Trồng sắn ồ ạt nghèo lại càng nghèo
- Cập nhật: Thứ ba, 28/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tự ý mở rộng diện tích, phát triển cây sắn tràn lan, không theo quy hoạch đã để lại hậu quả nặng nề. Giá sắn xuống thấp hơn giá thành sản xuất khiến nông dân trở tay không kịp. Câu chuyện không cũ nếu các ngành chức năng, các địa phương, người nông dân vẫn làm theo kiểu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" thì nó sẽ vẫn còn tiếp tục xảy ra ở nhiều vùng quê và trên nhiều loại cây trồng khác.
Vào chính vụ mà giá sắn chỉ được 450đ/kg tại nhà máy.
|
Năm 2007, giá sắn nguyên liệu tăng cao, cùng với việc đầu tư xây dựng 2 nhà máy chế biến đóng trên địa bàn, khiến nông dân Văn Yên (Yên Bái) đổ xô lên đồi trồng sắn. Không chỉ trồng trong vùng 7 xã quy hoạch mà sắn có mặt ở hầu hết các xã từ vùng thấp đến vùng cao. Sắn sang sông, sắn leo lên núi, sắn trồng sau vườn, ven đường, đâu đâu cũng thấy màu xanh của sắn. Sắn "lên ngôi" đã lấn át nhiều loại cây trồng khác. Nhiều hộ dân phá bỏ chè, quế, rừng để trồng sắn.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Văn Yên, năm 2008, nhân dân đã trồng trên 6.644 ha sắn, vượt so với quy hoạch gần 1000 ha. Đó chỉ là con số báo cáo, còn trên thực tế diện tích trồng sắn có đến gấp hơn 2 lần. Người người trồng sắn, nhà nhà trồng sắn với giấc mơ đổi đời, chỉ cần vài ha sắn có thể mua được xe máy, ti vi, dễ như chơi. Nhưng tiếc thay, giấc mộng chưa tròn thì người trồng sắn Văn Yên đã phải nếm trái đắng!
Giá sắn rớt thê thảm, khiến nông dân Văn Yên trở tay không kịp. Đầu vụ, giá sắn 660 đồng/kg, nhưng nhiều hộ chần chừ không thu hoạch đợi giá sắn lên. Nhưng càng đợi giá sắn càng "xuống dốc không phanh". Vào chính vụ mà giá chỉ 450 đồng/kg bán tại nhà máy. Giá bán không đủ tiền trả công chi phí vận chuyển, khiến các hộ nông dân chẳng buồn lên đồi dỡ sắn.
Vào thời điểm chính vụ mà sắn vẫn nằm chỏng chơ trên đồi, sắn chất đống ngoài sân, sắn nạo rải la liệt ven đường để dầm mưa vì không có chỗ để. Nông dân trồng sắn rơi vào cảnh lao đao khốn khó. Người nông dân chăm bón vun trồng, trông chờ cả vào sắn, nhưng được trả lại bằng sự hụt hẫng, nhiều gia đình thêm lo vì món tiền các loại phân bón,… cùng với món nợ vay ngân hàng để đầu tư từ đầu vụ.
Thôn Khe Tràm, xã Đông Cuông có 144 hộ, thì có đến 140 hộ trồng sắn. Tất cả đều trông cả vào sắn. Sau 2 năm được giá, sắn đã "nâng đời" không biết bao nhiêu làng quê, xe máy, ti vi đều từ sắn mà ra. Nay giá sắn xuống tận đáy, khiến nhiều gia đình ngao ngán, sắn ăn không được, bán không song. Giá sắn như vậy, khiến nhiều nông dân lại rơi vào cảnh nghèo. Có hộ nợ cả chục triệu đồng tiền phân bón đầu tư vào sắn, nhưng chưa biết lấy đâu ra tiền trả nợ, thế là lãi mẹ đẻ lãi con cứ tăng vùn vụt.
Giá các mặt hàng nông sản giảm mạnh, cùng với việc phát triển ồ ạt dẫn đến khủng hoảng thừa nguyên liệu. Nếu tính theo con số báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Văn Yên, năm 2008. Với năng suất bình quân 24 tấn/ha, sản lượng đạt trên 161.914 tấn - một con số kỷ lục, trong khi đó 2 nhà máy sắn đóng trên địa bàn nếu hoạt động hết công suất cũng chỉ tiêu thụ khoảng 70 - 80 nghìn tấn sắn tươi. Nông dân Văn Yên đã phải trả giá đắt cho việc phớt lờ sự cảnh báo của cơ quan chức năng và Huyện ủy, UBND huyện Văn Yên. Với sản lượng như trên, tính sơ sơ nông dân Văn Yên mất hơn trăm tỷ đồng, một con số không nhỏ.
Vẫn biết, việc nông dân đua nhau trồng một loại cây đang có giá trị kinh tế cao mà ồ ạt không theo kế hoạch, quy hoạch và thị trường thì thất bại là điều dễ hiểu. Cũng như trong miền Nam, dân trồng dưa hấu, lúc đầu diện tích vừa phải thì giá thành cao, tiêu thụ sang Trung Quốc nhanh. Nhưng mấy năm sau, dân thấy trồng dưa hấu được giá, thu nhập cao. Vậy là, bất biết chính quyền hô hào, vận động trồng mức độ theo kế hoạch thôi, dân vẫn ồ ạt trồng bạt ngàn dưa hấu. Cuối cùng, dưa hấu quá nhiều không thể nào tiêu thụ được, giá quá thấp. Dưa hấu đổ xuống sông ngòi làm ô nhiễm môi trường, nông dân nợ nần chồng chất...
Ở miền Nam trồng dưa hấu là vậy, bây giờ ở Văn Yên trồng sắn cũng lặp lại đúng như vậy. Thật buồn cho cách làm ăn, cứ làm theo ý mình, không cần nghe ai hết. Và bây giờ, năm 2009, Văn Yên sẽ phát triển ổn định diện tích trồng sắn là 4.500 ha, trong đó 1500 ha canh tác bền vững. Nhưng sau những thất bại cay đắng từ việc trồng sắn tràn lan, ai dám bảo đảm năm nay người dân sẽ trồng sắn cung cấp đủ nguyên liệu cho nhà máy?
Việc tìm ra một loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế phù hợp với tập quán canh tác của nông dân vốn đã khó, nhưng tìm ra rồi để nó phát triển bền vững còn khó hơn nhiều. Câu chuyện về vùng sắn vẫn còn tiếp diễn, nếu tình trạng phát triển không theo quy hoạch, không theo nhu cầu của thị trường, làm theo kiểu phong trào, tràn lan chưa được chấn chỉnh kịp thời. Giá cả lúc lên lúc xuống, không chỉ khiến nông dân lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất mà nó còn để lại hậu quả nặng nề, đó là môi trường sẽ bị tác động, hệ thống cây trồng bị phá vỡ. Hơn hết, cần sự tạo dựng vững chắc từ "4 nhà", thì các nông sản mới phát triển bền vững, nâng cao đời sống của người nông dân. Các vùng quê mới có thể bứt phá đi lên trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn.
Văn Thông
Các tin khác
Thủ tướng vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch theo hướng nâng cấp, mở rộng quy mô một số cảng hàng không trên địa bàn cả nước. Theo đó, tiêu chí để các cảng hàng không quốc tế (CHKQT) khai thác hiệu quả không chỉ là quy mô của chính cảng hàng không đó, mà còn phụ thuộc vào việc các hãng hàng không sẽ bay đi và đến các CHKQT như thế nào?
Liên doanh giữa hai cổng mua bán trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam và trên thế giới: Chợ Điện Tử - eBay vừa thông báo ra mắt Cổng thương mại điện tử xuyên biên giới đầu tiên tại Đông Nam Á và thứ ba châu Á (sau Nhật Bản và Hàn Quốc) tại địa chỉ ebay.chodientu.vn và www.ebay.vn.
YBĐT - Là một trong 61 huyện khó khăn của cả nước, Trạm Tấu (Yên Bái) có diện tích đất tự nhiên trên 74.000 ha, trong đó chủ yếu là đất lâm nghiệp và đất trống chưa sử dụng, đất nông nghiệp chỉ chiếm 6%. Bên cạnh đó là địa hình phức tạp, ruộng nước, nương rẫy phân bố rải rác, giao thông khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, biến đổi phức tạp đã ảnh hướng rất lớn đến sản xuất nông - lâm nghiệp. Xuất phát từ điều kiện như vậy, trong những năm qua, huyện Trạm Tấu đã xây dựng nhiều chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm.
Nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời đầu tiên tại Việt Nam sẽ được khánh thành vào hôm nay 27.4 tại cụm công nghiệp Đức Hòa Hạ (H.Đức Hòa, tỉnh Long An).