Các ngân hàng lớn tăng lãi suất huy động: Có thành chuyện “nóng”?
- Cập nhật: Thứ bảy, 25/7/2009 | 12:00:00 AM
Vào tháng 5, tháng 6, khi các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) nhỏ "chạy đua" về lãi suất, khối NHTM quốc doanh, các NH quốc doanh lớn mới cổ phần hóa khá im hơi lặng tiếng. Nhưng, kể từ đầu tháng 7 đến nay, các "đại gia" của ngành ngân hàng đã liên tục tung ra các sản phẩm tiết kiệm mới với lãi suất huy động hấp dẫn. Động thái này cho thấy điều gì?
Yếu tố chính trong cạnh tranh thu hút tiền gửi hiện nay là những chương trình chăm sóc khách hàng tốt.
|
Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) tung ra chương trình "Gửi tiết kiệm, tặng bảo hiểm". Theo đó, Vietcombank sẽ tặng bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe mô tô cho khách hàng khi gửi tiết kiệm.
Ngoài ra, với các kỳ hạn gửi 1-12 tháng, khách hàng còn được cộng thêm lãi suất ưu đãi. Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) hút khách hàng với việc phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh (CCTG) bằng VND có mức lãi suất huy động cao nhất 9%/năm dành cho kỳ hạn 36 tháng. Các kỳ hạn khác (6, 9, 12 và 24 tháng), lãi suất dao động trong khoảng 7,9-8,6%/năm.
Khách hàng mua CCTG lớn còn được tặng thêm lãi suất 0,2-0,4%/năm. Với loại CCTG này, khách hàng có thể chuyển nhượng, khi cần có thể cầm cố để vay vốn. Ngoài ra, VietinBank còn đưa ra sản phẩm "Tiết kiệm có kỳ hạn lãi suất thả nổi" dành cho cá nhân gửi tiết kiệm kỳ hạn 12, 18, 24 và 36 tháng.
Với sản phẩm này, khách hàng được quyết định tần suất xác định lãi suất cho khoản tiền gửi. Cụ thể, với kỳ hạn 12 tháng, tần suất xác định lãi suất là 3 tháng (điều chỉnh lãi suất 1 lần); với các kỳ hạn huy động 18, 24 và 36 tháng, tần suất là 6 tháng. Đặc biệt, khách hàng được tặng thưởng lãi suất 0,2-0,7%/năm (tùy thuộc vào kỳ hạn gửi).
Trước đó, Ngân hàng Đầu tư - Phát triển (BIDV) đã phát hành CCTG ngắn hạn bằng VND đợt 2-2009, kéo dài đến giữa tháng 8-2009. CCTG có các kỳ hạn 3, 6, 9 tháng và 364 ngày, mệnh giá tối thiểu là 1 triệu đồng với cá nhân và 50 triệu đồng với các DN, tổ chức. Nếu rút tiền trước hạn, mức lãi suất được hưởng 45-70% lãi suất cam kết (tùy từng kỳ hạn).
Đặc biệt, tại kỳ chuyển đổi đầu tiên, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cao hơn tiền gửi có kỳ hạn thông thường tại thời điểm chuyển đổi một biên độ cộng thêm áp dụng cho từng kỳ hạn. Cụ thể, 3 tháng biên độ lãi suất cộng thêm là 0,1%/năm; 6 tháng: 0,15%/năm; 9 tháng: 0,17%/năm; 12 tháng: 0,2%/năm. Mức lãi suất tiết kiệm thông thường hiện nay tại BIDV cao nhất là 8,25%/năm cho các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng...
Động thái này của các đại gia trong ngành ngân hàng khiến nhiều người lo ngại về một cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động VND mới. Lãnh đạo một NHTMCP tại Hà Nội cho rằng, chính sách cạnh tranh lãi suất luôn là yếu tố gây trở ngại lớn cho các NHTM. Mặc dù thời điểm này, những đợt tăng lãi suất của các NH vẫn chưa quá "nóng", song từ nay đến cuối năm lãi suất có thể tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, việc tăng lãi suất huy động VND của các NH còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu chung của nền kinh tế. Nếu tín hiệu phục hồi của nền kinh tế rõ hơn thì có khả năng lãi suất sẽ trở thành vấn đề rất "nóng" trong việc huy động vốn của các NH.
Các chuyên gia dự báo, lãi suất huy động trong 1-2 tháng tới sẽ không có biến động lớn. Động thái này của các NH lớn không phải là yếu tố có thể "châm ngòi" cho cuộc đua lãi suất mới, mà chỉ tăng để cạnh tranh thu hút các nguồn vốn, nhất là khi dự báo nhu cầu tín dụng ngày càng tăng. Mức lãi suất hiện tại của hầu hết các NH đã được điều chỉnh gần bằng nhau. Vì vậy, yếu tố chính trong cạnh tranh thu hút tiền gửi hiện nay là những chương trình chăm sóc khách hàng cũng như các sản phẩm, dịch vụ mới của NH.
(Theo HNMO)
Các tin khác
YBĐT - Trong mấy năm trở lại đây, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, tạo việc làm cho thanh niên nông thôn, góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn. Tuy nhiên, với thanh niên Yên Bái, đặc biệt là thanh niên đồng bào thiểu số, vùng sâu, vùng cao do trình độ nhận thức còn hạn chế, chưa được tiếp cận nhiều với những nguồn vốn vay ưu đãi nên hiệu quả phát triển kinh tế còn thắp và số lượng người tham gia xây dựng mô hình kinh tế chưa nhiều.
YBĐT - Xã Dế Su Phình (huyện Mù Cang Chải) có 6 thôn, bản với 341 hộ, 100% là dân tộc Mông. Nguồn thu nhập của đồng bào chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp nên đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo rất cao.
Dù được đánh giá là vẫn "ăn nên làm ra" trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song theo kết quả kiểm toán năm 2008 tổng số nợ của các doanh nghiệp Nhà nước vẫn lên tới 181.000 tỷ đồng.
YBĐT - Gia đình chị Bàn Thị Linh, dân tộc Dao là một trong những hộ nghèo của xã Lâm Giang (huyện Văn Yên). Mặc dù làm nông nghiệp nhưng cũng giống nhiều hộ khác trong thôn 9 – một thôn đặc biệt khó khăn của xã, nhà chị Linh không có ruộng. Cuộc sống của vợ chồng chị và 3 đứa con chủ yếu trông vào vài sào đất đồi, mỗi năm trồng 2 vụ ngô và ít cây màu khác. Chị Linh cho biết: “May mà còn có cây ngô nên gia đình tôi đã duy trì được cuộc sống, chứ không thì gia đình chẳng biết trông vào đâu”.