Yên Bái: Giải pháp nào để phát triển rừng kinh tế?
- Cập nhật: Thứ ba, 19/5/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT- Với quyết tâm đưa lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, trong những năm qua tỉnh Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nghề rừng, nhất là trồng rừng kinh tế. Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh đã có trên 264 ngàn ha rừng trồng kinh tế, chiếm 52,9% diện tích đất lâm nghiệp.
|
Diện tích rừng thì nhiều và rừng đã trở thành nghề không thể thiếu đối với hàng vạn hộ dân, nhưng có một điều dễ nhận thấy là nhiều nơi người trồng rừng chưa thực sự sống được bằng nghề rừng!
Hàng năm, bà con nhân dân, các cơ sở chế biến trong tỉnh khai thác khoảng 200 ngàn m3 gỗ rừng trồng, trên 100 ngàn tấn tre, nứa vầu… 300.000 tấn quế khô, đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, ở nhiều nơi người dân vẫn không sống được bằng nghề rừng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là người dân trồng phân tán, nhỏ lẻ, giống kém chất lượng, năng suất thấp chưa tạo được khối lượng hàng hóa lớn.
Cùng với đó là giá trị của rừng chưa được quan tâm đúng mức, người dân trồng rừng tận gốc nhưng không phải lúc nào cũng bán được tận ngọn. Các thành phần kinh tế tham gia sản xuất lâm nghiệp như kinh tế hộ, kinh tế trang trại tuy đã hình thành, nhưng quy mô nhỏ, không đủ năng lực để đầu tư sản xuất hàng hóa, công nghệ chế biến còn lạc hậu. Chính những yếu tố đó đã ảnh hưởng đến người trồng rừng.
Để kinh tế đồi rừng phát triển, chúng ta cần xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và coi đây là một trong những giải pháp phát triển rừng sản xuất. Có thể nói, yếu tố chủ yếu để chi phối thị trường lâm sản là các nhà máy chế biến lâm sản và các khu công nghiệp lớn như các nhà máy giấy, ván nhân tạo. Nhưng do chúng ta quy hoạch vùng nguyên liệu phân tán nhỏ lẻ, nên có nhiều hộ trồng rừng quy mô nhỏ, không thể bán trực tiếp cho các nhà máy, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa dẫn đến sản phẩm rừng bị tư thương ép giá. Và phần lớn chúng ta vẫn chưa tạo được vùng nguyên liệu tương xứng với những nhà máy sẵn có.
Cần nâng cao chất lượng chế biến để tăng giá trị sản phẩm.
Để phát triển mạnh các cơ sở chế biến, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm rừng, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư, trong đó đặc biệt ưu đãi thuế đối với tổ chức, cá nhân các thành phần kinh tế khi tham gia mở các nhà máy chế biến. Trong thời gian qua, chúng ta đã quy hoạch và xây dựng nhiều nhà máy giấy, ván nhân tạo, song nhiều nơi còn xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu, một số nơi khác lại thừa nguyên liệu và tất cả những điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến người trồng rừng.
Đến nay, trên địa bàn có hai, ba nhà máy chế biến gỗ rừng trồng, với công suất 10-15 ngàn m3/năm, nhưng quy mô nhỏ, năng lực tài chính, kinh doanh hạn chế. Số nguyên liệu còn lại được các nhà máy, tư thương ở các vùng lân cận đến thu mua vận chuyển đi. Một phần nữa được chế biến thủ công tại các doanh nghiệp nhỏ, HTX và hộ cá thể. Từ đó đã làm giảm giá trị của kinh tế rừng.
Phát triển thị trường lâm sản cần xây dựng một chiến lược sản phẩm rõ ràng cho trồng rừng sản xuất, tập trung vào 3 nhóm chính như: Rừng gỗ nhỏ, rừng gỗ lớn, sản phẩm ngoài gỗ. Giảm lãi suất vốn vay ưu đãi đối với các xã vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khó khăn, dân trí thấp. Hiện tại, các nhà máy chế biến vẫn mang tính tự phát và tự điều chỉnh, thiếu ổn định cần có sự can thiệp của nhà nước bằng các chính sách để người trồng rừng an tâm sản xuất.
Chính sách tự chủ sản xuất kinh doanh và hưởng lợi từ sản phẩm trồng rừng cần sự thông thoáng để khuyến khích phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp. Khuyến khích nhiều thành phần tham gia vào thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng độc quyền mua bán trên thị trường. Người trồng rừng trực tiếp bán sản phẩm cho các cơ sở chế biến, không qua các tổ chức trung gian; các công ty lâm nghiệp, cơ sở chế biến nên hợp đồng hoặc liên doanh liên kết với các hộ gia đình để bao tiêu sản phẩm lâu dài.
P.V
Các tin khác
Sáng 18-5, Hội chợ triển lãm quốc tế nguyên phụ liệu, thời trang, máy móc ngành dệt may, da giày lần I tại Bình Dương được khai mạc tại Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu dệt may, da giày Liên Anh (khu Cụm công nghiệp Tân Bình, xã Tân Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
YBĐT - 4 tháng đầu năm 2009, lực lượng quản lý thị trường Yên Bái xử lý 88 vụ, phạt hành chính gần 108 triệu đồng, bán hàng tịch thu gần 200 triệu đồng, trị giá hàng tiêu huỷ 32,7 triệu đồng.
YBĐT - Vượt cầu Mậu A bắc qua sông Hồng, con đường trải nhựa đưa ta đến với cánh đồng Đại Phú An mầu mỡ. Mùa này lúa đang phơi màu, khắp nơi ngan ngát mùi thơm đặc trưng của giống chiêm hương đặc sản. Ít ai ngờ rằng cách đây 60 năm, trên vùng đất này từng diễn ra trận công đồn lịch sử đánh tan cứ điểm Đại Bục, Đại Phác mở màn cho chiến dịch Sông Thao năm 1949.
Dù chỉ tăng 2.000 đồng/chỉ trong sáng ngày 18/5 nhưng từng đó cũng đủ để giá vàng trong nước đạt mức cao nhất từ trước đến nay: 2,015 triệu đồng/chỉ.