Đậu tương xuân - Chuyện mới ở vùng cao Văn Chấn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tháng 3 khi những cây gạo ven đường nở hoa đỏ ối thì cũng là lúc đồng bào vùng cao các xã Nậm Mười, Nậm Lành, Sùng Đô, Gia Hội... hăng hái ra đồng làm đất gieo đậu. Chúng tôi cùng đoàn lãnh đạo của huyện về vùng cao Nậm Lành - một xã vùng đồng bào dân tộc Dao đã và đang mạnh dạn trồng cây đậu tương trên ruộng hạn...

Đầu tháng 3/2009, một nông dân người Dao ở xã Nậm Lành đến trụ sở huyện để phàn nàn việc chính quyền xã cấp phát quá ít đỗ tương giống cho gia đình mình: "Phát bấy nhiêu chỉ trồng đủ hai đám ruộng thôi, vẫn còn một đám nữa, nhà tôi không muốn trồng thứ khác. Cấp thêm giống nữa đi". Không đáp ứng được yêu cầu cấp thêm hạt giống, bị một lão nông mắng mỏ ngay tại văn phòng, nhưng cả Phó chủ tịch phụ trách nông lâm nghiệp và trưởng Phòng Nông nghiệp huyện vẫn thấy vui vì chương trình đậu tương của huyện đã thành công, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao đã thấy được cái hay, cái lợi của loại cây trồng này.

Những người gắn bó với nông nghiệp, tâm huyết với vùng cao luôn xót xa khi chứng kiến những thửa ruộng trơ gốc rạ cả mấy tháng trời vì thời tiết và thiếu nước không thể cấy được lúa xuân trong khi lao động thì thừa, đời sống thì thiếu đói. ý tưởng tìm ra một cây trồng phù hợp, giúp đồng bào vùng cao có việc làm, tăng thu nhập đã nung nấu trong lòng cán bộ lãnh đạo huyện và cả trong tâm trí các cán bộ nông nghiệp ở Văn Chấn từ rất lâu. Nói như một đồng chí lãnh đạo huyện, quyết tâm thì có nhưng để tìm được loại cây phù hợp không dễ, nó phải bảo đảm được yêu cầu phù hợp với đất đai, thời tiết khô, hạn ở vùng cao; phải dễ làm vì trình độ canh tác của bà con còn yếu; thời gian sinh trưởng ngắn, không ảnh hưởng đến thời vụ gieo cấy lúa mùa và nhất là đem lại thu nhập khá. Được sự giúp đỡ của Viện Cây lương thực thực phẩm - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn Chấn đã tìm được đáp số cho "bài toán" khó ấy là cây đậu tương DT 84.

Được biết, từ lời giới thiệu của những chuyên gia thuộc Viện Cây lương thực miền Bắc, cây đậu tương được đưa về vùng cao Văn Chấn trồng từ vụ xuân năm 2005 với diện tích thử nghiệm 10 ha, được trồng tại các xã Gia Hội, Nậm Mười, Nậm Lành với phương thức huyện đầu tư giống, phân bón, nông dân góp công và làm theo sự hướng dẫn nghiêm ngặt của cán bộ kỹ thuật. "Sở dĩ phải dùng từ “nghiêm ngặt” trong quy trình sản xuất vì chúng tôi muốn bảo đảm sự thành công tuyệt đối để bà con thấy được cái hay, cái lợi mà phấn khởi mà hăng hái làm những năm sau" - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện - kỹ sư  Nguyễn Văn Toản đã nói như vậy khi làm việc với chúng tôi. Rồi anh tiếp: "Năm ấy đậu tương phát triển rất tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất khá cao, nhiều đám đạt tới gần 3 tấn/ha, giá đậu tương lúc ấy chỉ có 8 nghìn đồng/kg mà bà con đã phấn khởi lắm và đó là cơ sở để vụ xuân 2006 huyện đề ra mục tiêu tiếp tục trồng thêm 20 ha nữa". Tuy vậy không phải con đường đưa đậu tương lên vùng cao lúc nào cũng bằng phẳng. Thời điểm thu hoạch đậu tương thường vào cuối tháng 5, đầu tháng 6, ở vùng cao Văn Chấn lúc này mưa rất lớn nên nhiều nhà đậu chín vàng cả bãi, cả ruộng mà không được ăn vì hạt mốc, thối hết cả. Xót xa cho tài sản của bà con và công sức của anh em cán bộ kỹ thuật, nhưng không vì thế mà bỏ cuộc.

Năm 2007, toàn huyện tiếp tục vận động bà con vùng cao trồng đậu tương, duy trì mức hỗ trợ và tiếp tục xây dựng 20 ha mô hình thí điểm tại các xã. Nhằm canh tác một cách bền vững, trên cơ sở khoa học kỹ thuật, huyện Văn Chấn đã mời một đoàn cán bộ, chuyên gia của Viện Cây lương thực thực phẩm - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng quy trình canh tác đậu tương chuẩn, trên cơ sở nghiên cứu kỹ đất đai, thời tiết, lượng phân bón, thời gian gieo trồng và bình tuyển giống... Viện Cây lương thực thực phẩm còn đào tạo cho huyện đội ngũ cán bộ khuyến nông chuẩn cấp huyện, xã và 126 khuyến nông viên tự nguyện tại các thôn bản... Tất cả các bước đi bài bản cho một đối tượng cây trồng mới, trồng đại trà ở vùng cao Văn Chấn đã được triển khai đầy đủ. Ban thường vụ Huyện uỷ Văn Chấn còn thảo luận và ra nghị quyết chuyên đề về cây đậu tương. Theo đó, từ huyện đến xã đều thành lập ban chỉ đạo, phấn đấu trồng 200 ha trong vụ xuân 2007 và tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ giống và một phần phân bón cho bà con. Như vậy là cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, nói như các anh lãnh đạo huyện thì "Hồi ấy đi xã, đi bản làm việc gì cũng giành ít thời gian cho cây đậu tương". Năm 2008, toàn huyện Văn Chấn gieo trồng gần 700 ha đậu tương, trong đó có hơn 400 ha trên chân ruộng một vụ ở các xã vùng cao, nhiều xã đã đưa diện tích lên 30 đến 40 ha. Vụ xuân 2009 này toàn huyện phấn đấu gieo trồng 780 ha, riêng tại các xã vùng cao là 580 ha, Viện Cây lương thực thực phẩm tiếp tục xây dựng mô hình khảo nghiệm 20 ha để kết thúc vụ sản xuất sẽ báo cáo quy trình chuẩn.

Tháng 3 khi những cây gạo ven đường nở hoa đỏ ối thì cũng là lúc đồng bào vùng cao các xã Nậm Mười, Nậm Lành, Sùng Đô, Gia Hội... hăng hái ra đồng làm đất gieo đậu. Chúng tôi cùng đoàn lãnh đạo của huyện về vùng cao Nậm Lành - một xã vùng đồng bào dân tộc Dao đã và đang mạnh dạn trồng cây đậu tương trên ruộng hạn. Cả Bí thư Đảng uỷ xã Lý Hữu Hín và Chủ tịch UBND Lý Kim Kinh đón chúng tôi tại trụ sở xã. Sau cái bắt tay nồng ấm, thân tình của người vùng cao, các anh đưa chúng tôi đi về bản Giàng Cài, một bản mà: "Hôm nay ở đó vui lắm". Chất giọng mộc mạc, anh Lý Kim Kinh tâm sự: "Người Dao Nậm Lành mê cái anh đậu tương DT 84 này rồi, bà con hăng hái lắm", chứng tỏ cây đậu tương đã có cơ trụ vững trên đất này.

