Văn Yên cần Chủ động đối phó với dịch bệnh tụ huyết trùng trên gia súc
- Cập nhật: Thứ năm, 19/3/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong năm 2008, Văn Yên chịu ảnh hưởng lũ lụt nên các ổ dịch tụ huyết trùng, xoắn khuẩn leptô ở lợn trong vùng ngập lụt vẫn tiềm ẩn trong cơ thể gia súc, rất khó kiểm soát. Hiện nay dịch bệnh đã xuất hiện lẻ tẻ ở các xã: Mậu Đông, Lâm Giang, Yên Phú…
|
Bệnh tụ huyết trùng ở gia súc không phải không có cách phòng chống và chữa trị hiệu quả. Thế nhưng, hàng năm vẫn có nhiều gia súc bị mắc bệnh và chết, gây thiệt hại lớn về kinh tế và sức kéo của nông dân. Những ngày đầu năm 2009, dịch, bệnh đã xuất hiện tại xã Phong Dụ Thượng và Phong Dụ Hạ (huyện Văn Yên) và huyện đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho gia súc.
Ông Lý Văn Tiến - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Văn Yên cho biết: “Tụ huyết trùng gia súc được coi là bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc bởi khả năng lây lan và tỷ lệ tử vong rất cao. Bên cạnh đó, do biểu hiện bệnh lý không rõ ràng nên bà con rất khó phát hiện. Đầu năm 2009, bệnh tụ huyết trùng xuất hiện ở thôn 5 xã Phong Dụ Thượng và thôn 6 xã Phong Dụ Hạ đã làm cho 8 con trâu, bò bị chết và hơn chục con khác bị mắc bệnh. Ngay khi phát hiện bệnh, cán bộ thú y đã đến thôn, bản trực tiếp điều trị và đã chữa khỏi 12 con trâu và đã tiêm phòng hàng trăm liều vắc xin phòng dịch”.
Bên cạnh đó, trong năm 2008, Văn Yên chịu ảnh hưởng lũ lụt nên các ổ dịch tụ huyết trùng, xoắn khuẩn leptô ở lợn trong vùng ngập lụt vẫn tiềm ẩn trong cơ thể gia súc, rất khó kiểm soát. Hiện nay dịch bệnh đã xuất hiện lẻ tẻ ở các xã: Mậu Đông, Lâm Giang, Yên Phú…
Đặc biệt, thời tiết đang ấm dần lên, nguy cơ tái phát dịch, bệnh là rất cao nên việc áp dụng phòng chống dịch bệnh rất khó khăn. Do chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, nhiều xã còn tập quán thả rông gia súc, người chăn nuôi thì chủ quan, lơ là với công tác phòng chống nên dịch bệnh vẫn xuất hiện và gây thiệt hại đến chăn nuôi là điều dễ hiểu.
Hầu hết các xã vùng cao, bệnh tụ huyết trùng và dịch tả lợn năm nào cũng xuất hiện và nguyên nhân chủ yếu là do không tiêm phòng triệt để. Cụ thể như: năm 2008, Văn Yên tiêm phòng 12.000 liều vắc xin tụ huyết trùng vào đầu năm và lẽ ra đến cuối năm lại phải tiêm thì mới phòng chống được, nhưng huyện lại không làm được với lý do không được hỗ trợ thuốc. Số trâu, bò bị mắc bệnh vừa qua đều dính bệnh và chết.
Muốn chăn nuôi an toàn, hiệu quả, điều quan trọng nhất là tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh. Biết vậy, nhưng việc tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh ở Văn Yên đang gặp phải những khó khăn nhất định, do sự thờ ơ và chủ quan của người chăn nuôi.
Đặc biệt, ở các xã vùng cao khi tập quán chăn thả tự do, không quy hoạch nên khi gia súc bị bệnh không phát hiện kịp thời rất dễ lây lan thành dịch lớn. Có những trường hợp trâu, bò bị chết, bà con cho rằng bị rắn cắn và thế là cứ mổ ăn vô tư, đến khi cán bộ thú y đến kiểm tra mới biết nguyên nhân trâu, bò chết là do dịch tụ huyết trùng. Có những hộ để trâu trên rừng cả tháng không theo dõi thường xuyên và khó kiểm soát về mặt số lượng nên dẫn đến việc tiêm phòng bị sót đàn.
Nhận thức của bà con chưa đầy đủ về tác hại sự lây lan của loại dịch bệnh nguy hiểm như ở thôn 5 - thôn người Dao xã Phong Dụ Thượng, người dân không chấp hành tiêm phòng kể cả những năm Văn Yên có dịch bệnh lớn và được hỗ trợ tiền tiêm vắc xin. Gần đây nhất, ở thôn Liên Sơn, xã Lang Thíp, cả xóm có tới 50 con gia súc bị dịch lở mồm long móng nhưng khi cán bộ đến tổ chức tiêm phòng người dân còn không nghe theo. Cuối cùng, cán bộ thú y phải đến từng nhà tuyên truyền, vận động mãi họ mới “chấp nhận” cho tiêm, dẫu rằng tiêm miễn phí.
Để ngăn chặn và làm giảm thiệt hại số trâu bò do tụ huyết trùng gây ra, Trạm Thú y huyện Văn Yên đã triển khai tiêm 19.000 liều tụ huyết trùng trâu bò, trong đó 12.000 liều cho các xã vùng cao. Bên cạnh đó, huyện cũng đang tích cực tuyên truyền hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn, tiêm phòng đầy đủ cho gia súc, gia cầm; tổ chức tiêm phòng 12.000 liều vác xin tụ huyết trùng lợn, 12.000 liều dịch tả lợn, tiêm phòng dịch lở mồm long móng ở 15 xã với 41.000 liều.
Để khống chế được dịch bệnh góp phần thúc đẩy chăn nuôi, các xã cần chú trọng thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh; xây dựng hệ thống giám sát đến tận thôn, bản để phát hiện và xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực của hệ thống thú y cấp xã trong phòng chống dịch.
Ngành thú y cần khuyến cáo hộ chăn nuôi tiêm phòng đúng liều, lượng và tiến độ; nên quy định tiêm vắc xin bắt buộc cho gia súc, gia cầm đối với các hộ chăn nuôi. Thực hiện chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại, khi phát hiện có dịch cần kịp thời báo với các cơ quan chuyên môn để có phương án dập tắt kịp thời tránh lây lan ra diện rộng.
Văn Thông
Các tin khác
9 giờ 30 sáng 19.3, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam đã giảm giá bán dầu diezel thêm 500 đồng/lít xuống còn 10.000 đồng/lít (ảnh). Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm 2009 đến nay giá dầu diezel được điều chỉnh giảm.
YBĐT - Vụ đông xuân 2000 - 2001, toàn bộ diện tích ruộng một vụ huyện Lục Yên (Yên Bái) cơ bản đã được phủ xanh và từ vụ đông xuân năm 2001 đến nay chỉ tập trung chỉ đạo duy trì bền vững kết quả đã đạt được.
YBĐT - Năm 2009, tỉnh Yên Bái phấn đấu trồng mới và cải tạo 510 ha chè, sản xuất 80 tấn chè búp tươi và chế biến, tiêu thụ 18.000 tấn chè khô các loại. Đây là thông tin từ Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất, kinh doanh chè năm 2008, triển khai kế hoạch và các giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh chè năm 2009.
Giá vàng trong nước sáng 18-3 giảm 70.000 đồng/lượng so với sáng hôm trước cùng với lúc giá vàng thế giới đi xuống. Ðến chiều cùng ngày, giá vàng lại tiếp tục giảm thêm 100 nghìn đồng/lượng.