Yên Bái: Nỗ lực phát triển vốn rừng
- Cập nhật: Thứ tư, 8/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ 48% độ che phủ của rừng năm 2005, đến nay diện tích rừng trong toàn tỉnh Yên Bái đã tăng lên 56,3%. Đạt được kết quả trên là do nỗ lực của chính quyền các cấp và lực lượng kiểm lâm Yên Bái và nhân dân cùng vào cuộc.
Khai thác gỗ rừng trồng trên đảo hồ Thác Bà.
(Ảnh: Quang Thiều)
|
Ông Nguyễn Quang Vinh - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Qua nhiều năm tổng kết từ thực tiễn cho thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất rừng là do cháy rừng và phá rừng làm nương rẫy. Yên Bái cũng như các tỉnh có rừng khác, luôn tiềm ẩn nguy cơ hiểm hoả lũ lụt vào mùa mưa và cháy rừng trong mùa khô hanh.
Nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu là do con người phá rừng, đốt nương rẫy gây ra”. Vì vậy, Kiểm lâm tỉnh luôn là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng chống chữa cháy rừng (PCCCR), phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, nhất là cấp xã và chủ rừng, thực hiện xây dựng và bổ sung kế hoạch, điều chỉnh phương án PCCCR, tổ chức mạng lưới thông tin cảnh báo cháy rừng đến từng thôn, bản, gắn việc xây dựng quy ước bảo vệ rừng với ký cam kết PCCCR ở 82 xã với 943 thôn, bản; kết hợp tuyên truyền với biện pháp quản lý bảo vệ rừng, nhất là biện pháp đốt nương rẫy có kiểm soát, thông qua việc quản lý chặt chẽ, chính xác diện tích nương rẫy ở từng thôn, bản và xây dựng lịch đốt nương rẫy. Với cách làm này thì trước khi đốt nương các đối tượng có nương chuẩn bị đốt sẽ báo trước cho kiểm lâm và các tổ bảo vệ rừng, tổ chức giám sát, do đó đã hạn chế rất nhiều vụ cháy rừng do đốt nương gây ra.
Công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng ngày càng có chuyển biến tích cực. Nhận thức của nhân dân, chính quyền cơ sở từng bước được nâng lên, trong đó về phía chính quyền có việc quy trách nhiệm trực tiếp cho chủ tịch UBND cấp xã. Những vụ phá rừng nghiêm trọng trong đó có sự tiếp tay của chủ tịch UBND xã, sự thiếu trách nhiệm của cán bộ đã được xử lý kịp thời, nghiêm khắc. Công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng dân cư được thực hiện thường xuyên, giúp cho mọi người dân nhận thức rõ nguồn lợi to lớn, lâu dài của rừng đối với đời sống của cộng đồng.
Từ năm 2005 đến nay, Chi cục Kiểm lâm đã thực hiện tuyên truyền họp dân được 636 buổi, ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR tới 78.480 người, in ấn 95.300 tờ rơi và tuyên truyền, vận động được 10.200 hộ, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ 112.133 ha rừng tự nhiên, hướng tới việc giao rừng, cho thuê rừng tới người dân, cộng đồng dân cư để rừng có chủ thực sự. Việc giao rừng và đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình quản lý sử dụng lâu dài đã phát huy thế mạnh của toàn xã hội, tiềm năng lao động của mỗi địa phương, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa trong công tác quản lý phát triển vốn rừng. Đây là giải pháp quan trọng làm cho rừng có chủ thực sự và người dân có đất sản xuất, duy trì đời sống, phát triển kinh tế và làm giầu từ rừng.
Theo kế hoạch đến năm 2011 sẽ hoàn thành việc giao, cho thuê toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích cần giao, cho thuê là 512.263,3 ha, trong đó 325.886 ha giao cho hộ gia đình và các tổ chức; 16.344 ha giao cho các doanh nghiệp nhà nước; 133.429 ha giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ; 36.508 ha giao cho Ban Quản lý rừng đặc dụng. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 37 tỷ đồng (trong đó năm 2009: 11 tỷ, năm 2010: 13 tỷ; 2011: 13 tỷ).
Hiện nay 9 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng xong dự án giao rừng, cho thuê rừng cấp huyện và đang trình các ngành chức năng và UBND tỉnh phê duyệt. Đến thời điểm này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã giao, cho thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 121.212 ha rừng và đất lâm nghiệp cho 7 công ty lâm nghiệp, 2 ban quản lý rừng phòng hộ và Khu bảo tồn loài, sinh cảnh Mù Cang Chải. Việc giao rừng, đất lâm nghiệp cho hộ gia đình đang được thí điểm tại 2 xã Bản Mù và Trạm Tấu của huyện Trạm Tấu, hiện nay đã hoàn thành rà soát, đo đạc diện tích, chỉ còn bước cuối cùng là giao đất tới hộ dân.
Công tác quản lý và phát triển vốn rừng những năm qua đã có những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế như nhiều vụ vi phạm về khai thác gỗ rừng trái phép, lấn chiếm đất rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép... không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời gây bất bình trong dư luận; tình trạng phá rừng làm nương rẫy vẫn diễn ra bức xúc; nhiều mô hình hay trong quản lý bảo vệ rừng chưa được nhân rộng; đề án giao rừng triển khai chậm do chưa có kinh phí..., đó sẽ là những vấn đề trọng tâm ngành kiểm lâm cần tập trung khắc phục trong những năm tới.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Tăng trưởng kinh tế của huyện Lục Yên (Yên Bái) trong 3 năm trở lại đây luôn đạt trên 13%/ năm. Tổng giá trị sản xuất nền kinh tế 512 tỷ đồng; trong đó, ngành nông lâm ngư nghiệp 221 tỷ đồng, công nghiệp - xây dựng cơ bản 138 tỷ đồng, thương mại - dịch vụ 153 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 8 triệu đồng/ năm.
YBĐT - Từ một mô hình trồng nấm thử nghiệm tại xã đầu năm 2007, đến nay ở Giới Phiên (TP Yên Bái) đã nhân rộng ra được 29 hộ. Để khuyến khích nghề trồng nấm phát triển, tại kỳ họp thứ 9 HĐND xã nhiệm kỳ 2004 - 2009, Giới Phiên đã đưa vào Nghị quyết chuyên đề xây dựng một làng nghề trồng nấm với quy mô khoảng 50 hộ.
Ngày 7-7, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các cơ quan báo chí lý giải những khúc mắc xung quanh việc điều hành giá xăng, dầu.
Theo Bộ Tài chính, sáu tháng đầu năm 2009 tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 187.000 tỉ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2008. Các nguồn thu quan trọng vào ngân sách, theo Bộ Tài chính, đều giảm, trong đó giảm mạnh nhất là thu từ bán dầu thô, giảm tới 41,7%, thu nội địa, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ 2008.