Xe chạy một loáng, bản Giàng Cài đã hiện ra trước mắt. Trên cánh đồng của bản, hàng chục phụ nữ trong trang phục áo chàm truyền thống của người Dao đang mải miết làm đất với sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Viện Cây lương thực thực phẩm . Lưỡi cuốc sắc bén lật từng tảng đất khô cứng. Đúng là khô như thế này, lại cộng thêm gió rét nữa thì làm sao mà cấy lúa xuân được. Tôi thắc mắc: "Sao hôm nay toàn chị em phụ nữ đi làm thế này?". Không ngơi tay, mấy chị người Dao vừa làm vừa giải thích: "Phụ nữ thôn vận động hội viên đi làm cho kịp thời vụ, lại được các cán bộ cho thêm tiền gây quỹ hội nữa". Nói rồi, các chị cười rất tươi để lộ những chiếc răng bọc vàng duyên dáng - một phong tục vẫn được người Dao duy trì từ lâu đời. Kỹ sư Nguyễn Danh Quân từ Hà Nội lên Nậm Lành để cùng ăn, cùng ở với đồng bào, hướng dẫn bà con làm mô hình đậu tương xuân trên đất ruộng, đã tự tin quả quyết với chúng tôi: "Giống đậu tương DT 84 phù hợp với vùng cao Văn Chấn. Thời điểm gieo trồng tốt nhất từ 15/2 đến trước ngày 15/3; chỉ cần tưới nước nước khi mới gieo nếu thời tiết quá khô hạn và sử dụng một lượng phân NPK nhỏ để bón lót. Chúng tôi đã nhận định như vậy nhưng vẫn chưa kết luận chính thức, để hết vụ xuân này mới công bố kết luận cho bảo đảm đúng quy trình khảo nghiệm".

Một ha chỉ sử dụng hơn 20 kg giống với giá vừa phải, chỉ bón một lượng phân rất nhỏ... vậy là ngân sách bỏ ra cho chương trình đậu tương xuân vùng cao ở Văn Chấn không lớn, nhưng cái được thì nhiều đã đưa được một loại cây trồng phù hợp, hiệu quả lên vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số được trang bị kiến thức, đậu tương còn giúp cải tạo đất để vụ mùa lúa sẽ tốt hơn. Huyện sẽ tiếp tục chương trình hỗ trợ cho bà con vùng cao đến hết vụ xuân 2010 khi diện tích ổn định ở 1000 ha và năng suất bình quân 2 tấn/ha - Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hợp Đoàn cho biết.

Trong bữa cơm của người Dao, người Mông ở Nậm Mười, Nậm Búng, Nậm Lành, Sùng Đô, An Lương... giờ đã có thêm món đậu phụ làm từ đậu tương DT 84 do bà con tự tay làm ra. Những câu chuyện như: "Nhà Sinh ở bản Tặc Tè vụ trước thu được hơn 2 triệu đồng đậu tương"; "Đã có chị ở trung tâm xã xuống Nghĩa Lộ học nghề làm đậu phụ"; Viện Cây Lương thực thực phẩm sẽ giúp bà con máy sấy đậu tương khắc phục tình trạng đậu đỗ bị mốc, bị thối khi thu hoạch gặp trời mưa và những câu chuyện no ấm, khá giả từ đậu tương xuân sẽ còn tiếp diễn ở vùng cao Văn Chấn.

Lê Phiên

Các tin khác

YBĐT - Nằm trên địa bàn phường Nguyễn Thái Học TP Yên Bái), Công ty cổ phần Thành Công chuyên khai thác, sản xuất cao lanh cung cấp cho các nhà máy sứ trong và ngoài tỉnh. Năm 2008, mặc dù gặp nhiều khó khăn song Công ty đã có nhiều biện pháp tích cực khắc phục, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch của năm.

YBĐT - Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã thực hiện được trong 2 tháng đầu năm 2009 là trên 285 tỷ đồng, tăng trên 49% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị sản xuất của khối công nghiệp trung ương ước đạt gần 99 tỷ đồng, tăng 130%; khối công nghiệp địa phương ước đạt trên 180 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2008; giá trị sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 41%.

YBĐT - Sản xuất nông - lâm nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của Văn Yên (Yên Bái). Phát triển các vùng nguyên liệu tập trung như: quế, sắn, chè, gỗ rừng trồng... để đưa công nghiệp chế biến về nông thôn là hướng đi mà Đảng bộ huyện đề ra nhằm tăng giá trị nông lâm sản, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong năm nay, tập đoàn sẽ khởi công 4 nhà máy nhiệt điện than có tổng công suất 3.800 MW, gồm: Nhà máy điện Duyên Hải 1, Nghi Sơn 1, Mông Dương 1 và Vĩnh Tân 2Cũng trong năm 2009, hệ thống sẽ được bổ sung tổng công suất 2.700 MW do 9 công trình điện mới sẽ đi vào vận hành. Đó là các nhà máy thủy điện Buôn Kuốp, Plêikrông, Sê San 4, Buôn Tua Srah, Sông Ba Hạ, Bản Vẽ và các nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Ô Môn 1.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục