Miền Tây vào cấp

  • Cập nhật: Thứ bảy, 14/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tiết xuân vẫn đang tràn ngập trên các bản làng, phố phường vùng thấp, nhưng với các huyện, thị phía Tây như: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải thì khí hậu rất khô hanh và đang phải hứng chịu gió Lào thổi mạnh. Lúc này cả miền Tây vào cấp dự báo cháy rừng nguy hiểm, đây cũng chính là lúc các huyện thị, kiểm lâm và các chủ rừng đang tập trung toàn lực lượng cho công tác phòng, chống cháy rừng.

Rừng thông ở Trạm Tấu.
Rừng thông ở Trạm Tấu.

Theo chân cán bộ kiểm lâm địa bàn đi kiểm tra công tác PCCCR tại xã Nậm Búng, Gia Hội huyện Văn Chấn, đi dưới những tán rừng trồng, rừng nguyên sinh có trữ lượng khá, vậy mà gió Lào thổi rít từng cơn, gió thổi đến đâu lá rừng rơi ào ào đến đó. Xa xa tiếng loa truyền thanh liên tục phát đi bản tin dự báo cấp cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm. Gió Lào xuất hiện từ tháng 11 năm trước đến tháng 4, tháng 5 năm sau, nhưng thổi mạnh và mang khí hậu khô hanh nhất là từ cuối tháng 2 đến hết tháng 3, gió Lào thổi mạnh, cũng là lúc mùa cây thay lá, do vậy nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao.

Không chỉ gió Lào thổi, mà thời điểm này cũng là lúc bà con các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc Mông đang vào mùa phát nương, làm rẫy, nguy cơ đốt nương gây cháy rừng lại càng cao. Quả vậy, nếu mỗi chúng ta không có hành động, việc làm cụ thể để giữ rừng thì nguy cơ xảy ra cháy là rất lớn. Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2009 đến nay, trên địa bàn huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã xảy ra 8 vụ cháy rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng sản xuất gây thiệt hại hàng chục ha, môi trường sinh thái bị tàn phá nặng nề. Để hạn chế cháy rừng trong những ngày tháng cao điểm hiện nay huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải gần như huy động hết lực lượng kiểm lâm đổ về các xã khu rừng trọng điểm, phối hợp cùng chính quyền xã, thôn bản tuyên truyền, vận động các chủ rừng thực hiện các biện pháp PCCCR.

Ông Nguyễn Hợp Đoàn - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: “Huyện tăng cường cán bộ kiểm lâm về các khu rừng trọng điểm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với các hình thức đa dạng như họp tuyên truyền bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc với nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu. Đồng thời tu sửa các biển báo, in tờ rơi phát cho từng hộ dân, tổ chức ký cam kết về PCCCR; yêu cầu các chủ rừng tuân thủ các biện pháp phòng cháy, làm đường băng cản lửa. Củng cố các tổ đội PCCCR ở cơ sở và tăng cường tuần tra kiểm soát 24/24 h, huyện xác định và lấy phòng là chính”.

Khác với Văn Chấn, huyện Trạm Tấu có diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp, đồi núi cao, thời tiết được chia làm hai mùa rõ rệt, mùa khô được bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 4 năm sau và chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Tây Nam với những đợt gió Lào khô nóng. Không chỉ có vậy, đời sống kinh tế của đồng bào còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc Mông có phong tục đốt nương làm rẫy... từ những yếu tố đó, Trạm Tấu luôn là điểm nóng về cháy rừng. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song từ đầu năm đến nay đã xảy ra một vài điểm cháy rừng nhỏ lẻ, tuy mức độ thiệt hại không lớn nhưng đó là những cảnh báo rất nguy hại.

Đành rằng khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nhưng nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng là do ý thức của một số người dân còn yếu, không tuân thủ quy trình đốt nương, làm rẫy, thậm chí ở một số xã còn xảy ra tình trạng phá rừng trái phép để làm nương như: Túc Đán, Pá Lau, Bản Mù, Làng Nhì.... Bên cạnh đó còn một nguyên nhân nữa là do một số đối tượng lén lút khai thác lâm sản trái phép dùng lửa nấu, nướng trong rừng đã để lửa cháy lan vào rừng, thậm chí còn có đối tượng cố tình đốt rừng. Từ những thực tế trên, huyện Trạm Tấu đã đề ra nhiều biện pháp, tăng cường công tác PCCCR, với phương châm: "Phòng là chính, cứu chữa kịp thời".

Không ngừng tăng cường củng cố hoạt động của các Ban chỉ huy PCCCR từ huyện đến xã, các chủ rừng, tổ chức các lực lượng xung kích tuần tra canh gác trên các khu rừng trọng điểm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ rừng và PCCCR trong nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, đặc biệt là các hộ dân trực tiếp sản xuất nương rẫy. Tất cả người dân khi đốt nương, làm rẫy phải làm đường băng cản lửa bao quanh, trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ phương tiện dập lửa khi cháy lan vào rừng...

Ông Hoàng Đình Dậu - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Trạm Tấu cho biết: "Huyện chỉ đạo tất cả các xã, thôn bản phải lập các đội phòng cháy, chữa cháy rừng; phân công cán bộ kiểm lâm về phụ trách địa bàn; phối hợp với chính quyền cơ sở thống kê toàn bộ nương rẫy nhân dân đang sản xuất, từ đó lập phương án phòng cháy cho từng mảnh nương cụ thể. Đối với các xã, khu rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, tăng cường lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra canh gác, đảm bảo giảm thiểu tối đa cháy rừng”.

Để thực mục sở thị, chúng tôi đến xã Bản Mù là xã có diện tích rừng rộng lớn và có nguy cơ cháy rừng cao, mặc dù đã được tăng cường tới 4 cán bộ kiểm lâm nhưng phòng thường trực luôn vắng bóng.

Kiểm lâm viên Giàng A Chang cho biết: "4 anh em được giao phụ trách xã Bản Mù, ngày nào cũng phải đi xuống các thôn, bản vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, PCCCR. Hộ nào có nhu cầu đốt nương chúng tôi phải ra tận nương để hướng dẫn đốt và giám sát họ. Mùa này gió Lào thổi mạnh, lại đúng vào dịp cây rừng thay lá, do vậy không thể chủ quan lơ là được, nếu để ra cháy thì hậu quả rất lớn. Bên cạnh đó, tiến hành cho 560 hộ dân trong xã tiến hành ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR, phối hợp chính quyền địa phương, thôn bản giao trên 5 ngàn ha rừng cho các nhóm hộ dân quản lý, bảo vệ".

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và cần có sự nỗ lực cao nhất của chính quyền và người dân, nhưng các huyện thị phía Tây đã và đang trong tư thế tốt nhất, quyết bảo vệ rừng an toàn trong mùa khô hanh.

Thanh Phúc

Các tin khác
Yên Bái đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh minh hoạ

Các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh vốn đầu tư trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả của hội viên nông dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Với địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, khô hanh kéo dài, huyện Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Vườn thanh long được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa của gia đình ông Trần Bá Đức, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Nhiều năm qua, người trồng cây ăn quả ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, không thuốc trừ cỏ, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với quan niệm “sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế”.

Ảnh minh họa

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục