Cuộc sống đi lên nhờ chế biến gỗ rừng trồng
- Cập nhật: Thứ tư, 8/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - “Dám nghĩ dám làm, dù khó khăn đến mấy cũng phải làm, mà đã làm phải ra tấm ra món và có kế hoạch cụ thể” - đó là quan điểm sống và làm việc của anh Đỗ Văn Thực, hội viên Hội Nông dân thôn Toàn An, xã Đông An (huyện Văn Yên).
Sản phẩm ván ép dán của Doanh nghiệp tư nhân Long Mùi (Hưng Thịnh, Trấn Yên).
|
Đầu tư vài trăm triệu đồng, anh Thực có một xưởng sản xuất, chế biến gỗ nguyên liệu rộng 5.000 m2; lò sấy công suất 20m3/ lần; máy móc trang thiết bị hiện đại gồm: máy cưa đứng 3 chiếc, 1 máy cưa nằm, 2 máy cắt ngang, 1 máy phát điện và nhiều thiết bị khác cùng với số vốn lưu động của xưởng hiện nay trên 200 triệu đồng.
Xưởng của anh đã giải quyết cho hơn chục lao động có mức thu nhập ổn định từ 1,5 đến 1,8 triệu đồng/ tháng. Để có một xưởng sản xuất chế biến nguyên liệu gỗ như ngày hôm nay, anh Thực cũng phải dày công nghiên cứu, học hỏi, xây dựng mô hình để phát huy những thế mạnh địa phương về gỗ rừng trồng.
Là người dân sinh sống trên địa bàn xã, anh Thực luôn mong muốn đầu tư phát triển sản xuất chế biến gỗ rừng trồng, nhất là có thể làm vệ tinh cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất các sản phẩm sơ chế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.
Cùng với quyết tâm của mình, anh Thực còn nhận được sự giúp đỡ tạo điều kiện của chính quyền địa phương, sự tư vấn, giúp đỡ của Hội Nông dân. Năm 2003, anh Thực bắt tay vào đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất và đi vào sản xuất còn gặp rất nhiều khó khăn, do thiếu kinh nghiệm và địa bàn cách trở, chi phí vận chuyển cao việc tiêu thụ sản phẩm nông- lâm sản không thuận lợi, bị ép cấp, ép giá, thu nhập ban đầu chưa tương xứng với sức lao động bỏ ra. “Cái gì lúc xuất phát chẳng gặp khó khăn, thấy khó khăn mà không làm thì đến bao giờ cái nghèo khó mới buông tha!” - anh Thực tự nhủ mình như vậy.
Năm 2007, thực hiện chương trình khuyến công, gia đình anh được hỗ trợ thêm một số kinh phí để mở rộng sản xuất. Nhận được nguồn hỗ trợ này, anh mạnh dạn hơn trong sản xuất và có sự phân tích chiến lược cụ thể hơn, tìm hiểu thị trường… và xưởng của anh đã dần đem lại hiệu quả, có thương hiệu trong việc sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng.
Bình quân 1 tháng cơ sở của gia đình anh sản xuất được 150 đến 200m3 gỗ rừng trồng. Bình quân 1m3 gỗ với giá 500.000 đồng, sau khi sơ chế đạt 0,4 m3 gỗ thành khí, nhân với giá 2 triệu đồng/ m3, mỗi tháng sơ chế được từ 60- 70m3 thành khí cho thu nhập 120 triệu đồng trừ chi phí cho việc mua nguyên liệu, chi trả lương công nhân, tiền điện... vẫn mang lại thu nhập cho gia đình từ 15 đến 20 triệu đồng/ tháng. Từ thu nhập trên, gia đình anh có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm được các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, con cái được học hành đầy đủ.
Bên cạnh đó, xưởng sản xuất của anh còn tạo việc làm ổn định cho hơn chục lao động tại chỗ, có thu nhập từ 1,5 đến 1,8 triệu đồng; tham gia đóng góp hàng chục triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương. Khắc sâu những ngày tháng khó khăn, gia đình anh đã chủ động hỗ trợ các hội viên Hội Nông dân có hoàn cảnh khó khăn không lấy lãi với số tiền trên 20 triệu đồng để họ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Anh còn chuẩn bị mua sắm thêm từ 2 đến 3 chiếc cưa đứng, 1 máy bóc để nâng sản lượng chế biến và thu hút thêm từ 5 đến 7 lao động trong thời gian tới. Với những kết quả đã đạt được, chắc chắn trong tương lai, cơ sở chế biến gỗ rừng trồng của gia đình anh Thực sẽ còn phát triển hơn nữa và thu hút tạo điều kiện cho nhiều người dân lao động nơi đây, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Ngọc Sơn
Các tin khác
Tập đoàn Điện lực VN (EVN) dự báo trong tháng này, tình hình cung ứng điện sẽ vẫn căng thẳng nếu những đợt nắng nóng như trong tháng 6 tiếp tục xảy ra, khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Giá vàng thế giới sáng nay tiếp tục giảm khi đồng USD duy trì đà tăng cộng với sức cầu từ Ấn Độ gặp khó khăn Sáng nay (87), giá vàng trong nước giảm khoảng 5.000 đồng/chỉ so với giá được áp dụng sáng qua.
YBĐT - Từ 48% độ che phủ của rừng năm 2005, đến nay diện tích rừng trong toàn tỉnh Yên Bái đã tăng lên 56,3%. Đạt được kết quả trên là do nỗ lực của chính quyền các cấp và lực lượng kiểm lâm Yên Bái và nhân dân cùng vào cuộc.
YBĐT - Tăng trưởng kinh tế của huyện Lục Yên (Yên Bái) trong 3 năm trở lại đây luôn đạt trên 13%/ năm. Tổng giá trị sản xuất nền kinh tế 512 tỷ đồng; trong đó, ngành nông lâm ngư nghiệp 221 tỷ đồng, công nghiệp - xây dựng cơ bản 138 tỷ đồng, thương mại - dịch vụ 153 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 8 triệu đồng/ năm.