Kết quả triển khai Đề án “Tuyên truyền chính sách thuế trong trường học” giai đoạn I
- Cập nhật: Thứ hai, 6/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đề án “Tuyên truyền chính sách thuế trong trường học tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008 - 2010” đã được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt từ ngày 5/5/2008. Mục tiêu của Đề án là nhằm tuyên truyền sâu rộng chính sách, pháp luật thuế vào hệ thống trường học để mỗi học sinh, sinh viên hiểu rõ vai trò của thuế đối với sự phát triển của đất nước, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên. Qua triển khai thí điểm giai đoạn I (năm học 2008 - 2009) đã đạt được một số kết quả nhất định.
Kế hoạch giảng dạy thí điểm Đề án giai đoạn I có 1.316 tiết giảng, được áp dụng với 45 trường ở các bậc học mầm non, lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Đến hết tháng 5/2009 đã có gần 1.300 tiết giảng dạy về thuế, đạt gần 100% kế hoạch đề ra.
Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo các trường trên địa bàn triển khai giảng dạy đúng kế hoạch, tổ chức tốt việc dự giảng, đánh giá, rút kinh nghiệm. Đội ngũ giáo viên đã chủ động nghiên cứu tài liệu, soạn giáo án, sưu tầm và chuẩn bị khá đầy đủ đồ dùng giảng dạy, tranh ảnh minh hoạ và dẫn chứng nhiều ví dụ sinh động cùng với sự tâm huyết đã chuyển tải đến học sinh, sinh viên những khái niệm dễ hiểu, dễ nhớ về pháp luật thuế. Với phương pháp giảng dạy , bằng cách chia nhóm thảo luận, đã giúp cho học sinh phát huy được tính tư duy, sáng tạo trong việc tiếp thu bài giảng.
Một số trường còn tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động ngoại khoá. Các chương trình sân khấu hoá như: “Chúng em tìm hiểu pháp luật thuế” của Trường Tiểu học Nguyễn Phúc, chương trình “Rung chuông vàng” với nội dung tìm hiểu pháp luật thuế của trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong (thành phố Yên Bái) đã thu hút sự chú ý của giáo viên và hàng ngàn học sinh. Nhiều trường còn xây dựng các tiểu phẩm vui, hài hước, nhưng xúc tích, với lối diễn đạt hồn nhiên, những câu thoại ngắn gọn, dí dỏm đã chuyển tải đến học sinh một lượng kiến thức khá phong phú về thuế, mang lại hiệu quả tuyên truyền cao.
Việc triển khai Đề án dưới nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn đã giúp cho học sinh, sinh viên có những hiểu biết ban đầu khá tốt về chính sách thuế. Qua 4.911 phiếu khảo sát về kết quả triển khai giai đoạn I cho thấy, đại đa số các ý kiến cho rằng việc đưa kiến thức thuế vào giảng dạy trong nhà trường là có hiệu quả. Vừa qua, tổ chức Jica (Nhật Bản) đã tham gia dự giảng tại 5 trường và đánh giá cao về chất lượng, phương pháp và nội dung tuyên truyền của Đề án tại Yên Bái. Đồng thời, lấy Đề án làm trọng tâm để triển khai tại Việt Nam.
Kết quả bước đầu của việc triển khai giai đoạn I đã ghi nhận nhiều cố gắng của giáo viên và học sinh. BCĐ thực hiện Đề án tỉnh đã trao 34 bằng khen cho 10 tập thể và 24 cá nhân, Sở Giáo dục – Đào tạo cũng trao giấy khen cho hơn 30 thầy, cô giáo đạt nhiều thành tích trong đợt triển khai này.
Tuy nhiên, do Đề án lần đầu tiên được triển khai tại Yên Bái nên cũng bộc lộ những tồn tại nhất định. Một số BCĐ cấp huyện chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, chưa sâu sát thực tế ở cơ sở, chưa dự giảng đầy đủ để đánh giá rút kinh nghiệm các tiết học. Một số trường chưa nghiêm túc xây dựng kế hoạch lên lớp và giảng dạy theo qui định, nhất là các trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.
Một số ít giáo viên chuẩn bị bài giảng còn sơ sài, thiếu kiến thức mở rộng, giáo cụ giảng dạy, hình ảnh minh hoạ còn nghèo nàn nên chất lượng truyền đạt kiến thức còn hạn chế. Nội dung tài liệu còn dài, sử dụng nhiều thuật ngữ kinh tế, nhưng không có giải thích nên gây khó khăn cho giáo viên. Ví dụ minh họa hầu như không có, đề mục chưa chính xác, gây nhầm lẫn cho giáo viên và học sinh. Sự phân chia bài giảng có bậc học chưa hợp lý, lượng kiến thức đưa vào có bài còn ít, có bài lại quá dài so với thời lượng 1 tiết giảng.
Để Đề án triển khai giai đoạn 2 (2009 - 2010) đạt được mục tiêu là 100% trường học và học sinh trên địa bàn toàn tỉnh được tiếp cận với chính sách thuế, BCĐ Đề án cấp tỉnh đang xây dựng chương trình, kế hoạch để làm căn cứ chỉ đạo thực hiện đối với BCĐ cấp huyện. Tiếp thu ý kiến đóng góp để bổ sung, chỉnh lý nội dung tài liệu cho phù hợp với kiến thức của từng bậc học và thời lượng giảng dạy của tiết học. Đồng thời, phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức các chương trình sinh hoạt ngoại khoá đối với học sinh, sinh viên và thanh, thiếu niên các xã, phường, thị trấn. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Giáo dục- Đào tạo và các trường học xây dựng hệ thống panô tuyên truyền tại các trường để giúp học sinh, sinh viên củng cố thêm kiến thức đã học.
Với kết quả đã đạt được qua triển khai giai đoạn I, cùng với những kinh nghiệm được rút ra sẽ là những bài học quí báu để Đề án tiếp tục triển khai giai đoạn II đạt được hiệu quả.
Linh Nhung
Các tin khác
YBĐT - Là một trong 15 xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái), Phúc Sơn có 9 thôn, bản với 1.231 hộ, gồm 4 dân tộc là Thái, Mường, Kinh và Hoa. Đời sống của nhân dân chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp và một phần từ rừng nên còn nhiều thiếu thốn. Đến hết năm 2008, xã còn gần 50% hộ nghèo. Chính vì vậy, việc phát huy nội lực, vươn lên xóa đói giảm nghèo luôn được đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.
Việc mua sắm, trang bị xe công chỉ được thực hiện sau khi đã sắp xếp lại, điều chuyển sử dụng có hiệu quả số xe hiện có nhưng vẫn không đủ phương tiện đi lại để phục vụ công tác.
Giá phôi thép thế giới đang nhích lên. Giá thép trong nước có thể sẽ lại tăng theo “nhiệt độ” của thị trường nhưng theo nhiều chuyên gia ngành thép, doanh nghiệp tăng giá trong bối cảnh này không chừng là tự mình làm khó mình!
Bộ Tài chính vừa ban hành biểu phí mới đối với các hoạt động chứng khoán. Theo đó, mức cao nhất lên tới 100 triệu đồng thuộc về phí bảo lãnh phát hành chứng khoán.