Cần cải tạo nhanh lưới điện để nâng cao chất lượng và an toàn
- Cập nhật: Thứ hai, 13/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đề án bàn giao lưới điện nông thôn về ngành điện đã và đang được các cấp, các ngành tích cực triển khai, đến nay đã có 66/128 xã tại 8 huyện trong tỉnh Yên Bái việc bàn giao đã hoàn tất. Người dân đã thấy rõ lợi ích khi lưới điện được ngành điện quản lý và vận hành như giá bán thấp, tỷ lệ tổn thất điện năng giảm.
Điện đến bản làng.
|
Ngay sau khi Đề án bàn giao lưới điện được UBND tỉnh phê duyệt, từ tỉnh đến các huyện, thị đã thành lập ban chỉ đạo do đồng chí phó chủ tịch UBND làm trưởng ban, ngành công thương, Điện lực và các ngành có liên quan làm thành viên với phương châm bàn giao nhanh chóng, dứt điểm, đảm bảo chính xác và không làm gián đoạn việc cấp điện... Những công trình điện do Nhà nước đầu tư bàn giao trên nguyên tắc tăng, giảm vốn; những công trình do dân đầu tư, đóng góp xây dựng thì bàn giao nguyên trạng, ngành điện tạm thời sử dụng và quản lý, khi đầu tư, nâng cấp sẽ trả lại vật tư, thiết bị cho dân.
Ông Phạm Duy Khương - Trưởng phòng Kinh doanh, Điện lực Yên Bái cho biết: Nói thì ngắn gọn vậy nhưng quá trình triển khai thật không đơn giản, do địa bàn rộng, lưới điện do nhiều nguồn vốn khác nhau đầu tư... Quá trình tiếp nhận phải thống kê chi tiết lưới điện; thống kê chi tiết khách hàng, chốt chỉ số công tơ; ký kết hợp đồng mua, bán điện... Ngay như việc số vật tư do dân góp xử lý cũng rất mệt.
Chủ trương của Chính phủ và quy định của tỉnh là rất rõ ràng: "Bàn giao nguyên trạng và trả lại ngay sau khi có đầu tư, cải tạo mới" nhưng nhiều người, trong đó có cả chính quyền một số xã không ủng hộ. Nhiều người đưa ra quan điểm: "Vật tư của dân thì phải trả lại ngay cho dân hoặc ngành điện phải mua lại" mà không hiểu rằng nếu trả lại ngay cho dân thì dân phải chấp nhận không có điện vì việc xây dựng đường điện mới phải có thời gian.
Quan điểm ngành điện phải mua lại số vật tư này cũng không thể thực hiện được vì không thể đánh giá được giá trị tài sản của dân, mà có đánh giá được thì ngành cũng không thể mua số vật tư cũ, nát ấy. “Người dân phải nhìn nhận rằng, dây điện, công tơ điện dân mất tiền mua về là để tải điện, để đo đếm điện; bàn giao vật tư này cho ngành điện thì giá trị sử dụng của nó vẫn thế và chỉ một thời gian ngắn ngành điện đầu tư, cải tạo "dân không mất tiền" thì bà con ta lại được lấy về sử dụng hoặc bán phế liệu” - ông Khương giải thích thêm.
Để bảo đảm an toàn và nâng cao chất lượng điện năng, Điện lực Yên Bái đã và đang triển khai việc cải tạo lưới điện tối thiểu ở 36 xã, trong đó thay gần 1 vạn công tơ, thay thế những vị trí cột và đường dây quá cũ nát với tổng nguồn vốn gần 20 tỷ đồng. Trong năm 2010, Điện lực sẽ tiếp tục đầu tư 8,2 tỷ đồng để cải tạo lưới điện ở 21 xã. Số vốn trên là nguồn bổ sung, ngoài ra, Công ty Điện lực I vẫn có kế hoạch đầu tư, xây dựng và cải tạo lưới điện thông thường trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Tính đến ngày 6/7/2009 đã có 66 xã hoàn thành việc bàn giao với tổng số 148 trạm biến áp, 565 km đường dây hạ áp, 157 công tơ tổng và gần 3 vạn công tơ một pha. Ngay sau khi tiếp nhận, ngành điện đã xây dựng phương án cải tạo tối thiểu để bảo đảm việc cấp điện một cách an toàn. Mặc dù vốn cho việc cải tạo chưa được bố trí nhưng Điện lực Yên Bái cũng đã chuẩn bị hơn 1 vạn công tơ mới, đạt tiêu chuẩn để tiến hành thay thế số công tơ cũ cũng như việc bố trí người và phương tiện điều chỉnh, sửa chữa, cải tạo lưới điện ở những vị trí mất an toàn, chất lượng không đảm bảo.
Chúng tôi về Trấn Yên - huyện có 16 xã tiến hành bàn giao lưới điện; ông Nguyễn Bình Dương - Phó ban chỉ đạo Đề án bàn giao lưới điện huyện cho biết: Đến nay đã có 10/16 xã hoàn thành việc bàn giao. Ban đầu, nhiều người dân và cả cán bộ xã chưa hiểu nên cũng có những ý kiến này khác nhưng khi được giải thích, nhất là khi người dân được hưởng mức giá điện chỉ bằng một nửa, có nơi chỉ bằng 1/3 thì ai cũng vui, cũng ủng hộ.
Chi nhánh Điện Trấn Yên cũng đã tiến hành thay thế được hơn 1000 công tơ cho khách hàng; thời gian tới tiến độ thay thế công tơ sẽ rất nhanh vì toàn bộ số công tơ mới đã được lắp ráp vào hòm chỉ cần đeo lên cột và đấu nối. Minh Quân là xã đã hoàn thành 100% việc thay thế công tơ với trên 700 chiếc, qua một tháng ngành điện bán điện trực tiếp và sử dụng công tơ mới, người dân đã thấy ngay lợi ích.
100% công tơ điện ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên đã được thay mới.
Bà Loan ở thôn Đồng Gianh vừa bán chiếc công tơ cũ của mình cho người thu gom được 90 nghìn đồng, phấn khởi nói: "Công tơ của mình thì mình lấy về, bán đi được tiền tiêu, tuy không đủ số tiền đã bỏ ra nhưng mình đã dùng rồi, quan trọng nhất là đã có công tơ mới do Nhà nước lắp miễn phí, hỏng ngành điện phải thay thế chứ không như trước".
Ông Nguyễn Ngọc Hồ làm dịch vụ xay xát gạo ở thôn Đức Quân còn phấn khởi hơn: "Mỗi tháng nhà tôi dùng hết 300 số điện. Trước đây, hợp tác xã thu giá 1300 đồng/số, nay ngành điện thu 985 đồng/số (chưa bao gồm thuế VAT), vậy là mỗi tháng tôi cũng để ra được ít tiền".
Như vậy, việc bàn giao lưới điện nông thôn từ các HTX dịch vụ về ngành điện quản lý và bán trực tiếp đã và đang được tiến hành một cách khẩn trương. Quá trình bàn giao đã có sự chỉ đạo chặt chẽ của tỉnh và UBND các huyện. Người dân ở những nơi đã tiến hành bàn giao đã thấy được lợi ích của việc bàn giao như giá điện giảm mạnh (có nơi chỉ còn 1/3); tỷ lệ hao tổn giảm từ 5 đến 15% so với trước. Tuy nhiên, công tác bàn giao phải được đẩy nhanh hơn nữa để người dân nói chung được hưởng chính sách ưu tiên về giá điện của Chính phủ (hai xã liền kề, xã bàn giao xong giá điện 660 đồng/kwh, xã chưa bàn giao 850 đồng/kwh).
Cùng với đó, ngành điện phải bố trí vốn cải tạo lưới điện, rút ngắn bán kính cấp điện nhằm nâng cao chất lượng điện cũng như độ an toàn, tránh tình trạng một tập đoàn kinh tế lớn, một tổng công ty lớn lại quản lý, vận hành lưới điện với cột tre, dây rợ chắp nối, thùng công tơ "cực kỳ đa dạng" như hiện nay.
Bên cạnh đó, tỉnh, huyện và nhất Liên minh Hợp tác xã tỉnh cần giúp đỡ các HTX dịch vụ điện chuyển đổi ngành nghề, nếu không phong trào HTX sẽ đi xuống vì thực tế đã có cả chục HTX đã ngừng hoạt động, cả trăm xã viên đã mất việc làm sau Đề án bàn giao lưới điện.
Lê Phiên
Các tin khác
Liên bộ Tài chính- Công Thương đang xem xét để có thể điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong những ngày tới nếu giá dầu thế giới tiếp tục hạ nhiệt.
Theo Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương, sau khi thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất nhằm giúp nông dân mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp để phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như xây dựng nhà ở, cho đến nay đã có khá nhiều máy móc nông nghiệp đến được tay người nông dân.
Đến năm 2014 có khoảng 4 triệu dân nông thôn sẽ được tiếp cận với nguồn điện ổn định, giá cả hợp lý và chất lượng hơn, bên cạnh khoảng 2 triệu người được hưởng lợi từ dự án điện nông thôn.
Theo Bộ NN-PTNT, sau nhiều tuần bị sụt giảm, hiện giá lúa gạo xuất khẩu đang tăng trở lại khi các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam như Philippines, Malaysia và nhiều khách hàng ở châu Phi, Trung Quốc đang bổ sung dự trữ, tăng lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam do giá “mềm” hơn các nước khác.