NHNo&PTNT Trấn Yên: Luôn đồng hành cùng nhà nông
- Cập nhật: Thứ hai, 27/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT-Kinh tế - xã hội huyện Trấn Yên đã và đang có bước phát triển khá toàn diện, kinh tế hộ ngày một được khẳng định, tỷ lệ hộ đói nghèo ngày một giảm. Đặc biệt, các vùng nông thôn đã có nhiều khởi sắc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh mang tính hàng hóa lớn. Đạt được kết quả đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự nỗ lực của người dân, bên cạnh đó có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn vay NHNo&PTNT.
Bằng nguồn vốn vay nhiều bà con nông dân đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất.
|
Là đơn vị kinh doanh tiền tệ, nhưng Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp Trấn Yên luôn bám sát các chương trình phát triển kinh tế của huyện để mở rộng đầu tư, tăng trưởng tín dụng. Trên cơ sở bảo toàn vốn, hiệu quả cao, chú trọng cho vay tới các vùng dân nông thôn đầu tư sản xuất như: nuôi bò bán công nghiệp, trồng rừng kinh tế, chế biến chè, đầu tư thâm canh lúa nước...
Bà Ngô Bích Liên-Giám đốc Chi nhánh NHNo&PTNT Trấn Yên nói: “Tiêu chí hàng đầu của Ngân hàng là tăng trưởng tín dụng, bảo đảm an toàn vốn... Nhưng ngoài hai tiêu chí đó, chúng tôi còn rất chú trọng đến việc đưa vốn đến các vùng nông thôn, giúp họ đầu tư vào sản xuất xóa đói giảm nghèo. Nói vậy không có nghĩa là chỉ cho các hộ dân nông thôn vay, mà còn cho vay đến tất cả các thành phần kinh tế có đủ tư cách pháp nhân. Nhưng với hộ dân nông thôn, đặc biệt các thôn bản vùng sâu, vùng xa có phần được “ưu ái” hơn. Mặc dù cho hộ dân, nhất là hộ nghèo vay vốn sản xuất nông-lâm nghiệp tỷ lệ rủi ro cao, món vay nhỏ, đường xá đi lại khó khăn. Nhưng thấy nguồn vốn của mình cho vay góp phần thúc đẩy sản xuất, chắp cánh cho phát triển, xóa đói nghèo là niềm vui với mỗi cán bộ tín dụng. Toàn huyện có 22 xã, thị trấn với trên 200 thôn bản, thì vốn tín dụng ngân hàng đã đến được tất cả các thôn bản, không còn thôn bản trắng về tín dụng".
Quả vậy, đồng vốn tín dụng ngân hàng đã len lỏi vào khắp các làng bản miền quê, phục vụ cho các chương trình kinh tế. Tính đến hết 30/6, tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế đạt trên 195 tỷ đồng với trên 4.727 lượt khách hàng vay, tăng 121% so với cùng kỳ. Trong đó cho vay sản xuất kinh doanh nông - lâm nghiệp chiếm trên 70%, còn lại là vay sản xuất kinh doanh ngành nghề dịch vụ, thương mại, tiêu dùng. Dư nợ đầu tư cho các xã vùng 1 đạt 100 tỷ đồng, xã vùng 2 đạt 76 tỷ đồng, 3 xã vùng 3 cũng đạt 14 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cũng trong 6 tháng qua Chi nhánh còn cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 131, 443, 497 của Chính phủ với tổng dư nợ 45 tỷ 898 triệu đồng. Bí quyết đem lại thành công cho Chi nhánh là thủ tục vay đơn giản, nhanh gọn không gây phiền toái cho người vay, người vay dù là thành phần kinh tế nào cũng đều là bạn hàng và là đối tác của ngân hàng.
Gia đình anh Dương Văn Lại, xã Minh Quân trước đây cũng nghèo khó như bao gia đình khác trong thôn, trong xã, cả gia đình có 5 nhân khẩu, cuộc sống đều trông vào hơn hai mẫu ruộng. Nhưng từ năm 2007, được sự hỗ trợ của anh em bạn bè, cùng nguồn vốn vay ngân hàng 20 triệu đồng, gia đình anh đào ao nuôi cá, đầu tư thâm canh diện tích lúa nước, kết hợp chăn nuôi lợn, trâu bò, giờ cuộc sống đã ổn định, trả được hết nợ ngân hàng.
Xã vùng cao Kiên Thành, từ khi có đồng vốn vay ngân hàng, bà con nhân dân đầu tư vào trồng măng tre Bát Độ, nhờ vậy đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế địa phương. Diện tích tre Bát Độ ngày một phát triển, đến nay toàn xã đã có trên 300 ha, toàn xã có 750 hộ dân, thì có tới 507 hộ trồng măng tre Bát Độ, nhà ít cũng vài trăm gốc, nhà nhiều 5-6 ngàn gốc.
Mỗi năm bà con bán măng thu trên 2 tỷ đồng. Cũng bằng nguồn vốn vay ngân hàng, đã có hàng trăm hộ phát triển chăn nuôi bò bán công nghiệp đang phát huy hiệu quả, đó không phải là tiền đề xóa đói nghèo trong nông nghiệp nông thôn hay sao!
Một trong những yếu tố mang lại thành công của đồng vốn vay ở Trấn Yên là: Thủ tục vay đơn giản, thuận tiện, song khi có tiền rồi ngân hàng thường xuyên giám sát việc sử dụng đồng vốn vay có đúng mục đích và hiệu quả không. Trường hợp không sử dụng vốn đúng mục đích sẽ bị thu hồi, những trường hợp đầu tư không mang lại hiệu quả, cán bộ tín dụng cho vay cùng gia đình phải tìm cách tháo gỡ, định hướng đầu tư cho hiệu quả.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Kỳ họp thứ XV HĐND thành phố Yên Bái khoá XVIII nhiệm kỳ 2004 – 2009 vừa được tổ chức nhằm đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2009. Đến dự có đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.
YBĐT - Vụ đông xuân năm 2009, Hội Phụ nữ huyện Văn Yên phối hợp với Trạm Khuyến nông thực hiện dự án đưa phân viên nén dúi sâu cho lúa tại 3 xã Đại Phác, Yên Phú, An Thịnh và 15 xã ngoài vùng dự án với tổng số 833 hộ tham gia và 52 ruộng được áp dụng.
Thay vì tỉa bỏ lá xoài, người trồng vườn tại Cam Ranh đã có sáng kiến thu gom lá đem bán cho các công ty dược phẩm để sản xuất tinh dầu.
Vào tháng 5, tháng 6, khi các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) nhỏ "chạy đua" về lãi suất, khối NHTM quốc doanh, các NH quốc doanh lớn mới cổ phần hóa khá im hơi lặng tiếng. Nhưng, kể từ đầu tháng 7 đến nay, các "đại gia" của ngành ngân hàng đã liên tục tung ra các sản phẩm tiết kiệm mới với lãi suất huy động hấp dẫn. Động thái này cho thấy điều gì?