Dự án lớn - trăn trở nhiều

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/7/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ một mô hình trồng nấm thử nghiệm tại xã đầu năm 2007, đến nay ở Giới Phiên (TP Yên Bái) đã nhân rộng ra được 29 hộ. Để khuyến khích nghề trồng nấm phát triển, tại kỳ họp thứ 9 HĐND xã nhiệm kỳ 2004 - 2009, Giới Phiên đã đưa vào Nghị quyết chuyên đề xây dựng một làng nghề trồng nấm với quy mô khoảng 50 hộ.

Tranh thủ khi nắng ráo, ông Hương lại đem sản phẩm ra phơi để giảm tải cho lò sấy.
Tranh thủ khi nắng ráo, ông Hương lại đem sản phẩm ra phơi để giảm tải cho lò sấy.

Trồng nấm, thu nhập “nở rộ”

Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xoá đói giảm nghèo cho người dân, được sự tài trợ của tổ chức Codespa (Tây Ban Nha), tháng 4 năm 2007, Trung tâm Giới thiệu việc làm Tỉnh hội Phụ nữ tiến hành Tiểu dự án tập huấn kỹ thuật và khởi sự kinh doanh về sản xuất nấm cho nông dân có thu nhập thấp tại xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái và xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Mỗi xã một hộ dân được chọn thí điểm để triển khai mô hình, bằng hình thức hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà xưởng, nguyên vật liệu và tập huấn kỹ thuật làm nấm. Từ những mô hình thử nghiệm ban đầu, sau 3 năm triển khai, Dự án đã mở rộng tới một số xã của huyện Văn Chấn như Thanh Lương, Sơn Thịnh, Đồng Khê, thị trấn Nông trường Trần Phú và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ. Hiệu quả rõ nét nhất vẫn là xã Giới Phiên, bởi đến nay trong xã đã có 29 hộ làm nấm quanh năm, nhiều hộ dân đã giàu lên từ nghề mới này.

Từ mô hình thử nhiệm tháng 4 năm 2007 tại gia đình anh Nguyễn Đức Thuần, thôn Tiền Phong, xã Minh Quân và gia đình anh Nguyễn Thanh Hùng, thôn 2 xã Giới Phiên, để mở rộng Dự án và tạo thị trường bền vững nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một làng nghề tại xã Giới Phiên, tháng 3 năm 2008, Dự án đã chọn gia đình ông Vũ Văn Hương thôn 6, xã Giới Phiên để xây 1 lò hấp nấm tại đây.

Với hình thức hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà xưởng, tập huấn kiến thức KHKT về hấp sấy, bảo quản nấm, sẵn biết nghề trồng nấm từ trước, gia đình ông đã vay mượn thêm đầu tư trên 30 triệu đồng xây lò hấp sấy, mua nguyên liệu làm nấm sò, mộc nhĩ và linh chi để mở rộng quy mô sản xuất. Bình quân mỗi lứa, gia đình ông Hương thu gần 500 kg nấm tươi, tương đương 5 triệu đồng cùng 30 kg linh chi và gần 20 kg mộc nhĩ mỗi năm.

Thu nhập từ nghề mới này đã cải thiện đáng kể cuộc sống gia đình, trừ chi phí mỗi năm cũng lãi gần trăm triệu đồng. Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Cầu, thôn 4, xã Giới Phiên là một trong những hộ nghèo nhất nhì trong xã từ khi chuyển sang nghề trồng nấm (cuối năm 2008), gia đình bà đã khá lên rất nhiều. Với 500 bịch nấm, trừ chi phí, gia đình bà Cầu  thu về gần 20 triệu đồng mỗi vụ. Bà Cầu cho hay, chiếc xe máy và ti vi  bà mới mua đều từ trồng nấm mà có.

Nghề trồng nấm không khó  tiếp cận vì chỉ cần chăm sóc đúng kỹ thuật thì mỗi bịch nấm sẽ cho thu hái liên tục trong vòng 2 tháng. Việc làm nấm sò có thể tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp như thân cây ngô, rơm rạ khô. Chi phí để sản xuất nấm không tốn kém, chỉ cần một khung nhà xưởng che chắn tốt, thoáng mát, không cần nhiều nhân công, việc làm nấm có thể phát triển quanh năm, nhưng tốt nhất là thời điểm từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau vì lúc này khí hậu nóng ẩm rất dễ để nấm sinh trưởng và phát triển. Chỉ có mộc nhĩ và linh chi do làm bằng mùn cưa nên đòi hỏi kỹ thuật cao  hơn làm nấm rơm. Hết vụ mộc nhĩ và linh chi thì đến vụ làm nấm. Hơn nữa, phế phẩm sau khi làm linh chi có thế đấu trộn ủ lại để làm nấm sò.

Theo tính toán, trung bình giá bán 1kg nấm tươi khoảng 12.000 đồng, mộc nhĩ khô giá 40.000 đồng, linh chi khô dùng làm nguyên liệu trong đông y, dược phẩm nên giá bán lên tới 500 ngàn đồng/1kg.

Băn khoăn đầu ra

Từ một mô hình trồng nấm thử nghiệm tại xã đầu năm 2007, đến nay ở Giới Phiên đã nhân rộng ra được 29 hộ. Để khuyến khích nghề trồng nấm phát triển, tại kỳ họp thứ 9 HĐND xã nhiệm kỳ 2004 - 2009,  Giới Phiên đã đưa vào Nghị quyết chuyên đề xây dựng một làng nghề trồng nấm với quy mô khoảng 50 hộ. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân có nhu cầu phát triển nghề trồng nấm, xã đứng ra tín chấp cho mỗi hộ vay khoảng 10 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với lãi suất ưu đãi 0,65%/tháng. Tuy nhiên,  sau 3 năm triển khai Dự án, người trồng nấm đang lâm vào tình cảnh khốn đốn bởi sản phẩm không có đầu ra.

Theo như tâm sự của một số hộ dân trồng nấm thì họ phải tự mày mò tìm kiếm thị trường cho mình bằng cách mang sản phẩm đi đến các nhà hàng để rao bán và ký hợp đồng. Đơn cử như gia đình ông Hương thì vào vụ nấm rộ có ngày gia đình ông thu gần 1 tạ nấm sò. Để bán được sản phẩm, gia đình ông đã phải mang sản phẩm đến các quán tận trên thành phố Yên Bái chào bán, còn tại các chợ quê thì sản phẩm không tiêu thụ được, bởi nấm được xếp vào món ăn đặc sản, còn linh chi và mộc nhĩ thì bắt buộc phải sấy khô. Mặc dù gia đình ông được hỗ trợ kinh phí để xây lò hấp song công suất thiết kế của lò thấp, đầu tư xây dựng không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật nên chỉ một thời gian ngắn sử dựng đã phải sửa chữa chắp vá khá nhiều.

Để tự cứu lấy mình và những hộ trong nấm trong thôn, ông Hương và một số hộ trồng nấm khác đã đứng lên thành lập một tổ hợp với 20 thành viên làm nấm cùng tham gia. Tổ hợp có nhiệm vụ thu gom và bao tiêu sản phẩm cho những thành viên trong tổ, đồng thời đầu tư xây một lò để hấp sấy linh chi và mộc nhĩ. Với số lượng ít, quy mô nhỏ lẻ thì tổ hợp có thể bao tiêu được những sản phẩm cho các thành viên còn nếu phát triển theo quy mô lớn thì sẽ rất khó khăn bởi chỉ một lò sấy thì không thể đáp ứng đủ yêu cầu cho việc hấp sấy hàng tấn nấm sò, linh chi mỗi ngày. Vì vậy vào những lúc nấm rộ thì tổ hợp phải bán với giá thấp để làm sao hết sản phẩm. Đó chỉ là một trong những tổ hợp dám mạnh dạn đứng lên thành lập để bao tiêu sản phẩm, còn những hộ dân làm nhỏ lẻ khác thì không biết trông chờ vào đâu.

Được biết, Trung tâm Giới thiệu việc làm của Tỉnh hội Phụ nữ, đơn vị là chủ dự án cũng đã lên tiếng với các hộ dân là sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm song đến nay vẫn chỉ là hứa để đấy. Bởi theo như ông Đặng Ngọc Khang – Chủ tịch UBND xã thì Giới Phiên rất mong muốn nghề trồng nấm sẽ phát triển thành một làng nghề có quy mô như Nghị quyết HĐND xã đã đề ra. Thế nhưng nếu phát triển theo quy mô lớn thì không một đơn vị, tổ chức nào dám đứng ra bao tiêu sản phẩm để ổn định giá cả cho người dân. Do vậy, 29 hộ dám mạnh dạn đầu tư hiện nay chỉ làm ở mức độ cầm chừng.

Việc phát triển, mở mang các ngành, nghề mới là một trong những hướng đi đúng, nhất là khi bài toán giải quyết lao động nông nhàn vẫn là một vấn đề còn nhiều trăn trở. Song, việc triển khai nghề theo các hạng mục của Dự án cũng là một vấn đề mà cấp uỷ, chính quyền địa phương, nơi được hưởng lợi từ các dự án, nên cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng bởi những hậu quả như việc phát triển ồ ạt vùng sắn nguyên liệu ở Văn Yên gây mất cân bằng về sinh thái, ảnh hưởng xấu đến môi trường, đến đời sống của người dân, hay như hàng ngàn gốc gấc lai xuất khẩu ở Hoà Cuông của huyện Trấn Yên không ra quả... là một bài học. Tuy nhiên, người nông dân trực tiếp được hưởng lợi từ Dự án cũng cần có sự năng động tìm kiếm thị trường chứ không thể mãi trông chờ, ỉ lại, thụ động trong việc phối hợp với chính quyền như hiện nay.

Thanh Tân

Các tin khác

Ngày 7-7, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các cơ quan báo chí lý giải những khúc mắc xung quanh việc điều hành giá xăng, dầu.

Theo Bộ Tài chính, sáu tháng đầu năm 2009 tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 187.000 tỉ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2008. Các nguồn thu quan trọng vào ngân sách, theo Bộ Tài chính, đều giảm, trong đó giảm mạnh nhất là thu từ bán dầu thô, giảm tới 41,7%, thu nội địa, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ 2008.

Quy hoạch khu, cụm công nghiệp là phù hợp với xu thế phát triển.

YBĐT - Trong thời gian gần đây, Công nghiệp Yên Bái có những bước phát triển vượt bậc. Điều đó được thể hiện bằng các tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào Yên Bái như: Tập đoàn Vinaconex, Tập đoàn VinaShin… và hàng loạt doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng, thủy điện, chế biến nông-lâm sản. Doanh nghiệp địa phương thì từng bước hội nhập quốc tế, không ngừng nâng cao và mở mang sản xuất.

Giống lợn siêu nạc. (Ảnh: Trường Phong)

YBĐT - Tận dụng nguồn sản phẩm nông nghiệp tại địa phương, từ nhiều năm nay, xã Trúc Lâu (huyện Lục Yên - Yên Bái) đã khuyến khích nhân dân tập trung mở rộng phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình chăn nuôi lợn ở đây đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục