Chăn nuôi lợn theo hướng trang trại: Phải liên kết mới phát triển tốt
- Cập nhật: Thứ hai, 27/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, Yên Bái đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển, các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn và thị trường. Để tháo gỡ các khó khăn đó, bên cạnh các cơ chế chính sách hỗ trợ thì các chủ trang trại nên có những giải pháp riêng, trong đó chú trọng liên kết, cùng phát triển giữa các hộ chăn nuôi...
Trang trại lợn của gia đình ông Nguyễn Quang Hòa thôn 6, xã Minh Quán (huyện Trấn Yên).
|
Những khó khăn cần tháo gỡ
Để giúp người dân trong đó có những hộ chăn nuôi lợn từng bước tháo gỡ khó khăn, tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, Chính phủ và tỉnh đã có nhiều chính sách thực hiện hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi hay chính sách hỗ trợ giảm lãi suất vay. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện, rất nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa được tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ đó.
Là một chủ trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc có quy mô lớn tại thôn 6, xã Minh Quán (huyện Trấn Yên), ông Nguyễn Quang Hòa cho biết: “Chủ trương hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ giảm lãi suất vay của Chính phủ là rất phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, để được giảm lãi suất vốn vay, chúng tôi thấy khó quá! Các thủ tục mặc dù rất đơn giản nhưng cái khó là lại phải có hóa đơn đỏ chứng minh dự án chăn nuôi. Như gia đình tôi do làm đại lý trực tiếp của nhà máy thức ăn gia súc Charoen Pokphand thì mới có hoá đơn mua bán cám chứ như các gia đình khác mua bán hầu hết đều trao đổi thoả thuận bằng miệng, lấy đâu ra hoá đơn đỏ!”.
Trên thực tế, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Yên Bái đa phần là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, làm ăn cá thể, manh mún, việc mua bán vật tư, con giống chủ yếu được thực hiện qua các đại lý và các tiểu thương nên hầu hết không thể chứng minh được giá trị nguồn hàng bằng các loại hoá đơn, chứng từ. Nhiều chủ hộ trang trại chăn nuôi bộc bạch: Chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp người chăn nuôi tháo gỡ khó khăn trong thời cảnh kinh tế khủng hoảng là rất tốt, nhưng khó có thể thực hiện. Vì mua bán chủ yếu nhỏ lẻ nếu đi xin hoá đơn đỏ thì người chăn nuôi phải chịu thuế giá trị gia tăng 10%, trong khi đó, có hoá đơn chỉ được giảm lãi suất 4%. Như thế, khác nào đốt tờ 10 nghìn để đi soi tờ 4 nghìn. Thêm vào đó, theo quy định của các ngân hàng để được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi, trước hết người dân phải thực hiện trả hết nợ cũ thì mới được vay nguồn vốn mới (tức là phải “trắng” nợ mới được vay vốn).
Trong khi đó, dù đã nhận được mức hỗ trợ 30 triệu đồng/ 1 trang trại, song vì mức đầu tư lớn và nguồn vốn để chăm sóc, duy trì hoạt động chăn nuôi cũng rất cao nên đa phần các hộ chăn nuôi lợn theo hướng trang trại đều đã vay vốn tại các ngân hàng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc muốn vay thêm vốn để phát triển sản xuất, mở rộng trang trại, các hộ chăn nuôi phải trả nợ cũ – một điều gần như không thể thực hiện!
Không vay được vốn, không được hưởng chính sách ưu đãi về lãi suất, các hộ chăn nuôi buộc phải vay các nguồn khác với mức lãi suất rất cao. Chi phí chăn nuôi lại phải “cõng” thêm rất nhiều chi phí khác khiến nhiều người dân tham gia đề án phát triển trang trại lợn hàng hóa gặp phải rất nhiều khó khăn. Năm 2008, ông Trần Ngọc Đức ở thôn Ninh Thuận xã Nga Quán, (huyện Trấn Yên) đã đầu tư hơn 120 triệu đồng để mở rộng trang trại và mua lợn giống thả nuôi. Tuy nhiên, sau một thời gian chăm sóc vất vả, gia đình đành phải bán với mức giá 18.000đồng/1kg. Ông than ngắn, thở dài: “Chăn nuôi thời nay sao khó quá. Giá cả lên xuống thất thường, không biết đường nào mà lần. Tôi đã nhiều lần gọi người đến mua, nhưng họ cứ chê này, chê nọ. Lợn đã lớn, càng nuôi sẽ càng lỗ nặng hơn nên tôi đành phải bán thôi. Bây giờ bán lợn xong, chúng tôi cũng không biết có nên nuôi nữa hay không”. Theo tính toán của ông Đức thì giá một con lợn thịt giống loại 20 - 25 kg là 800.000 đồng - 1,1 triệu đồng, nuôi 3 tháng được khoảng 65 - 70 kg lợn hơi/ 1 con, bán với giá 18.000 - 22.000đồng/1 kg sẽ thu được 1,3 – 1,5 triệu đồng/ con. Trong thời gian 3 tháng, người chăn nuôi phải đầu tư 300.000 đồng mua thức ăn tinh, cộng với tiền mua các loại thức ăn phụ khác, tiền thuốc thú y... hơn 500.000 đồng nữa. Như vậy, sau khi trừ chi phí đầu tư thì người chăn nuôi vẫn lỗ.
