Trúc Lâu: Phát triển chăn nuôi lợn quy mô lớn
- Cập nhật: Thứ ba, 7/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tận dụng nguồn sản phẩm nông nghiệp tại địa phương, từ nhiều năm nay, xã Trúc Lâu (huyện Lục Yên - Yên Bái) đã khuyến khích nhân dân tập trung mở rộng phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình chăn nuôi lợn ở đây đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Giống lợn siêu nạc. (Ảnh: Trường Phong)
|
Đến thăm gia đình anh Nguyễn Thanh Khôi ở thôn Trung Tâm, đây là mô hình trang trại chăn nuôi lợn lớn nhất trên địa bàn xã với tổng đàn 170 con lợn. Toàn bộ hệ thống chuồng trại khá qui mô với 18 ô. Trước kia, gia đình anh sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng. Khi đã tích cóp được một số vốn kha khá, anh định đầu tư mua ô tô để chở hàng. Nhưng nhận thấy nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi tại địa phương, anh đã quyết định đầu tư vào nuôi lợn. Để có kiến thức cơ bản về chăn nuôi, anh đã dành nhiều thời gian đi tìm, tham khảo những mô hình trang trại lớn và có tiếng, gần thì ngay huyện Yên Bình và ở xa thì tận huyện Bảo Yên (Lào Cai) hay Đoan Hùng (Phú Thọ), thậm chí đi tận Nam Định, Thái Bình.
Sau khi được tận mắt chứng kiến cách thức làm ăn ở nhiều nơi, anh đã về vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư xây trang trại. Lứa lợn đầu tiên anh nuôi đúng vào đợt dịch lở mồm long móng đang lan rộng. Nhiều người e ngại đã khuyên ngăn nhưng anh vẫn quyết tâm đầu tư chăm sóc và bảo vệ đàn lợn.
Xác định khó khăn lớn nhất lúc này là về kỹ thuật, anh Khôi đã đăng ký theo học lớp thú y viên cơ sở để có thể tự chăm sóc, tiêm phòng và chữa bệnh cho đàn lợn của gia đình. Nhưng dịch bệnh triền miên, cộng với số vốn quay vòng hạn hẹp, cho đến việc tìm mua con giống, thị trường đầu ra cho sản phẩm lại trượt giá liên tục khiến anh nhiều lúc nản lòng. Nhờ kiên trì vượt qua khó khăn, lứa lợn đầu tiên gia đình anh thu về trên 100 triệu đồng.
Trước hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhiều hộ gia đình khác đã học tập và làm theo. Anh Nguyễn Văn Bảo và chị Nguyễn Thị Nghĩa cũng vay vốn đầu tư phát triển nuôi lợn với tổng đàn trên 100 con . Hiện cả 3 trang trại của ba anh em nhà anh Khôi đang được tỉnh hỗ trợ với số tiền 30 triệu đồng để tu sửa chuồng trại và tiêm vắc xin phòng bệnh. Đồng thời, thường xuyên có các đoàn trong và ngoài huyện đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Bên cạnh những mô hình trang trại lớn như của gia đình anh Khôi, trong xã Trúc Lâu còn rất nhiều hộ gia đình chăn nuôi với số lượng đàn từ 40 – 60 con, như gia đình chị Nguyễn Thị Gấm ở thôn Nà Hiên. Chị Gấm bắt đầu nuôi lợn từ năm 1992, mỗi năm 3 lứa nuôi gối nhau với số lượng khoảng 40 con/lứa. Không nhập con giống từ thị trường, chị đã nuôi 3 con lợn nái để tự cung cấp giống nuôi lợn thịt, vừa bảo đảm chất lượng con giống, giảm chi phí đầu tư.
Cách làm này đem lại hiệu quả rất cao và thu nhập từ đàn lợn của gia đình chị mỗi năm từ 100 - 120 triệu đồng, hiệu quả hơn 30% so với việc mua giống ở ngoài. Ngoài ra, tận dụng nguồn chất thải từ chăn nuôi, chị đã xây hầm Biogas để cung cấp chất đốt cho sinh hoạt hàng ngày, đồng thời để nấu thức ăn cho lợn. Nhờ nuôi lợn mà đời sống kinh tế của gia đình ngày một nâng lên.
Nhận thấy những hiệu quả kinh tế bền vững của việc phát triển chăn nuôi, nhiều gia đình khác cũng mạnh dạn vay vốn để đầu tư nuôi lợn. Nhờ chăn nuôi đúng cách, các mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Từ những mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi lợn ở Trúc Lâu mà đời sống kinh tế của rất nhiều gia đình ở đây ngày một đi lên. để bảo đảm quyền lợi cho nông dân và duy trì tính bền vững cho các gia đình chăn nuôi lợn, chính quyền địa phương cần có những giải pháp như: tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh; tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chăn nuôi... Đồng thời, tập hợp những người chăn nuôi trong một tổ chức nhất định, tạo cơ hội cho họ thường xuyên được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhau, hỗ trợ nhau phát triển chăn nuôi một cách hiệu quả.
Với những bước đi đúng hướng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Trúc Lâu, chắc chắn sẽ tạo được hiệu quả kinh tế lâu dài và bền vững. Tạo nền tảng giúp cho người dân yên tâm phát triển sản xuất tăng thêm thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Đức Toàn – Mai Thu
Các tin khác
YBĐT - Bước vào vụ sản xuất kinh doanh năm 2009, do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, sản xuất kinh doanh của ngành chè gặp rất nhiều khó khăn như: thời tiết không thuận lợi vì nắng nóng kéo dài dẫn đến cây chè sinh trưởng chậm, năng suất và sản lượng chè búp tươi giảm; thị trường tiêu thụ sản phẩm nhỏ giọt, chất lượng đòi hỏi rất cao, trong khi giá bán giảm. Thu nhập của người trồng chè cũng vì thế mà giảm đáng kể.
Tổ chức, cá nhân có thể đăng ký thuế thu nhập cá nhân thông qua trang web http://tncnonline.com.vn của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) từ nay đến tháng 10/2009.
YBĐT - Đề án “Tuyên truyền chính sách thuế trong trường học tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008 - 2010” đã được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt từ ngày 5/5/2008. Mục tiêu của Đề án là nhằm tuyên truyền sâu rộng chính sách, pháp luật thuế vào hệ thống trường học để mỗi học sinh, sinh viên hiểu rõ vai trò của thuế đối với sự phát triển của đất nước, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên. Qua triển khai thí điểm giai đoạn I (năm học 2008 - 2009) đã đạt được một số kết quả nhất định.
YBĐT - Là một trong 15 xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái), Phúc Sơn có 9 thôn, bản với 1.231 hộ, gồm 4 dân tộc là Thái, Mường, Kinh và Hoa. Đời sống của nhân dân chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp và một phần từ rừng nên còn nhiều thiếu thốn. Đến hết năm 2008, xã còn gần 50% hộ nghèo. Chính vì vậy, việc phát huy nội lực, vươn lên xóa đói giảm nghèo luôn được đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.