Nơi đảng viên gương mẫu đi đầu

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/4/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thượng Bằng La - địa danh đã đi vào lịch sử trong kháng chiến chống Pháp. Ở đó có “chi bộ Đỏ”, “Khu du kích Sao đỏ”, và đèo Lũng Lô đã đi vào thơ Tố Hữu: “... Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô anh hò chị hát”… Trong công cuộc đổi mới hôm nay, Thượng Bằng La cũng như nhiều miền quê khác đang nỗ lực vượt mọi khó khăn thử thách, để vươn mình thoát khỏi đói nghèo.

Mô hình nuôi nhím của chị Vũ Thị Lợi mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng.
Mô hình nuôi nhím của chị Vũ Thị Lợi mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng.

Xã Thượng Bằng La (Văn Chấn - Yên Bái) hiện có trên 8.000 khẩu với 1.800 hộ, sinh sống ở 17 thôn. Trước năm 2000, đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề dịch vụ thương mại chậm phát triển. Trong khi đó, diện tích đất trống đồi núi trọc bị bỏ hoang hoá, người dân có thói quen sản xuất theo kiểu tự phát thiếu việc làm, không có thu nhập, vì thế mà cái đói cái nghèo cứ bám riết.

Trước bộn bề khó khăn đó, Đảng bộ xã Thượng Bằng La  xác định: Địa phương có tiềm năng lớn nhất là đất đai và rừng nên đã chỉ đạo tập trung đổi mới sản xuất nông nghiệp theo hướng kết hợp chăn nuôi và trồng rừng mới mong thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Chủ trương này đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khoá 20, nhiệm kỳ 2005-2010, trong đó, đảng viên là những người tiên phong đi đầu thực hiện. Toàn xã có 334 đảng viên sinh hoạt ở 23 chi bộ và 38 tổ Đảng thì có trên 100 đảng viên đi đầu làm kinh tế theo mô hình VACR, trong số đó đã có trên 50 mô hình trang trại có thu nhập từ 50-200 triệu đồng/năm.

Anh Đoàn Ngọc Phương - đảng viên trẻ ở Chi bộ thôn Văn Tiên. Sau khi học xong Khoa Kinh tế Trường Đại học Thái Nguyên, Phương đã chọn con đường lập nghiệp ngay chính quê hương mình. Nhận thấy tiềm năng về đất đai dồi dào và phì nhiêu, Phương đã nhận trên 5ha đất trồng chè Shan và kết hợp trồng cam. Nhờ biết áp dụng các kiến thức đã học mà đến nay số diện tích trồng chè Shan và trên 800 gốc cam đã cho thu hoạch mỗi năm đạt trên 100 triệu đồng.

Cũng giống như anh Phương, chị Vũ Thị Lợi - đảng viên trẻ ở Chi bộ Thiên Tuế, luôn phải sống trong cảnh túng thiếu quanh năm.  Suy nghĩ phải làm gì đó để thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng luôn nung nấu trong chị. Từ suy nghĩ đó, năm 1997, chị Lợi đã bàn với chồng nhận trên 10 ha đất rừng để đầu tư trồng keo, bồ đề, quế và cam, đồng thời kết hợp nuôi nhím. Lúc đầu bắt tay vào làm, chị gặp nhiều khó khăn về vốn và kỹ thuật. Nhưng bởi là một đảng viên trẻ, lại là cán bộ phụ nữ thôn nên chị xác định càng phải cố gắng để cho các chị em trong thôn học tập noi theo.

Sau nhiều năm cần cù lao động lập trang trại, đến nay chị Lợi đã có một rừng keo, bồ đề trên 10 ha đã cho thu hoạch. Chị còn trồng 1.200 gốc cây cam có chất lượng quả ngon và nuôi 20 con nhím bình quân mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng. Bên cạnh anh Phương, chị Lợi còn có nhiều đảng viên phát triển kinh tế giỏi như: Đinh Đức Thuận ở Chi bộ Dạ; Ngô Thị Xuyến ở Chi bộ 26/3; Nguyễn Xuân Chanh ở Chi bộ Trung Tâm…

Phong trào đảng viên làm kinh tế đặc biệt là trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc đã làm cho nguồn gỗ của xã đa dạng và dồi dào. Toàn xã còn có trên 4.800 ha rừng tự nhiên và 3700 ha rừng bảo vệ. Để có được kết quả trên, xã đã chỉ đạo mỗi năm trồng mới 100ha rừng. Điều đặc biệt là hiện nay trên khu vực đèo Lũng Lô, xã đã chỉ đạo và đã phủ xanh được 48ha với các loại cây có giá trị như: lát, dổi, sến.

Bên cạnh việc đánh thức tiềm năng đất đai, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, Thượng Bằng La còn quyết tâm đưa cây, con giống phù hợp vào sản xuất nông nghiệp. Trước hết là tăng năng suất cây lúa và cây ăn quả trên một diện tích đơn vị mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khoá 20, nhiệm kỳ 2005-2010 đề ra. Để biến nghị quyết sớm đi vào hiện thực, xã đã sớm chỉ đạo nhân dân đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng như đưa lúa lai vào gieo cấy trên 90% diện tích lúa hai vụ. Diện tích còn lại, xã chỉ đạo làm các giống lúa tẻ thơm và Chiêm Hương.

Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cũng như chú trọng đầu tư tưới tiêu và chăm bón phòng trừ sâu bệnh cho lúa nên năng suất lúa từ 8 tấn/ha năm 2004 nay đã tăng lên trên 12 tấn/ha. Ngoài ra, nhân dân còn trồng các loại cây màu như: đỗ tương, sắn, lạc, ngô trên 190 ha và năng suất đạt 5 tấn/ha, góp phần tăng thu nhập.

Với những chủ trương đúng, cách làm hay nên các mô hình kinh tế do các đảng viên gương mẫu đi đầu thực hiện đã có hiệu quả kinh tế cao, góp phần xoá đói giảm nghèo cho gia đình và đã có tác động tích cực đến ý thức làm kinh tế, lao động, sản xuất của mọi người dân trong xã. Người dân đã noi theo, tìm đến từng nhà các đảng viên nhờ giúp đỡ, tư vấn về cách làm, tư vấn về khoa học kỹ thuật, dần dần bỏ việc canh tác theo kiểu tự phát, tập trung vào sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, áp dụng khoa học kỹ thuật, chú trọng vào trồng rừng kết hợp chăn nuôi.

Đến nay, toàn xã đã có 500 hộ có rừng và trồng rừng; chú trọng phát triển chăn nuôi theo các dự án được đầu tư vào xã. Để từng bước cải thiện đời sống cho nhân dân, trong những năm qua, xã đã đưa về nhiều dự án chăn nuôi đại gia súc, gia cầm như: dự án bò bán công nghiệp, lợn sinh sản Móng Cái, Dự án Gà không biên giới…

Đã có hàng trăm hộ tham gia dự án, đã thu được kết quả ban đầu, tiêu biểu như: gia đình chị Hà Thị Hạnh và Đinh Thị Kiên ở thôn Mỏ, Hà Duy Tự ở thôn Noong Tài, Hà Thị Hằng ở thôn Vằm... Đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của toàn xã có trên 51.515 con, trong đó đàn gia cầm có trên 45.000 con; đàn lợn có 5.300 con, đàn trâu 920 con, đàn bò có 295 con.

Với những cách làm hay, chủ trương đúng, nên từ năm 2000 và đặc biệt là từ năm 2005 đến nay, từ một vùng quê nghèo đói, Thượng Bằng La đang thay da đổi thịt. Đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt 7,7 triệu đồng/năm, toàn xã đã có trên 600 hộ khá, 75% số hộ có xe máy; 85% số hộ có các phương tiện nghe nhìn; 90% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; hiện chỉ còn 7,3% hộ nghèo, không có hộ đói; số gia đình văn hoá năm sau cao hơn năm trước; 100% thôn có nhà văn hoál; 100% trường lớp học được xây dựng kiên cố... Với những kết quả đã đạt được, Đảng bộ xã nhiều năm liền đạt Đảng bộ trong sạch vững mạnh và đó sẽ là động lực để  tiếp tục phát huy nội lực, khai thác các thế mạnh để xây dựng quê hương anh hùng ngày càng giàu đẹp.

Văn Tuấn

Các tin khác

YBĐT - Xã Xuân Long (huyện Yên Bình - Yên Bái) có tổng diện tích đất rừng là 3500 ha. Trước đây, do sự tàn phá của con người, rừng Xuân Long có nguy cơ rơi vào tình trạng đất trống đồi núi trọc. Nhưng sau 5 năm thực hiện Dự án 327 với nỗ lực cứu rừng của cán bộ và nhân dân, rừng Xuân Long đã xanh trở lại.

Trung tâm xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu). (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Hầu hết các già làng trưởng bản đều nhất trí cao với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc phân chia lại đất rừng khoanh nuôi, đất sản xuất. Tuy nhiên, việc thực hiện như thế nào cho hợp lý, được sự đồng thuận của nhân dân đặc biệt là những hộ đang “bao chiếm” đất đai lại đang vấp phải nhiều khó khăn, nếu không có phương án tháo gỡ ngay từ bây giờ sẽ gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Ảnh minh họa.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 15.6 tới, các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhà nước và Luật Hợp tác xã, hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng sẽ được miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe (bao gồm cả khu bán vé, khu quản lý điều hành, khu phục vụ công cộng).

Bộ Tài chính sẽ siết chặt quản lý thép cuộn chứa Bo.

Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp ngăn ngừa hiện tượng “lách luật” trong việc nhập khẩu thép hợp kim chứa nguyên tố Bo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục