Thác Bà - Đất lành chim đã trở về!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/5/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - ...Cách đây vài năm, từng đàn cò trắng đã về sinh sống trên hồ với số lượng vài nghìn con. Những chú cò lội bì bõm bên mép hồ Thác Bà (Yên Bái) hay chao lượn từng đàn lớn trên mặt nước hồ xanh thẳm, thực sự tạo ấn tượng bất ngờ, thích thú cho du khách...

Đất lành, chim đã trở về
Đất lành, chim đã trở về

Du khách tham quan hồ Thác Bà không chỉ được chiêm ngưỡng thuỷ điện Thác Bà; sự lung linh huyền ảo của động Thuỷ Tiên, động Xuân Long và tìm hiểu nét văn hoá truyền thống đặc sắc của cư dân ven hồ..., hơn thế, họ còn được ngắm những cánh cò trắng chao nghiêng trên mặt hồ, rất thơ mộng và thanh bình.

Ông Hà Chiến – Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Yên Bình:

Để bảo vệ đàn cò, Chi cục Kiểm lâm Yên Bình sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân; phối hợp với cơ quan chức năng quản lý tốt các loại vũ khí quân dụng,  đồng thời nghiêm cấm việc săn bắn trên vùng hồ. Về lâu dài, phải tiến hành xây dựng các mô hình rừng trồng bền vững, để cò có nơi trú ngụ. Tuy nhiên, để công tác bảo vệ đàn cò nói riêng và các loài động vật hoang dã nói chung, kiến nghị tỉnh và trung ương có chế tài quản lý chim, thú, chứ không riêng động vật quý hiếm như hiện nay.

Được ví là “Hạ Long trên núi”, với tổng diện tích trên 23 ngàn ha, trong đó có trên 19.000 ha mặt nước và 1.300 hòn đảo lớn nhỏ, Thác Bà  có một hệ sinh thái vô cùng phong phú. Dưới nước, tôm cá tung tăng bơi lội từng đàn, nhiều đến nỗi đến mùa cá vật đẻ như trâu đằm. Thuỷ sản là nguồn sinh sống của hàng ngàn hộ dân ven hồ với sản lượng đánh bắt hàng năm lên đến hàng  nghìn tấn. Trên bờ, thực vật phát triển phong phú, với nhiều loài cây quí hiếm, động vật hoang dã như: lợn rừng, báo, hươu, nai, cầy cáo... cũng chọn nơi đây là nơi trú ngụ. Đáng tiếc, sau nhiều năm khai thác theo kiểu huỷ diệt, hệ sinh thái trên hồ bị xâm hại nghiêm trọng, nguồn lợi về kinh tế trên hồ cũng dần cạn kiệt.

Xác định giá trị to lớn mà hồ Thác Bà mang lại, những năm gần đây, tỉnh và huyện Yên Bình đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư nhằm bảo tồn phát huy, khai thác thế mạnh của hồ Thác. Từ việc giao đất giao rừng, những hòn đảo đã xanh trở lại. Cùng với việc thả cá giống, do tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý mà việc khai thác theo kiểu huỷ diệt như: đánh mìn, xung điện, lưới vét… đã giảm.

Ông Vũ Phúc Thịnh -  lái tàu khách du lịch trên hồ Thác Bà

 

Thường xuyên đưa khách đến các điểm du lịch, tôi thấy du khách rất thích thú khi chứng kiến những đàn cò trắng chao lượn trên mặt nước hay kiếm ăn trên hồ. Theo tôi, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần có những biện pháp  cấp bách và lâu dài để bảo vệ đàn cò.

Sinh thái trên hồ tốt hơn là điều kiện để các các loài cá, chim thú có cơ hội quay về sinh sống, trong đó có loài cò trắng. Cách đây vài năm, từng đàn cò trắng đã về sinh sống trên hồ với số lượng vài nghìn con. Những chú cò lội bì bõm bên mép hồ, hay chao lượn từng đàn lớn trên mặt nước hồ xanh thẳm, thực sự tạo ấn tượng bất ngờ, thích thú cho du khách.

  Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là cò về, hồ Thác Bà lại là địa điểm tụ tập của những thợ săn vì nhiều người đã coi việc săn bắn chim thú là thú vui, dùng súng hơi, súng thể thao, bẫy... để săn bắn triệt hạ đàn cò một cách không thương tiếc. Buồn hơn, trong đó có nhiều  thợ săn là cán bộ, công chức, viên chức!

Hồ Thác đất lành, chim trời đã trở về! Bảo vệ đàn cò, để đàn cò là một yếu tố trong phát triển du lịch, bảo vệ sinh thái trên hồ Thác là vấn đề đặt ra cấp thiết đối với các cơ quan quản lý, cũng như người dân địa phương!

P.V

 

Người bảo vệ đàn cò trên hồ Thác Bà

 

Đảo quế của anh Lê Tiến Phương - nơi đàn cò về trú ngụ.

Mấy năm gần đây, cò trắng về trên hồ Thác Bà ngày càng nhiều. Để chúng có nơi trú ngụ, có những chủ rừng, chủ trang trại khu vực hồ Thác đã không quản ngại khó khăn, thầm lặng để bảo vệ đàn cò. Một trong số đó là anh Lê Tiền Phương, người xã Thịnh Hưng (huyện Yên Bình).

Anh Phương chèo thuyền đưa chúng tôi  ra nơi cò tụ tập thành đàn lớn, tạm gọi là đảo cò. Từ khu vực đội 7 thuộc Công ty cổ phần Chè Văn Hưng, mất khoảng 20 phút ngồi thuyền nan, chúng tôi tới đảo.

Khu vực cò về trú ngụ là đảo trồng  quế, một trong 30 đảo lớn nhỏ của anh Phương. Cò chọn đảo quế vì cây quế có nhiều cành nhỏ, cò có thể cắp cành cây nhỏ về đan thành tổ.  Hàng năm, cứ từ 15  tháng 3 Âm lịch là cò về. Có lẽ do thời gian này nước hồ cạn, cò dễ tìm kiếm thức ăn. Là người yêu thiên nhiên nên khi thấy cò về sinh sống trên đảo, anh Phương bảo vệ ngay, không cho những người làm công, người lạ đến gần đảo. Anh bảo: “Thác Bà có hàng nghìn hòn đảo, cò lại chọn đúng nơi này để làm tổ, đây là "lộc” của trời  ban tặng, mình cần phải giữ gìn! Mình bảo vệ đàn cò không phải cho bản thân mà muốn giữ gìn cho cộng đồng. Chỉ mong các cấp chính quyền có những biện pháp cấm việc săn bắn và mỗi người dân hay có ý thức bảo vệ đàn cò!”.

Lên thăm đảo cò, tiếng cò lên xuống trong tán quế ào ào. Dưới gốc cây, những vỏ trứng xanh nhạt của lứa cò con mới nở rơi đầy. Đảo có diện tích khoảng gần 1 ha, anh Phương trồng khoảng 250 cây quế, đến nay quế đã gần 20 năm tuổi.

Quan sát, chúng tôi thấy cây quế nào cũng có từ hai đến ba tổ, thậm chí có cây tới bốn, năm tổ. Như vậy, trên đảo hiện cũng có ít nhất 500 tổ cò. Anh Phương cho biết: “Cò đến cư  trú từ giữa tháng 3 đến tháng 7 Âm lịch. Trong khoảng thời gian này, mỗi đôi cò đẻ hai lứa, mỗi lứa trung bình bốn trứng”. Như vậy, một năm trên đảo quế của anh Phương có hàng ngàn chú cò con ra đời.

Đàn cò đến trú ngụ thực sự là niềm vui, nhưng bên cạnh đó cũng thêm  nỗi bận bịu. Đảo trồng quế là nơi anh Phương làm nhà để trông coi rừng, cò về làm tổ, tiếng kêu quang quác náo loạn cả một vùng. Hơn thế, phân và thức ăn thừa là các loại tôm, cá... rơi xuống tanh hôi rất khó chịu, nhất là về mùa hè. Nhiều người bảo: “Ông này hâm! Hôi thối thế mà vẫn chịu được!”. Nghe vậy, anh Phương chỉ cười. Khổ hơn, mỗi khi mưa bão, cò con  bị  gió làm rơi xuống đất, anh lại phải lọ mọ nhặt từng chú, sau đó dùng cây sào đưa chúng lên tổ. Có trận bão, cò con rơi xuống nhiều, bố mẹ bỏ, anh phải chặt nứa đan chuồng, mỗi ngày thả vài chục rọ tôm lấy thức ăn về nuôi. Đàn cò cứ thế lớn dần, đủ lông cánh biết bay,  nhưng thả ra mà không chịu đi, cứ loanh quanh ở đảo cả chục ngày trời. Sau cả tháng, xua đuổi mãi chúng mới chịu theo đàn bay đi. Nhiều người trêu, đúng là “Công anh bắt tép nuôi cò...”.

Theo dõi mấy năm nay, mỗi mùa cò lại về nhiều hơn, điều này chứng tỏ, sinh thái vùng hồ đã tốt lên! Cò về, nhiều người dân gần đó đến xin bắt cò con, hay nhặt trứng, nhưng anh Phương kiên quyết không cho, cho dù phải chịu mếch lòng. Nhưng tệ hơn, nhiều người dùng súng hơi, súng thể thao, bẫy để bắt cò. Vì vậy, ngày ngày anh Phương lại bơi chiếc thuyền nan  nhỏ ra các đảo để kiểm tra. Anh trăn trở, mình có 50 ha rừng ở trên 30 đảo lớn nhỏ, vì vậy ai lên đảo săn bắn thì mình ngăn được, nhưng cò thường hay ăn xa nên việc bị săn bắn là khó tránh khỏi. Buồn nhất là đàn cò sợ bay đi không quay trở lại!. 

Các tin khác

Với công suất khả dụng trong suốt tháng 5 và nửa đầu tháng 6 tới dự kiến dao động ở mức 3.800 - 4.100 MW (chưa kể công suất nhận trên đường dây 500 kV Bắc - Nam), hệ thống điện miền Bắc có thể thiếu công suất đỉnh từ 200 đến 400 MW vào những ngày đặc biệt nóng.

YBĐT - Để đồng vốn đến tay người dân đạt hiệu quả cao, cán bộ ngân hàng Chính sách xã hội Trạm Tấu (Yên Bái) phải thị sát địa hình để tìm mô hình cho vay hiệu quả theo từng địa bàn cũng như nhu cầu vay vốn của người dân.

Đồng chí Phạm Duy Cường (thứ 2 từ phải sang) nghe chủ đầu tư Dự án thủy điện Ngòi Hút 2 báo cáo tiến độ thi công.

YBĐT - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Phạm Duy Cường kiểm tra tiến độ thực hiện dự án thủy điện Văn Chấn, Ngòi Hút 1, Ngòi Hút 2 ngày 20.5.2009. Đồng chí trao đổi với các nhà đầu tư, Chính phủ thực hiện các chính sách kích cầu đầu tư là cơ hội vàng cần nắm bắt triệt để, đẩy nhanh tiến độ, nhanh chóng đưa dự án vào hoạt động.

Người dân thôn Bó Mạ và Loong Xe đang cùng với lực lượng dân quân nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên thôn Bó Mạ - Loong Xe.

YBĐT - Với mục tiêu tiếp tục phát triển giao thông góp phần đẩy nhanh kinh tế - xã hội địa phương phát triển, trong những năm qua, phong trào làm đường giao thông nông thôn ở Lục Yên (Yên Bái) đã trở thành việc làm thường xuyên của nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục