Trạm Tấu: Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững
- Cập nhật: Thứ tư, 8/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hiện nay, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có trên 2.300 hộ nghèo với gần 13.000 khẩu. Qua 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện Trạm Tấu đã thu được kết quả đáng khích lệ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bà con người Mông xã Trạm Tấu huyện Trạm Tấu thu hoạch sắn cung cấp nguyên liệu cho các Nhà máy chế biến tinh bột sắn.
(Ảnh: Ngọc Sơn)
|
Năm 2004, thông qua Hội Nông dân xã, gia đình anh Giàng A Do và chị Trang Thị Sông ở thôn Mông Si, xã Bản Mù (huyện Trạm Tấu - Yên Bái) đã được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện cho vay 5 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn được vay, anh đã mạnh dạn đầu tư vào phát triển chăn nuôi trâu để vừa có tư liệu sản xuất vừa có trâu nuôi sinh sản. Năm 2007, anh mạnh dạn vay tiếp 10 triệu đồng nữa cùng với số vốn tự có của gia đình, đầu tư mua máy xay xát về phục vụ bà con trong thôn. Từ chỗ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, đến nay gia đình anh đã có đàn trâu 4 con, có máy xay xát, có xe máy và các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Năm 2008, anh đã dựng được ngôi nhà mới khang trang.
Cũng giống như gia đình anh Do ở Bản Mù, hàng trăm hộ gia đình khác trên địa bàn huyện Trạm Tấu đã mạnh dạn vay vốn của NHCSXH huyện để đầu tư phát triển sản xuất và vươn lên thoát nghèo. Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, NHCSXH huyện Trạm Tấu là một trong những thành viên tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo của huyện.
Trong những năm qua, doanh số cho vay của NHCSXH huyện là 48 tỷ 673 triệu đồng. Đến giữa tháng 3 đã có trên 4.500 lượt hộ vay với tổng số dư nợ là 41 tỷ 120 triệu đồng. Hầu hết các nguồn vốn vay đều được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả và tạo ra được nhiều việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện. Ông Hoàng Đình Huân – Phó giám đốc NHCSXH huyện Trạm Tấu cho biết: Qua đồng vốn cho vay của NHCSXH đã giúp cho người nghèo vươn lên xóa đói giảm nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ hội nghèo trên địa bàn huyện.
Hiện nay, huyện Trạm Tấu có trên 2.300 hộ nghèo với gần 13.000 khẩu. Qua 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện Trạm Tấu đã thu được kết quả đáng khích lệ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, đời sống vật chất văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Toàn huyện không có hộ đói kinh niên, số hộ bị đói giáp hạt giảm dần.
Trong 3 năm qua, có trên 800 hộ vượt nghèo, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 6%. Tuy nhiên, ở các xã đặc biệt khó khăn như: Bản Mù, Túc Đán, Bản Công, Pá Hu, Pá Lau..., tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm trên 60%. Nhiều hộ nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước nên chưa tích cực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Một số hộ cận nghèo, nguy cơ tái nghèo rất cao.
Cùng với việc giúp đỡ người nghèo về vốn, huyện cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, các lớp dạy nghề ngắn hạn và xây dựng các mô hình nông nghiệp, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi. Dẫu vậy, do nhận thức của đồng bào còn hạn chế, việc chuyển đổi mùa vụ sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng phù hợp diễn ra chậm, năng lực lãnh đạo điều hành của chính quyền cơ sở, đặc biệt là đội ngũ trưởng thôn bản đã gây khó khăn không nhỏ đối với công tác giảm nghèo của huyện. Thêm vào đó, việc bình xét hộ nghèo và cận nghèo cũng rất khó khăn do mức chênh lệch giữa các hộ này không lớn.
Mục tiêu của huyện Trạm Tấu đến năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 39,76%. Để thực hiện được mục tiêu này, cùng với sự hỗ trợ của trung ương và của tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong phát triển kinh tế xã hội huyện Trạm Tấu giai đoạn 2006-2010, huyện đã phân công trách nhiệm vụ thể cho các ngành, đoàn thể giúp đỡ các địa phương về công tác xóa đói giảm nghèo, phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, tận dụng tối đa tiềm năng lợi thế sẵn có của địa phương để sản xuất hàng hóa quy mô lớn với chất lượng và hiệu quả cao, tập trung phát huy nội lực để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững; tập trung hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo về kiến thức sản xuất, vốn và phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, động viên người nghèo tự xác định mục tiêu đầu tư để người nghèo tự vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững.
Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - Cách đây hơn 10 năm, xã Tích Cốc (Yên Bình) là vùng đất xa xôi, cách trở vì ngày ấy con đường Đông hồ Thác Bà chưa được nâng cấp, đi lại khó khăn, đến xã Tích Cốc chủ yếu đi bằng đường thuỷ qua hồ Thác Bà. Giờ đây đường đã êm thuận, nhưng Tích Cốc vẫn chưa giàu.
YBĐT - Từ trung tuần tháng 3 trở lại đây trên địa bàn thị trấn Nông trường Trần Phú, xã Sơn Thịnh, Phù Nham... huyện Văn Chấn (Yên Bái) có hàng chục ha rừng keo trồng bằng giống nhập nội bị khô lá và chết.
Chiều 7/4, trả lời báo chí xung quanh việc tăng lương từ 1/5, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: "Thực ra chúng ta chỉ điều chỉnh mức lương cho phù hợp với trượt giá mà thôi".
YBĐT - “Tháng Giêng trồng trúc, tháng Lục trồng tiêu”, câu nói người xưa đã đúc rút qua kinh nghiệm sản xuất từ ngàn đời nay đang được người dân các xã vùng cao Trấn Yên (Yên Bái) áp dụng cho chương trình măng tre Bát Độ - một chương trình kinh tế lớn đã phát huy hiệu quả góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi các xã vùng sâu, vùng xa của huyện.