Thị trấn Yên Bình: Tạo sự chuyển biến về kinh tế - xã hội
- Cập nhật: Thứ tư, 4/3/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT -Từ khi thành lập, thị trấn Yên Bình giữ vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Yên Bình (Yên Bái). Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, những năm qua, nhân dân thị trấn luôn nỗ lực phấn đấu chuyển đổi cơ cấu sản xuất, làm chuyển biến sâu sắc về kinh tế – xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới của địa phương.
Với diện tích tự nhiên trên 2.500 ha, chủ yếu là đất đồi thấp, thị trấn chú trọng phát triển trồng cây nguyên liệu giấy và chè phục vụ cho công nghiệp chế biến. Rừng trồng hiện nay đạt 1.300 ha với các loại cây keo, bạch đàn mô và một số diện tích trồng từ nhiều năm nay đã cho thu hoạch. Năm 2008 trồng mới 153,5 ha, trong đó rừng kinh tế 130 ha và 23,5 ha cây lâm nghiệp xã hội. Ở thị trấn cũng xuất hiện nhiều hộ trồng rừng với diện tích lớn, đặc biệt doanh nghiệp trồng rừng 327 không chỉ trồng rừng tại địa phương mà còn phát triển diện tích trồng ra nhiều nơi trong tỉnh. Cây chè vốn là cây xóa đói giảm nghèo của người dân bây giờ có 72,4 ha. Năm qua, nguồn tiêu thụ chè búp tươi có nhiều thuận lợi do các xưởng chế biến thu mua hết, giá cả bảo đảm nên các hộ làm chè tích cực đầu tư chăm sóc, sản lượng đạt 406 tấn.
Gần đây, chăn nuôi gia súc, gia cầm được khuyến khích trở thành ngành sản xuất hàng hóa thì tổng đàn đã tăng lên rõ rệt: đàn gia cầm 14.000 con, đàn lợn 3.200 con, đàn bò 212 con, đàn dê 120 con. Một số hộ đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô lớn như hộ ông Diện ở tổ 20, hộ ông Thắng ở tổ 4, hộ ông Kim ở tổ 6... Cũng do thị trấn làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại nên không để dịch bệnh xảy ra và đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt.
Phát huy lợi thế nằm sát hồ Thác Bà có nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản, địa phương vận động nhân dân nuôi thả cá trên diện tích mặt ao 45,46 ha; làm đăng lưới chắn các eo ngách hồ để thả với diện tích hàng chục héc-ta cùng 32 lồng cá. Ngoài ra đang chú ý phát triển nuôi ba ba, phát triển đàn nhím, đàn hươu và ong mật nhằm mang lại thu nhập cao cho kinh tế hộ.
Bước phát triển quan trọng nhất của thị trấn Yên Bình là có sự chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VII đề ra mục tiêu vận động nhân dân chuyển từ sản xuất “nông – lâm nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ” sang hướng “thương mại – dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp - công nghiệp và nông - lâm nghiệp”. Bây giờ, thị trấn có 820 hộ kinh doanh, dịch vụ với các ngành nghề khác nhau, trong đó có 435 hộ kinh doanh tổng hợp, 19 hợp tác xã, 36 cơ sở chế biến nông lâm sản, 12 cơ sở cơ khí vừa và nhỏ cùng một số hộ mua sắm ô tô, thuyền máy làm dịch vụ vận tải. Nổi bật lên với Cơ sở sản xuất bao bì Yên Phú, HTX Khai thác chế biến đá Mông Sơn, Cơ sở chế biến chè Hương Lý, HTX Chăm sóc sức khỏe Minh Thành...
Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã đưa tỷ trọng ngành kinh doanh – dịch vụ, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng nhanh, chiếm quá nửa tỷ trọng kinh tế trong các năm của địa phương với mức tổng thu nhập là 70%, doanh thu đạt trên 124 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 1.600 lao động. Sự phát triển kinh tế đa dạng đã huy động được mọi nguồn lực, tạo nhiều việc làm, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, bình quân thu nhập hiện nay là 8 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển cũng làm thay đổi diện mạo thị trấn huyện lỵ, số nhà xây cấp bốn trở lên đạt 75%, trong đó 35% là nhà kiên cố; số 25% còn lại là nhà gỗ chắc chắn, không còn nhà tạm dột nát. Số hộ khá, giàu ngày càng tăng, năm 2008 có 75% số hộ toàn thị trấn; hộ trung bình 23% và chỉ còn 54/2710 hộ nghèo, bằng 2%. Cũng từ đó, đời sống văn hóa, tinh thần từng bước được cải thiện. Hầu như gia đình nào cũng có phương tiện nghe nhìn, được quan tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu. Trẻ em được tiêm phòng và chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ, đến trường học đúng độ tuổi.
Hằng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp, lên lớp đạt 98% - 99%, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở từ năm 2002 và năm vừa qua, 3 trường học của thị trấn là Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, Trường tiểu học Kim Đồng, Trường THCS thị trấn đều được công nhận đạt trường chuẩn quốc gia. Nổi bật vẫn là việc xây dựng đời sống văn hóa hưởng ứng cuộc vận động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Toàn thị trấn đã có 20/23 tổ nhân dân xây dựng được nhà văn hóa, mỗi nhà văn hóa trị giá hàng trăm triệu đồng, phần lớn là huy động sự đóng góp của nhân dân. Thời gian qua, có 5 tổ nhân dân được công nhận tổ văn hóa và tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 85,5%. Chất lượng cuộc sống nâng lên, tạo được niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, giúp mọi người có động lực phấn đấu vươn lên xây dựng thị trấn Yên Bình ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Yên Bình.
Nam Hà
Các tin khác
YBĐT - Vụ đông xuân 2008 – 2009 được xác định là vụ sản xuất có tầm quan trọng đối với tỉnh Yên Bái. Để giúp nông dân có thêm nguồn lực tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, UBND tỉnh Yên Bái đã quyết định hỗ trợ 11 tỷ 400 triệu đồng cho sản xuất nông – lâm nghiệp vụ đông xuân 2008 – 2009.
Bộ Tài chính vừa quyết định giảm thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô, với mức giảm 2 - 5% so với hiện hành.
YBĐT - Sản phẩm sứ cách điện của Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn (HLS) thuộc tập đoàn công nghiệp Tàu Thủy Việt Nam (VINASHIN) hiện chiếm lĩnh 70% thị trường nội địa và được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Thương hiệu HLS kết tinh bởi bề dày doanh nghiệp cùng phương pháp quản lý chất lượng quốc tế nghiêm ngặt, chính sách thị trường linh hoạt, mềm dẻo đã giúp Công ty giữ được thị phần nội địa trong điều kiện nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước sản xuất sứ cách điện chất lượng cao.
Trước bức xúc của người tiêu dùng về việc các công ty sữa đang rục rịch đòi tăng giá bán, Bộ Tài chính cho biết sẽ mở đợt thanh tra yếu tố hình thành giá đối với mặt hàng này dự kiến ngay trong tháng 3 này.