Kinh tế chuyển biến, an sinh xã hội được đảm bảo

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/5/2009 | 12:00:00 AM

Lúc 9 giờ15 phút sáng nay, kỳ họp thứ 5 Quốc hội (QH) khoá XII đã khai mạc. Trước đó, các đại biểu QH đã đặt vòng hoa vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội.
Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội.

Sau diễn văn khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã báo cáo QH về các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Phó thủ tướng cho biết, bước vào năm 2009, nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn và thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chủ động đề ra các giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì mức tăng trưởng hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội. Chính phủ cho phép tạm hoãn thu hồi các khoản vốn đầu tư đã ứng trước của kế hoạch năm 2009 và tiếp tục cho tạm ứng thêm đối với các dự án cấp bách; kịp thời thực hiện một số biện pháp, miễn, giảm, giãn, điều chỉnh thuế suất và kéo dài thời gian nộp thuế, phí cho một số đối tượng; cho các doanh nghiệp khó khăn tạm thời được vay vốn; triển khai gói kích thích kinh tế 17 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn ngân hàng cho các doanh nghiệp…

Chính phủ khẳng định: “Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong những tháng đầu năm 2009 đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực”. Cụ thể, sau nhiều tháng suy giảm liên tục, đến tháng 2.2009, sản xuất công nghiệp bắt đầu tăng lên, cả quý I tăng 2,1%, tháng 4 tiếp tục tăng 5,4% và tính chung 4 tháng đầu năm tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2008. Thị trường trong nước tiếp tục được mở rộng, tổng mức lưu chuyển hàng hoá tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2008. Hầu hết doanh nghiệp khó khăn đã phục hồi sản xuất, thu hút lao động trở lại làm việc. Các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản vẫn được giữ vững. Lãi suất đã quay về mức của thời kỳ kinh tế ổn định…

Trong bối cảnh khó khăn nhưng Chính phủ vẫn đẩy mạnh công tác đảm bảo an sinh xã hội. Theo Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, trong 4 tháng đầu năm 2009, nhà nước đã chi cho các chính sách an sinh xã hội khoảng 16,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2008. Tổng doanh số cho vay ưu đãi các đối tượng chính sách xã hội trong quý I/2009 đạt trên 6,7 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong báo cáo của Chính  phủ, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng thẳng thắn chỉ ra 6 khó khăn và tồn tại cần phải khắc phục trong thời gian tới. Đó là, nhiều chỉ tiêu phát triển của các ngành sản xuất, kinh doanh tuy đã tăng dần trong tháng 4 và tháng 5 nhưng vẫn đạt thấp hơn mục tiêu kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; cán cân thanh toán tổng thể năm 2009 chưa vững chắc, có thể tác động bất lợi tới các cân đối vĩ mô khác; các chế độ, chính sách an sinh, xã hội triển khai chậm, lúng túng và còn có hiện tượng tiêu cực; công tác chỉ đạo, điều hành còn những yếu kém chưa được khắc phục nhất là khâu tổ chức thực hiện…

Ưu tiên số 1 cho việc ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Chính phủ nhận định, trong thời gian tới: “Cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu đang diễn biến phức tạp, khó lường và tiếp tục tác động tiêu cực đến nước ta”.

Phó thủ tướng thường trực cho biết, từ nay đến cuối năm 2009, Chính phủ tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội , quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong các mục tiêu trên, Chính phủ xác định ngăn chặn suy giảm kinh tế là mục tiêu hàng đầu.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ đã đề ra 5 vấn đề cần tập trung chỉ đạo, điều hành. Thứ nhất là tiếp tục thực hiện có hiệu quả các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Sử dụng tốt các gói kích cầu để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Theo Phó thủ tướng thường trực, Chính phủ sẽ tiếp tục mở rộng hình thức hỗ trợ lãi suất vay vốn cố định, mở rộng bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền hiện đại. Chính phủ xác định, tiếp tục phát triển thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất hàng tiêu dùng nội địa, nhất là thực phẩm đồ uống, dệt may, thuốc chữa bệnh, ưu tiên hỗ trợ ngành hành sản xuất có lợi thế thay thế hàng nhập khẩu; vận động dùng hàng Việt Nam, tổ chức bán hàng về Việt Nam về nông thôn. Đối với hàng xuất khẩu sẽ cơ cấu lại các mặt hàng, hướng vào các mặt hàng chế tạo, chế biến, phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới. Đặc biệt là chủ động ứng phó với chính sách bảo hộ mậu dịch của các đối tác thương mại… Để “khoan sức dân”, giúp các cơ sở sản xuất và người dân vượt qua khó khăn, Chính phủ đề xuất QH cho phép điều chỉnh về chính sách thuế.

Báo cáo của Chính phủ có một phần đề cập đến chủ trương đầu tư khai thác bauxit tại các tỉnh thuộc Tây Nguyên. Phó thủ tướng thường trực cho biết, Chính phủ sẽ triển khai Kết luận của Bộ Chính trị, hoàn chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxit giai đoạn 2007 – 2015 có tính đến năm 2025. Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản triển khai các dự án bauxit tại Tân Rai và Nhân Cơ, xử lý tốt các vấn đề về công nghệ, lao động nước ngoài, hoàn thổ, trồng rừng, đền bù tái định cư, đảm bảo lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của đất nước, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh, quốc phòng.

Trong báo cáo do Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trình bày, Chính phủ đã kiến nghị QH cho phép được điều chỉnh một số chỉ tiêu cho phù hợp với bối cảnh hiện tại. Chính phủ xin phép được điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 từ khoảng 6,5% xuống còn khoảng 5%; điều chỉnh chỉ tiêu tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP từ 4,82% lên không quá 8%. Chính phủ xin QH cho phép điều chỉnh bổ sung mức phát hành trái phiếu Chính phủ thêm 20.000 tỷ đồng; sửa đổi bổ sung một số chính sách về thuế thuộc thẩm quyền của QH; sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan đến đấu thầu xây dựng cơ bản.

(Theo TNO)

Các tin khác
Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham gia lễ thông đường hầm kỹ thuật.

YBĐT - Khí thế hào hùng của 55 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 34 năm Ngày giải phóng miền Nam và đặc biệt là kỷ niệm 119 năm Ngày sinh của Bác, là động lực để những người thợ trên công trường Thủy điện Mường Kim tại xã Hồ Bốn (Mù Cang Chải - Yên Bái) thi đua lao động, lập thành tích cao nhất để làm ra dòng điện quý giá, phục vụ CNH – HĐH vùng Tây Bắc và đất nước.

YBĐT - Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái, tính đến ngày 13/5/2009, toàn tỉnh đã có trên 1.439 ha lúa xuân bị nhiễm bệnh (chiếm 8,3% diện tích gieo cấy), trong đó đáng chú ý là dịch rầy nâu, rầy lưng trắng với diện tích trên 935ha.

Quốc hội cũng sẽ đánh giá hiệu quả các gói kích cầu của Chính phủ.

Đề nghị điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng từ 6,5% xuống còn 5% cho cả năm 2009, cùng việc miễn, giảm hay giãn thuế thu nhập cá nhân sẽ được Quốc hội quyết định trong kỳ họp thứ năm, khai mạc sáng 20/5 tại Hà Nội.

Trước thực trạng đất nông nghiệp đang ngày càng bị chuyển đổi mục đích sử dụng, như làm sân golf, khu công nghiệp, khu đô thị mới, nhiều nơi “xé” cả quy hoạch về diện tích đất trồng lúa, về lâu dài có thể gây ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, Bộ NN-PTNT vừa hoàn thiện dự thảo quy hoạch tổng thể sử dụng đất lúa trên cả nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục