Mù Cang Chải: Hiệu quả từ Dự án Chia Sẻ

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/6/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Dự án Chia Sẻ là dự án do chương trình hợp tác của Chính phủ Thuỵ Điển tài trợ cho Việt Nam. Mục tiêu của Dự án nhằm nâng cao đời sống cho người dân địa phương một cách bền vững. Đây cũng là điều kiện tốt để hộ nghèo vùng cao, vùng đồng bào dân tộc được tiếp cận trực tiếp với nguồn tài trợ.

Sau hơn 5 năm triển khai ở Mù Cang Chải, Dự án với tổng vốn đầu tư trên 66 tỷ đồng, đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân nơi đây nâng cao dân trí, ổn định cuộc sống,  từng bước xoá đói giảm nghèo.

Đối với Dự án Chia Sẻ, khác với các dự án khác là phương pháp tiếp cận yêu cầu công khai, minh bạch trong việc lập kế hoạch sử dụng vốn. Việc phân cấp, trao quyền quyết định đầu tư đều phân quyền cho cơ sở theo cơ chế phân cấp quản lý đến cấp xã, đến thôn, bản. Người dân được tham gia lập kế hoạch, giám sát công trình và quyết định việc sử dụng nguồn lực ở địa phương.

Ông Hà Văn Đôn - Phó chủ tịch UBND huyện, Giám đốc Dự án Chia Sẻ của huyện cho biết: "Thời gian đầu, Dự án chỉ đầu tư vào 2 lĩnh vực chính, đó là giáo dục và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên. Năm 2006, Dự án mở rộng lên 6 lĩnh vực bao gồm: quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên; giáo dục và đào tạo; y tế; xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ; sản xuất tạo thu nhập và an sinh xã hội. Năm 2004, Dự án triển khai ở 7 xã gồm: La Pán Tẩn, Mồ Dề, Cao Phạ, Nậm Có, Nậm Khắt, Kim Nọi, Khao Mang.

Năm 2007, thêm 2 xã nữa được đầu tư là Hồ Bốn và Púng Luông. Đối với ban quản lý từ huyện đến cấp xã, vừa qua đã đánh giá hiệu quả và tính bền vững của Dự án là một điều đáng ghi nhận. Mặt khác, cũng thấy rằng trình độ cán bộ tham gia ban quản lý dự án từ huyện đến xã cũng được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, do yêu cầu của dự án là rất cao, đòi hỏi cán bộ phải có kỹ năng quản lý tài chính, đọc, viết báo cáo, ghi chép làm việc theo nhóm...

Một số vị trí làm việc khác còn đòi hỏi kiến thức chuyên ngành như: xây dựng, tài chính kế toán, truyền thông, giám sát... Mặc dù vậy, cán bộ nhìn chung đã đáp ứng khá tốt các yêu cầu của Dự án đề ra..."

Qua tìm hiểu hoạt động của Dự án cho thấy, hàng năm vốn đầu tư của dự án đều tăng nhanh. Năm 2004, ngồn vốn đầu tư đạt 3 tỷ 195 triệu đồng; năm 2005 tăng lên 10 tỷ 593 triệu đồng; năm 2006 đạt 19 tỷ 186 triệu đồng; năm 2007 là 14 tỷ 604 triệu đồng và năm 2008 đạt tới 19 tỷ 383 triệu đồng.

Hết tháng 3 năm 2009, tổng số tiền đầu tư của Dự án đạt 66 tỷ 964 triệu đồng. Dự án đã thực hiện trên lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng 188 công trình gồm: hội trường thôn, tu sủa và làm mới đường liên thôn bản, xây dựng kênh mương nội đồng, trạm y tế, nhà bán trú cho học sinh, hệ thống loa truyền thanh. Lĩnh vực giáo dục đã được Dự án tổ chức mở hàng trăm lớp tập huấn về xoá mù chữ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cho trên 1.000 lượt hộ.

Lĩnh vực liên quan đến môi trường, Dự án đã đầu tư làm mới 1.133 nhà vệ sinh cho hộ dân; 498 chuồng lợn; 125 chuồng trâu bò; hướng dẫn trồng 345 ha cỏ vừa làm thức ăn cho gia súc vừa chống sói mòn đất; đầu tư cho khai hoang mới 302,7 ha ruộng nước; xây dựng và tu sửa 25 công trình nước sạch vệ sinh môi trường...

Ông Sùng A Lử - Chủ tịch UBND xã Nậm Có cho biết: Dự án Chia Sẻ đầu tư cho xã, nhân dân phấn khởi lắm. Hiện nay chúng tôi đã có 5 nhà sinh hoạt cộng đồng, một cầu cứng từ UBND xã đi bản Tu Sang; tuyến đường từ trung tâm xã đi Lùng Cúng, Phình Ngài dài trên 20 km; đường từ Bản Chao xã Tú Lệ (huyện Văn Chấn) đến bản Đá Đen dài 15 km, công trình nhà mầm non ở thôn Nậm Pản; lớp học ở bản Thào Chua Chải, bản Đá Đen...”. Nhân dân còn được Dự án cấp trâu, làm nhà vệ sinh... Dự án đầu tư  cho địa phương, đã góp phần quan trọng để Nậm Có mỗi năm giảm được 6% hộ nghèo.

Mặt khác, có Dự  án, dân vừa có việc làm lại được hưởng lợi từ các công trình. Hiện nay do được học qua các chương trình tập huấn cây trồng, vật nuôi, nhận thức của nhân dân trong xã cũng được nâng lên rõ rệt. Người dân đã ý thức hơn trong sinh hoạt và đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường, đây là điều kiện tốt để bà con từng bước xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống...

Hiệu quả của Dự án Chia Sẻ ở Mù Cang Chải đã được khẳng định và người dân mong rằng Dự án tiếp tục kéo dài giai đoạn 2 để góp phần hơn nữa cho việc thúc đẩy công tác xoá đói giảm nghèo ở địa phương.

Thái Hưng

Các tin khác

YBĐT - Đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB)là một lĩnh vực phức tạp. Nhưng xã Minh Quân, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã tìm cho mình cách làm khá hiệu quả.

Giá vàng tiếp tục lập kỷ lục cao mới.

Giá vàng miếng trong nước sáng 1/6 lại tăng mạnh và tiếp tục lập kỷ lục cao mới cho dù liên tiếp gây bất ngờ vào cuối tuần trước.

Cán bộ Chi cục thuế Văn Yên đôn đốc thu nộp thuế.

YBĐT - Năm 2009, huyện Văn Yên được tỉnh Yên Bái giao thu ngân sách (tính cả chỉ tiêu cân đối) là 19 tỷ 250 triệu đồng và huyện phấn đấu thực hiện 20 tỷ 750 triệu đồng. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề vì cơ cấu kinh tế địa phương chủ yếu là nông lâm nghiệp, do đó nguồn thu rất hạn hẹp. Tuy nhiên, phát huy truyền thống nhiều năm qua luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với kết quả thu ngày càng cao, Chi cục Thuế Văn Yên đã tăng cường mọi biện pháp đẩy mạnh công tác quản lý thu thuế để hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra.

Sau 2 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã thực hiện 3 đợt cắt giảm thuế lớn để thực hiện cam kết WTO với khoảng 1.800 dòng thuế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục