Hạ giá xăng dầu khi giá thành giảm quá 3%
- Cập nhật: Thứ tư, 29/7/2009 | 12:00:00 AM
Nếu biến động thị trường thế giới làm giá thành xăng dầu giảm trên 3% trở lên thì doanh nghiệp phải hạ giá bán lẻ. Không nhất thiết, mọi trường hợp điều chỉnh giá đều phải “xin phép” liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Nếu giá thành giảm quá 3% thì doanh nghiệp phải hạ giá bán lẻ.
|
Đó là điểm khác biệt lớn nhất của cơ chế kinh doanh xăng dầu mới mà Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ dự thảo cuối cùng của nghị định này. Căn cứ quan trọng để điều chỉnh giá là mức chênh lệch từ 3 - 12% giữa giá cơ sở với giá bán lẻ hiện hành.
Theo dự thảo, nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở chỉ tăng đến 3% hoặc giảm 3% so với giá bán lẻ hiện hành thì các doanh nghiệp sẽ được giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu.
Giá cơ sở là giá để hình thành giá bán lẻ xăng dầu bao gồm các yếu tố và được xác định bởi giá CIF, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, tỷ giá ngoại tệ, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trước thuế, thuế giá trị gia tăng, phí xăng dầu, mức trích Quỹ bình ổn giá và các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định hiện hành. Giá CIF là giá xăng dầu thế giới cộng với phí bảo hiểm, cước vận tải về đến cảng Việt Nam. |
Nếu các yếu tố cấu thành làm giá cơ sở tiếp tục giảm trên 12%, doanh nghiệp đầu mối sẽ hạ tiếp giá bán lẻ và không hạn chế khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá.
Đối với trường hợp tăng giá, dự thảo nêu rõ, nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng từ trên 3 - 12%, doanh nghiệp được quyền tăng giá, tối đa không vượt quá 50% của mức tăng giá cơ sở. Mỗi lần tăng giá cũng phải cách nhau tối thiểu 10 ngày.
Nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng trên 12%, doanh nghiệp đầu mối có thể được tăng giá vượt “ngưỡng” qui định trên nhưng sẽ phải “xin phép” liên bộ tương tự như cơ chế hiện nay. Nghĩa là, doanh nghiệp sẽ phải gửi đăng ký giá tới liên bộ.
Sau 3 lần tăng giá liên tiếp, các yếu tố cấu thành vẫn làm cho giá cơ sở tiếp tục tăng trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá.
Qui định này cho thấy, Nhà nước sẽ chỉ can thiệp vào thị trường xăng dầu khi có biến động thị trường quá lớn. Điểm này sẽ khắc phục sự bất hợp lý trong cơ chế hiện nay là Nhà nước thường xuyên phải “bình ổn” giá dù giá thế giới biến động mạnh hay nhẹ, thông qua các văn bản chấp thuận hay không chấp thuận điều chỉnh giá.
So với Nghị định 55, cơ chế mới về điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu sẽ được thực hiện thông thoáng hơn, giao nhiều quyền hơn cho các doanh nghiệp đầu mối. Tuy nhiên, doanh nghiệp đầu mối sẽ phải có trách nhiệm tham gia bình ổn giá và sẽ được bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá.
Dù thông thoáng hơn song dự thảo này vẫn chưa qui định rõ, trong trường hợp doanh nghiệp không điều chỉnh giá đúng qui định như không giảm giá hay tăng giá quá mức thì sẽ có chế tài xử lý như thế nào? Dự kiến ngày 29/7, Bộ Công Thương sẽ tổ chức lấy ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp.
(Theo VietNamNet)
Các tin khác
YBĐT - Dù là tỉnh miền núi khó khăn, nhưng xác định giao thông phải đi trước một bước nên nhiều năm qua hệ thống giao thông nông thôn miền núi (GTNT-MN) trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng.
YBĐT - Ngày 27/7/2009, Ngân hàng CSXH tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trên địa bàn cả nước đã diễn ra nhiều lần điều chỉnh. Nắm giữ vai trò chủ đạo trong thị phần và trong bối cảnh chung đó, Công ty xăng dầu Yên Bái đã nghiêm túc triển khai các giải pháp tích cực nhằm giữ ổn định thị trường.
YBĐT - Số thu từ khu vực ngoài quốc doanh chiếm khoảng 25% tổng số thu ngân sách hàng năm của Yên Bái. Trong điều kiện kinh tế còn nghèo, nguồn thu hạn hẹp, ngành thuế thực hiện nhiều biện pháp chống thất thu, tăng thu ngân sách nhưng kết quả còn hạn chế.