Một nguyên nhân nữa khiến những hộ chăn nuôi lợn thua lỗ và không còn mặn mà mở rộng sản xuất là chi phí đầu vào tăng quá cao. Hiện nay, trên thị trường, 1 kg lợn giống siêu nạc giá dao động từ 30.000 - 50.000 đồng, còn giá cám tăng bình quân 2.000 đồng/ 1kg và giữ ở mức 15.000 - 20.000đồng/ kg, do đó dù chăn nuôi thế nào người dân cũng vẫn lỗ. Anh Nguyễn Quang Hòa ở thôn 6, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên cho biết: “Bình quân, đối với những con lợn dưới 40 kg, tăng được 1 kg thịt phải mất 1,6 kg cám và với loại trên 40 kg thì tăng 1 cân phải mất 2,3 - 2,5 kg cám. Tức là 1 chu kỳ chăn nuôi với tổng đàn là 100 con lợn, chúng tôi phải đầu tư từ 80 - 110 triệu tiền giống, 90 - 120 triệu tiền thức ăn, cộng với tiền điện, tiền thuốc... thì thu được 7 - 8 tấn lợn hơi. Với giá bán hiện nay là 25.000 - 26.000 đồng/ kg, chưa tính đến những rủi ro như lợn bị dịch bệnh hay bị tư thương ép giá thì mỗi lứa chúng tôi đã lỗ khoảng 5 -10 triệu đồng.”.
Người dân cần liên kết tạo lợi thế chăn nuôi
Thực tế quá trình phát triển kinh tế cho thấy, thị trường các loại hàng hoá nông lâm nghiệp thường có rất nhiều biến động. Nếu các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này không có sự chuẩn bị tốt thì sản phẩm làm ra sẽ không thể tiêu thụ được hoặc nếu có tiêu thụ thì cũng bị ép giá dẫn đến thua lỗ và có thể dẫn đến phá sản. Liên kết làm ăn cùng phát triển đang là một trong những xu hướng giúp người chăn nuôi tăng tính chủ động, hiệu quả trong làm ăn để đối phó với các rủi ro như dịch bệnh, sự lên xuống thất thường của các loại vật tư đầu vào hay thị trường sản phẩm đầu ra.
Những khó khăn về vốn, thị trường trong sản xuất kinh doanh là điều không tránh khỏi đối với tất cả các đơn vị doanh nghiệp hay cá nhân dù nhỏ hay lớn. Vì vậy, nên chăng các chủ trang trại trên địa bàn tỉnh sẽ liên kết thành các hiệp hội để tự mình tạo lợi thế trong kinh doanh? Tổ chức giúp nhau áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, quay vòng vốn và xây dựng thị trường chăn nuôi ổn định, đồng thời nhanh chóng điều chỉnh các khoản chi khi thị trường có những diễn biến bất thường. Thông qua các hoạt động, hiệp hội sẽ hướng dẫn các hộ chăn nuôi các biện pháp tận dụng triệt để các nguồn nguyên liệu, các phế phụ phẩm của nông nghiệp để giảm chi phí chăn nuôi.
Đặc biệt, hiệp hội có thể phối hợp với các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và thành lập các điểm đại lý cung ứng vật tư để hạn chế tối đa các khâu trung gian, các chi phí phát sinh. Một lợi thế nữa khi thành lập hiệp hội là người chăn nuôi đã có một tổ chức để đứng ra thực hiện giao dịch với các nhà máy cung ứng và những nơi cung cấp giống. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc khó khăn về các thủ tục như hoá đơn đỏ, chứng từ sẽ được giải quyết và đại diện hiệp hội sẽ đứng ra vay vốn các ngân hàng với mức hỗ trợ lãi suất rồi về cho các thành viên vay để đầu tư mở rộng trang trại hay mua con giống. Tuy nhiên, để việc hình thành các hiệp hội có thể thực hiện được thì vai trò chỉ đạo, định hướng, tạo điều kiện các cơ quan chức năng là hết sức cần thiết. Khi đó, hiệp hội mới có thể hoạt động đúng luật và hiệu quả.
Đức Thành
Các tin khác
YBĐT-Kinh tế - xã hội huyện Trấn Yên đã và đang có bước phát triển khá toàn diện, kinh tế hộ ngày một được khẳng định, tỷ lệ hộ đói nghèo ngày một giảm. Đặc biệt, các vùng nông thôn đã có nhiều khởi sắc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh mang tính hàng hóa lớn. Đạt được kết quả đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự nỗ lực của người dân, bên cạnh đó có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn vay NHNo&PTNT.
YBĐT - Kỳ họp thứ XV HĐND thành phố Yên Bái khoá XVIII nhiệm kỳ 2004 – 2009 vừa được tổ chức nhằm đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2009. Đến dự có đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.
YBĐT - Vụ đông xuân năm 2009, Hội Phụ nữ huyện Văn Yên phối hợp với Trạm Khuyến nông thực hiện dự án đưa phân viên nén dúi sâu cho lúa tại 3 xã Đại Phác, Yên Phú, An Thịnh và 15 xã ngoài vùng dự án với tổng số 833 hộ tham gia và 52 ruộng được áp dụng.
Thay vì tỉa bỏ lá xoài, người trồng vườn tại Cam Ranh đã có sáng kiến thu gom lá đem bán cho các công ty dược phẩm để sản xuất tinh dầu.