Xoá đói giảm nghèo tại Cao Phạ: Hiệu quả thấp do trì trệ

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/6/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - 71% số hộ nghèo (đã giảm 13% trong năm 2008) là con số nói lên tất cả thực trạng đời sống kinh tế - xã hội của người dân Cao Phạ. Con số này sẽ khiến rất nhiều cơ quan có trách nhiệm phải nhìn lại công tác xoá đói giảm nghèo tại các xã, thị trấn vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái).

Diện tích đất nông nghiệp không phải là ít, nguồn lao động tương đối dồi dào, giao thông đi lại thuận lợi hơn rất nhiều so với các địa phương ở Mù Cang Chải, nhưng tại sao Cao Phạ vẫn đang lúng túng với bài toán giảm nghèo? Đâu là nguyên nhân chính. Trước hết, đó là do Đảng bộ, chính quyền xã chưa làm tốt việc vận động người dân đầu tư thâm canh tăng vụ cũng như chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đưa các loại cây con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Nếu như đối với các xã vùng thấp, hình thức canh tác 2 vụ lúa, 1 vụ mầu đã được triển khai từ rất lâu thì hiện nay tại Cao Phạ vẫn 1 vụ lúa, 1 vụ mầu.

Chênh lệch giữa diện tích vụ xuân và vụ mùa rất lớn, do thiếu nước, thời tiết bất lợi khiến bà con không thể canh tác thì còn do “căn bệnh” chưa quyết tâm tăng vụ của các bản vùng thấp. Đây là một sự lãng phí quá lớn ở vùng cao. Thêm vào đó, do gieo trồng theo tập quán cũ, việc chăm sóc lúa, công tác phòng trừ dịch bệnh chưa được quan tâm đúng mức nên năng suất đạt thấp (năng suất giống lúa lai mới đạt 38 tạ/ ha, lúa địa phương cũng chỉ đạt gần 30 tạ/ ha, còn lúa nương là 11,5 tạ/ ha). Diện tích các loại cây rau màu cũng rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của xã. Đến nay, Cao Phạ mới chỉ có 140 ha ngô, 32 ha sắn, 8 ha đao riềng và 5 ha rau các loại.

Ông Lý A Lử - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: xã có 204 ha lúa nước, 80 ha lúa nương nhưng chỉ chưa đến 60% diện tích đưa được giống lúa lai có năng suất cao vào gieo trồng, 40% còn lại là giống lúa thuần địa phương. Đảng bộ, chính quyền xã đã tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền vận động nhưng đến nay việc sản xuất của bà con vẫn chủ yếu là tự cung tự cấp nên mặc dù diện tích trồng giống lúa nếp Tan trên địa bàn xã khá lớn nhưng chưa thành sản phẩm hàng hóa.

Các cơ quan chức năng của huyện đều tổ chức rất nhiều lớp tập huấn kiến thức nông nghiệp nhưng do trình độ dân trí thấp nên việc thâm canh tăng vụ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên địa bàn xã chưa đạt hiệu quả cao. Để dần dần tháo gỡ những khó khăn, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, xã sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn người dân chuyển đổi một phần diện tích đất sản xuất thiếu nước sang trồng các loại rau màu như: ngô, sắn, đậu tương, đao riềng, khoai các loại... phấn đấu, năng suất lúa trung bình sẽ đạt trên 40tạ/ ha, thu nhập bình quân đạt trên 3 triệu đồng/ người/ tháng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 50%... Tuy nhiên, đó mới chỉ là "hướng" còn thực hiện thế nào thì phải bàn sau.

Ngoài những hạn chế trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, chỉ đạo bà con tập trung canh tác lúa, việc phát triển chăn nuôi và sử dụng các nguồn vốn vay của bà con cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thông qua các tổ chức đoàn thể như: Đoàn thanh niên xã, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, xã Cao Phạ đã được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho 442 lượt đoàn viên và hội viên vay gần 3,8 tỷ đồng để phát triển sản xuất.

Được hỗ trợ vay vốn nhưng một số hộ dân cũng không mấy mặn mà, việc tổ chức gieo trồng, chăm sóc, phát triển chăn nuôi chủ yếu mang tính hình thức gượng ép. Thêm vào đó, tập quán thả rông gia súc và ý thức chủ quan trong công tác phòng trừ dịch bệnh cũng như giữ ấm cho trâu, bò cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế trang trại tại địa phương.

Đến nay, toàn xã có  910 con trâu, 160 con bò, 2.650 con lợn, 374 con dê, 190 con ngựa và hàng ngàn con gia cầm các loại, nhưng xã vẫn chưa xây dựng được một mô hình kinh tế trang trại nào có giá trị kinh tế cao. Thu nhập bình quân đầu người cũng vì thế chỉ đạt khoảng từ 2 - 2.5 triệu đồng/năm.

Để từng bước ổn định cuộc sống, xoá đói giảm nghèo, vấn đề cần được Đảng bộ và chính quyền Cao Phạ quan tâm hơn cả đó là, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục tư tưởng đổi mới cho nhân dân. Chỉ khi nào, người dân tự ý thức được việc phải tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và thực sự quyết tâm vượt lên đói nghèo... thì công tác xoá đói giảm nghèo tại Cao Phạ mới thu được kết quả.

Đức Thành

Các tin khác
Phơi ván gỗ ở Lương Thịnh (Trấn Yên).

YBĐT - Những năm gần đây, nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh lâm nghiệp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã rà soát quy hoạch đất rừng sản xuất giao quyền làm chủ cho người dân; khuyến khích nhiều thành phần tham gia trồng rừng; từng bước quy hoạch trồng rừng gắn với chế biến. Hàng năm, các cơ sở chế biến trên địa bàn khai thác khoảng 50- 60 ngàn m3 gỗ rừng trồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Giá vàng trong nước sáng nay (17/6) tăng 5.000 đồng/chỉ so với giá áp dụng cuối buổi sáng hôm qua, nhờ giá vàng thế giới trải qua một phiên phục hồi nhẹ. Giao dịch trên thị trường vàng miếng chưa có sự chuyển biến nào lớn, dù mốc giá 21 triệu đồng/lượng đã không còn.

Ngày 16/6, Ngân hành Nhà nước và Ngân hàng thế giới (WB) đã ký hiệp định tín dụng cấp 202 triệu USD tín dụng ưu đãi, giúp Việt Nam tăng nguồn cung điện cho lưới điện quốc gia từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Nông dân huyện Yên Bình thu hoạch lúa xuân.

YBĐT - Vụ xuân năm 2009, Hội Phụ nữ huyện Yên Bình (Yên Bái) đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện và Trung tâm Xúc tiến việc làm Tỉnh hội phụ nữ triển khai thử nghiệm mô hình bón phân viên nén dúi sâu tại 3 xã: Đại Minh, Hán Đà và Vũ Linh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục