Chương trình trồng và cải tạo giống chè: Đầu tư lớn hiệu quả chưa rõ!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/4/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - Yên Bái là tỉnh có diện tích chè lớn, song do có nhiều diện tích được trồng từ những năm 70 của thế kỷ trước, nay chè đã già cỗi, giống chất lượng thấp dẫn đến năng suất thấp, chất lượng búp không đáp ứng cho chế biến. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng búp cho chế biến, từ năm 1997 tỉnh có Chương trình trồng mới, trồng cải tạo, trồng thay thế diện tích chè già cỗi bằng giống chè lai, chè nhập nội. 12 năm là quãng thời gian khá dài, đủ để minh chứng cho thành công hay thất bại của chương trình, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm ra được đáp số thực!

Chăm sóc chè giống mới ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ.
Chăm sóc chè giống mới ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ.

Nói về Chương trình cải tạo giống chè trong những năm qua, có nhiều người hiểu đến ngọn ngành cây chè, chế biến chè ở Yên Bái còn đôi chút dè dặt bởi sự phát triển "khập khiễng" của nó. Câu chuyện về tính hiệu quả của chương trình dường như chưa có hồi kết, ngay cả ngành chủ quản là Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện thị cho đến nay vẫn chưa có một đánh giá cụ thể nào. Nhưng có một điều ai cũng phải thừa nhận là “Chương trình cải tạo giống chè” là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển, làm đúng cách hiệu quả là rất cao.

Ngay sau khi có Chương trình người dân, doanh nghiệp hồ hởi vào cuộc rất nhiệt tình, nó như thuốc “tăng lực” hữu ích cho sản xuất, kinh doanh chè vốn gặp nhiều khó khăn. Bình quân mỗi năm trồng mới, trồng cải tạo thay thế được trên 200-300 ha chè. Tính từ năm 1999 đến hết năm 2008, toàn tỉnh trồng mới, trồng cảI tạo, thay thế được 5.311 ha, trong đó trồng mới 3.094 ha, trồng cảI tạo, thay thế trên 2.117 ha.

Về cơ cấu giống có 1.394 ha bằng giống chè lai LDP1, LDP2, 506 ha chè Shan giâm cành, 1.389 ha chè Shan hạt, 1.465 ha chè giống nhập nội. Chỉ tính riêng trong năm 2008, diện tích trồng mới, trồng thay thế đạt 573 ha, trong đó có 264 ha chè giống nhập nội, trên 168 ha chè lai, 140 ha chè Shan giâm cành mật độ cao. Như vậy, đến cuối năm 2008 diện tích chè toàn tỉnh sẽ đạt 12.637 ha, trong đó có 1.465 ha chè nhập nội chất lượng cao.

Nhưng có một thực tế là những năm đầu thực hiện Chương trình trồng cải tạo giống chè, chủ yếu chè Shan vùng cao thực hiện chưa thật hiệu quả. Có nơi làm lấy phong trào, thành tích, điều đó được chứng minh là đến nay sản lượng búp không đủ đáp ứng cho chế biến, cuộc sống đồng bào vẫn chưa thực sự sống bằng nghề chè. Đối với vùng thấp, việc trồng cải tạo thay thế nhiều nơi làm vẫn không có quy hoạch cụ thể, mà vẫn trồng, cải tạo theo kiểu tự phát của người dân. Hay nói cách khác là trồng theo kiểu "xôi đỗ" không mang lại hiệu quả rõ nét. Mục tiêu lớn của chương trình là từng bước hình thành 2 vùng cung cấp nguyên liệu theo định hướng sản phẩm là: Vùng nguyên liệu sản xuất chè xanh 4.460 ha và vùng nguyên liệu chè đen gần 8 ngàn ha; nâng cao năng suất; hình thành thêm một số sản phẩm chè xanh có thương hiệu. Nhưng đã qua nhiều năm mà vẫn chưa thấy hình thành hai vùng nguyên liệu này, mà mới chỉ hình thành vùng nguyên liệu chất lượng vài ba ha, năng suất tuy có tăng nhưng hiện nay Yên BáI vẫn là địa phương có năng suất chè thấp nhất.

Sản phẩm chè tuy đã có chè olong, chè bát tiên, phúc vân tiên, chè Shan Nậm Búng…nhưng số lượng thật ít ỏi. Trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ cho chương trình cũng không phải là nhỏ, mỗi ha trồng mới những năm đầu được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha cho cảI tạo và trồng mới là 4 triệu đồng, nay đã nâng lên 3 triệu và 5 triệu đồng/ha. Chỉ tính riêng trong năm 2008, nguồn kinh phí hỗ trợ cho trồng mới, trồng cải tạo gần 3 tỷ đồng, như vậy tính từ khi thực hiện chương trình đến nay, con số vốn đầu tư cũng trên 30 tỷ đồng. Ngoài phần hỗ trợ của nhà nước, mỗi ha người dân phải đầu tư 20 triệu đồng/ha nữa, cùng với công chăm sóc, phân bón, phòng trừ sâu bệnh quả là một con số không nhỏ. Vốn đầu tư khá lớn, cùng bao tâm huyết, công lao động vậy mà năng suất vẫn thấp, chất lượng búp chè cho chế biến cũng không mấy khả quan.

Trong năm 2008, các doanh nghiệp chế biến được 20.220 tần chè các loại, trong đó có 4.250 tấn chè đen thành phẩm, 13.950 tấn chè đen bán thành phẩm, chè xanh chỉ có 2.050 tấn chiếm 10,1%. Cả vùng chè Văn Chấn duy nhất có Doanh nghiệp chè Thành Công sản xuất, chế biến chè xanh chất lượng cao, doanh nghiệp cũng tự đầu tư phát triển vùng nguyên liệu gần 50 ha, cùng với thu mua ngoài nhưng hầu như cứ vào vụ sản xuất, doanh nghiệp lại chạy đôn chạy đáo để thu mua nguyên liệu với giá năm 2008 là 11 ngàn đồng/kg búp tươi. Vậy vùng chè đã cải tạo bằng giống nhập nội trong suốt thời gian qua ở đâu? Các địa phương có trồng cải tạo, trồng thay thế hay không, hay là chỉ báo cáo rồi lấy tiền hỗ trợ? 

Rõ ràng việc trồng thay thế cải tạo giống chè cũ bằng giống mới là một chủ trương đúng, song cách làm như hiện nay đang không đem lại hiệu quả rõ nét. Đã qua nhiều năm thực hiện, nhưng đến nay vẫn không hình thành vùng chè cụ thể, không có một doanh nghiệp nào đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè xanh chất lượng cao. Vẫn biết sản xuất chế biến chè xanh chất lượng cao sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, song cái khó là vùng nguyên liệu thì phân tán dẫn đến việc thu mua nguyên liệu gặp muôn vàn khó khăn.

Cùng với đã chế biến chè chất lượng cao, đòi hỏi phải áp dụng một quy trình sản xuất khép kín từ khâu nguyên liệu đến chế biến (thu hái đến đâu chế biến ngay đến đó). Nguyên liệu mà thu hái từ sáng đến chiều mới đưa về chế biến thì không thể cho chất lượng cao được! Từ yếu tố đó cho thấy, sản xuất chế biến chè xanh chất lượng cao phải gắn nhà máy với vùng nguyên liệu tập trung và có mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Một vấn đề không thể không nói đến là ngành chè Yên Bái vẫn chưa tìm cho mình một hướng đi cụ thể dẫn đến hiệu quả không cao.

Vùng chè Thái Nguyên đi theo con đường chế biến chè xanh, vùng chè Lâm Đồng đi theo hướng sản xuất chè chất lượng cao xuất khẩu, Phú Thọ thu hút đầu tư chế biến chè thành phẩm…Yên Bái lại đi theo hướng “tạp phế lù” thì sao!

Thanh Phúc

Các tin khác
Gia cố kênh mương thủy lợi ở Hát Lừu (Trạm Tấu).

YBĐT - Những ngày này, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đang phải đối mặt với khô hạn kéo dài, các con suối cạn trơ đáy, cỏ cây xác xơ, ruộng nương nứt nẻ vì thiếu nước. Đành rằng tháng tư vẫn là tháng của hạn hán, nhưng đi trên các vạt rừng, thửa ruộng khô không khốc chúng tôi mới cảm nhận được phần nào cuộc chiến cam go mà người dân vùng cao đang phải đối mặt với thiên tai khốc liệt. Trạm Tấu đang dồn hết sức lực để chống hạn cứu lấy cây trồng.

YBĐT - Tính đến hết tháng 3/2009, tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) đạt 6.968 triệu/6450 triệu đồng dự toán quí I, bằng 108% và bằng 29% dự toán cả năm, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2008.

YBĐT - Từ năm 2008 đến nay các doanh nghiệp và hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn về vốn, tuy nhiên thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng tỉnh các doanh nghiệp cũng đã ký được 46 hợp đồng bảo lãnh với tổng giá trị 90,5 tỷ đồng.

Ngày 17/4/2009, Sở Giao thông vận tải tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống bão lũ, đảm bảo giao thông năm 2008 và triển khai nhiệm vụ công tác phòng chống bão lũ, đảm bảo giao thông năm 2009.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục