Đường gần nối bản xa
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2010 | 3:01:47 PM
YBĐT - Vượt qua gần 140 km từ thành phố Yên Bái qua Ba Khe, Đèo Ách rồi thị xã Nghĩa Lộ, chúng tôi đến Trạm Tấu khi những ánh nắng dịu dàng chớm xuân đang bảng lảng nô đùa trên khắp các triền núi.
Thênh thênh đường về Púng Luông (Mù Cang Chải).
(Ảnh: Thanh Miền)
|
Cách trung tâm huyện Trạm Tấu chỉ vài chục kilômet đường chim bay, nhưng những năm trước đây nếu muốn đến xã Làng Nhì nhanh cũng phải mất cả ngày đường đi bộ. Trời nắng đi lại còn đỡ chứ trời mưa thì cả tháng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Không có đường, cái đói cái nghèo gặm nhấm từng ngày cuộc sống của 291 hộ người Mông nơi đây.
Tháng 6/2008, tuyến đường nối từ Bản Mù sang Làng Nhì với tổng nguồn vốn đầu tư trên 20,7 tỷ đồng (vốn trái phiếu Chính phủ) được khởi công xây dựng và đến nay đã sắp đưa vào sử dụng. Con đường đất chỉ rộng chừng 3,5 m này đã rút ngắn khoảng cách đến trung tâm huyện, chỉ còn 27 km thay vì 57 km trước kia.
Những ngày cuối năm, những con đường dẫn tới các thôn: Tà Xùa (xã Bản Công), Khấu Dê, Suối Giao (xã Xà Hồ), Chí Lư (xã Phình Hồ), Đề Chơ, Chống Tàu, Chống Chơ (xã Làng Nhì); Tà Đằng, Háng Đề Chơ (xã Tà Xi Láng), Háng Tày, Giao Cán (xã Pá Lau)... ấm lên bởi màu hoa đào ven sườn núi, bởi những chuyến hàng ngược xuôi trên những cung đường mới mở.
Năm nay, người dân Trạm Tấu đã tổ chức thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng 65 công trình giao thông với tổng chiều dài gần 160,6 km (giá trị thực hiện ước đạt trên 4,8 tỷ đồng).
Anh Thào A Chư, Chủ tịch UBND xã Pá Lau tâm sự: “Hiện nay, đa phần các tuyến đường trên địa bàn xã chủ yếu là đường đất đá, chưa nắng đã bụi, chưa mưa đã lầy, lại bị chia cắt bởi các khe suối, dốc cao trơn trượt, người dân đi lại rất khó khăn, nhất vào mùa mưa.
Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, năm 2008, 2009, Pá Lau đã vận động người dân đóng góp trên 7.000 ngày công mở mới 5 km đường, chủ yếu là các tuyến nội thôn, đường đến trường học và đường liên xã”.
Sự hiện diện của những cung đường không chỉ thổi luồng gió mới đến từng căn nhà của người dân Trạm Tấu mà còn tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều thôn, bản vùng cao.
Toàn tỉnh đã huy động được trên 378,7 tỷ đồng để phát triển giao thông nông thôn - miền núi, trong đó nhân dân đóng góp trên 26,6 tỷ đồng. Đã mở mới 43,7 km đường ô tô, 246,13 km đường thôn bản; nâng cấp cải tạo 218,38 km đường giao thông nông thôn - miền núi; xây mới 215 cầu, cống, ngầm tràn các loại... là những con số thống kê nói lên những việc đã làm được của ngành giao thông - vận tải trong năm qua.
Ngay sau khi các tuyến đường được hoàn thành, những chuyến xe chở đầy hàng hoá đã đến được với người dân. Hàng hoá đa dạng, tốc độ giao thương buôn bán được đẩy nhanh, bà con đi thăm khám bệnh, trẻ em đi học đến trường cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
Đường gần đã nối bản làng xa. Mùa xuân đến nối dài hy vọng. Chuyện kể về cuộc sống ngày mai của đồng bào nơi núi cao đang bắt đầu từ những con đường.
Đức Thành
Các tin khác
YBĐT - Những ngày này đang vào thời kỳ cao điểm ở các công trình xây dựng. Đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp một không khí thi đua sôi nổi như chạy đua với thời gian để hoàn thành vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, thiết thực lập thành tích mừng xuân, mừng Đảng.
Vàng miếng trong nước sáng 5/2 trượt đến 500.000 đồng/lượng, khi thị trường vàng thế giới đêm qua chứng kiến đà giảm giá tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2008, từ mức 1.100 USD/oz xuống dưới 1.060 USD/oz
YBĐT - Nhìn vào việc tăng đàn bò của tỉnh Yên Bái trong thời gian này cho thấy, số lượng tuy nhiều nhưng chủ yếu là do nhập đàn cơ học, việc tăng đàn này không phản ánh trung thực sự phát triển bền vững của đàn bò.
YBĐT - Nằm trong các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh giai đoạn 2006-2010, thông qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, chính sách ưu đãi tín dụng cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh đến nay đã huy động nguồn vốn đạt trên 1.014 tỷ đồng, (đạt 132% cả giai đoạn).