Đến năm 2010 Mù Cang Chải có trên 30% đàn bò nuôi bán công nghiệp
- Cập nhật: Thứ ba, 17/3/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 2005, triển khai tại 7 xã: Púng Luông, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Hồ Bốn, Khao Mang và Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) với số lượng 250 con. Năm 2006, triển khai tại 13 xã, thị trấn trong huyện với số lượng 600 con.
Chăn nuôi bò theo mô hình bán công nghiệp ở Yên Bái. Ảnh: Trường Phong
|
Mù Cang Chải là huyện vùng cao với trên 90% dân số là dân tộc Mông, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp. Trong đó, chăn nuôi gia súc được người dân chú trọng bởi nó phục vụ thiết thực cho công việc hàng ngày của họ. Mặt khác, huyện có nhiều lợi thế trong phát triển chăn nuôi đại gia súc nói chung và nuôi bò nói riêng. Tuy nhiên, nhiều năm qua đàn bò của huyện tăng không đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có những chính sách cụ thể để phát triển, tập quán chăn nuôi lạc hậu, chủ yếu là chăn thả tự nhiên.
Để tận dụng được những lợi thế vốn của địa phương cũng như cải tạo và phát triển đàn bò với mục tiêu: tăng nhanh về số lượng và nâng cao thể trọng, sức sản xuất của đàn bò, đặc biệt là chuyển đổi dần phương thức chăn nuôi của người dân, ngày 29/7/2005, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 250 phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn trong 2 năm 2005 và 2006.
Để thực hiện dự án có hiệu quả, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình cải tạo và phát triển đàn bò của huyện, giai đoạn 2005 – 2010; chỉ đạo các xã được hưởng lợi ích tiến hành họp phổ biến đến các thôn bản về chính sách hỗ trợ của Nhà nước; bình xét các hộ gia đình có nhu cầu chăn nuôi một cách công khai, dân chủ và đảm bảo đúng đối tượng.
Theo đó, đối tượng được hưởng lợi là các hộ nghèo thuộc diện đặc biệt khó khăn, thực sự có nhu cầu chăn nuôi, không thuộc diện lười lao động và mắc các tệ nạn xã hội. Trong 2 năm 2005 và 2006, toàn huyện đã có 850 hộ dân thuộc 14 xã, thị trấn trong huyện được hỗ trợ 850 con bò sinh sản.
Năm 2005, triển khai tại 7 xã: Púng Luông, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Hồ Bốn, Khao Mang và Chế Tạo với số lượng 250 con. Năm 2006, triển khai tại 13 xã, thị trấn trong huyện với số lượng 600 con. Tổng kinh phí hỗ trợ cho cả chương trình là 4 tỷ 362 triệu đồng; trong đó, vốn vay ngân hàng trên 1 tỷ 543 triệu; vốn quỹ xóa đói giảm nghèo trên 215 triệu, tỉnh hỗ trợ 2 tỷ 337,5 triệu, nhân dân tự túc trên 141 triệu, hỗ trợ phối giống và trồng cỏ 127,5 triệu đồng. Đến thời điểm đầu năm 2009, tổng đàn bò trong Dự án đã lên tới 1.134 con, góp phần nâng tổng số bò toàn huyện lên 6.285 con, tăng 284 con so với năm 2005.
Qua 4 năm thực hiện chương trình cải tạo và phát triển đàn bò trên địa bàn huyện, đã có những chuyển biến tích cực. Cấp ủy và chính quyền địa phương đã coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển chăn nuôi. Đặc biệt, đối với người dân, đã thay đổi tập quán canh tác cũ sang chăn nuôi có sự đầu tư. Tập quán thả rông gia súc của người dân đã được hạn chế, diện tích cây trồng bị gia súc phá hoại đã giảm đáng kể, nhất là cây trồng vụ xuân. Bãi trồng cỏ phục vụ chăn nuôi đã có sự định hướng, quy hoạch và bước đầu hình thành cho người dân phương thức chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp.
Hiện nay đã có 18% đàn bò của huyện được nuôi theo phương thức này. Người dân đã có ý thức hơn trong việc đầu tư làm chuồng trại, dự trữ thức ăn và tiêm phòng dịch bệnh nhằm làm tốt công tác chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. Một số mô hình ứng dụng cũng như việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được người dân nhiệt tình hưởng ứng như: mô hình chế biến, bảo quản rơm làm thức ăn dự trữ cho gia súc trong mùa đông, cách ủ chua các phụ phẩm trồng trọt...
Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn và trong thời gian tới huyện Mù Cang Chải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách chăm sóc và phát triển đàn bò; đảm bảo nguồn thông tin hai chiều được thường xuyên liên tục từ phía người dân với Ban chỉ đạo; nhanh chóng khắc phục tình trạng thả rông gia súc và đẩy nhanh việc thực hiện phát triển trồng cỏ dinh dưỡng theo khu, bãi chăn thả phục vụ chăn nuôi.
Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh việc chế biến và dự trữ thức ăn cho đàn gia súc. Mù Cang Chải phấn đấu đến năm 2010, toàn huyện có trên 8.113 con bò và trên 30% đàn bò được nuôi theo hướng bán công nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 16 đề ra.
Huyền Minh
Các tin khác
YBĐT - Làng bưởi Khả Lĩnh ở xã Đại Minh, huyện Yên Bình (Yên Bái) nằm thanh bình bên dòng sông Chảy hiền hòa, xanh trong. Xưa kia Khả Lĩnh nổi tiếng với loại bưởi ngọt lá nhỏ, thơm ngon, múi dóc, mọng nước. Đó là chuyện của chục năm trước, còn bây giờ cây bưởi ở Đại Minh đang có những dấu hiệu bất thường, làm người trồng bưởi lo lắng.
Trong buổi họp báo Hội nghị Quốc tế về Kinh tế Đối ngoại 2009 hôm 16/3, Chủ tịch Hội nghị Justin Wood dự đoán GDP của Việt Nam năm 2009 là 0,3%, so với 6,2% năm 2008. Tuy vậy, Việt Nam là một trong số ít những nước ở châu Á có GDP dương trong năm nay.
Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) trụ sở phía Nam tiếp tục hạ giá thép lần hai trong tháng 3-2009 với mức giảm 200.000 đồng/tấn đối với thép cuộn và thép cây. Hiện giá thép cuộn giao tại nhà máy giữ mức 10,25 triệu đồng/tấn, thép cây 10,58 triệu đồng/tấn. Giá thép bán lẻ ngoài thị trường cũng giảm theo, hiện xoay quanh mức 11,2-11,3 triệu đồng/tấn.
YBĐT - Vụ đông xuân năm 2009, huyện Văn Chấn đã gieo cấy được 3.900 ha lúa đông xuân, tăng 37 ha so với vụ đông xuân năm 2008.