù chịu ảnh hưởng của cơn bão số 4 và giá nguyên vật liệu tăng cao nhưng sản xuất công nghiệp vẫn phát triển ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đạt 656,617 tỷ đồng, tăng 33,34% so với cùng kỳ.

Xưởng chế biến ván ghép thanh từ nguyên liệu gỗ rừng trồng của Công ty TNHH Thành Đạt (cụm công nghiệp tập trung Đầm Hồng - T.P Yên Bái). 
(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Tỉnh Yên Bái hiện có trên 100 ngàn ha rừng trồng phục vụ sản xuất, sản lượng gỗ khai thác mỗi năm trên 150.000m3, giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến gỗ từ 70 – 80 tỷ đồng/năm. Thế mạnh nguồn nguyên liệu có thể phát triển bền vững không cạn kiệt này nếu được khai thác, chế biến hợp lý sẽ tạo ra sản lượng hàng hoá có giá trị không nhỏ trong cơ cấu sản phẩm công nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục