Du xuân Đông Hồ

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/3/2010 | 9:29:56 AM

YBĐT - Dải đất phía đông hồ Thác Bà thuộc huyện Yên Bình (Yên Bái) vốn rất đỗi quen thuộc. Nhưng chưa bao giờ tôi đến với vùng đất này theo đúng nghĩa của một chuyến du xuân. Bởi vậy, chuyến xuất hành đầu năm Canh Dần, tôi đã chọn tuyến Đông Hồ mà thẳng tiến...

Nông dân xã Ngọc Chấn (huyện Yên Bình) đang tích cực khai thác gỗ rừng trồng để lấy đất trồng rừng vụ xuân 2010.
Nông dân xã Ngọc Chấn (huyện Yên Bình) đang tích cực khai thác gỗ rừng trồng để lấy đất trồng rừng vụ xuân 2010.

Thật thú vị, trong chuyến đi này, tôi đã có thêm những cái nhìn thật mới lạ giữa một vùng đất thân quen. Nhịp sống đầu xuân như bùng ra từ bao chất chứa suốt mùa đông.

Cái nắng hoe vàng đầu xuân, khiến chồi non lộc biếc của những vườn cây ăn quả, những nương chè, vườn ươm…thêm mỡ màng, căng tràn nhựa sống. Những vườn bưởi đặc sản chạy từ Đại Minh lên tận Hán Đà, tỏa vào không gian nức mùi hoa. Mỗi vườn bưởi đều thấy đông trai gái và người thì vin cành, người leo cây, tíu tít nói cười. Họ làm gì vậy? Tôi ghé thăm một khu vườn. Thấy người lạ đứng nhìn, các thôn nữ đang leo cây phá lên cười vì e thẹn. Nhưng rồi, qua mấy câu chuyện làm quen thì họ lại chuyển sang thế chủ động trêu tôi: “Anh nhà báo ơi! Mời anh leo lên đây thụ phấn cho bưởi nhà em!”. Tất cả phá lên cười!

Một thôn nữ xinh xinh cho biết: “Thu nhập chính của gia đình em là nhờ cây bưởi. Hoa bưởi chỉ nở rộ vào ít ngày trong tháng Giêng, nếu không thụ phấn kịp sẽ bị lỡ dịp. Nhà em làm không xuể nên phải thuê người và nhờ anh em từ Phú Thọ lên làm giúp”.

Lên thị trấn Thác Bà, lại thấy mỗi vườn ươm của tư nhân hay vườn ươm của Công ty Lâm nghiệp Thác Bà, đều tấp nập người và xe vận tải đến mua cây giống rồi tỏa đi mọi ngả. Qua cầu Thác Ông sang xã Vĩnh Kiên, đến xã Vũ Linh, giữa không gian tươi non trong nắng là cảnh nhà nông nơi thì tất bật thăm đồng cỏ lúa, nơi thì rộn ràng thu hái hoa tươi, rau quả.

Cảng cá Phúc An cũng đã tấp nập trở lại sau những ngày nghỉ tết. Một vài ngư phủ cho biết: thời gian nghỉ tết là dịp hồ Thác Bà tĩnh lặng. Lúc này cá tôm lại tụ về theo luồng, theo lạch, vì thế những mẻ lưới đầu năm cũng bội thu hơn. Cũng từ xã Phúc An trở lên Yên Thành, Xuân Lai, Mỹ Gia, Cẩm Nhân, Phúc Ninh, Ngọc Chấn… là không gian sinh sống của người Dao, Cao Lan, Tày, Nùng từ rất lâu đời. Nhiều ngôi nhà sàn mới đã mọc lên, dù nó được làm bằng kết cấu bê tông cốt thép nhưng nó vẫn đẹp bởi tính đặc thù văn hóa và phản ánh một sức sống vươn lên. Cả vùng này đều bận bịu những công việc rất giống nhau, đó là khẩn trương trồng lạc, cấy lúa trên đất bán ngập; làm đất trồng sắn, trồng rừng niên vụ mới.

Trong sự bộn bề công việc của người dân ở dải đất này, chúng tôi nhận ra rằng, bao nhiêu toan tính cho một năm làm ăn mới đang được khởi động mạnh ngay từ đầu xuân với một quyết tâm lớn. Cho dù là người Kinh hay dân tộc ít người cũng đều toát lên được tư duy năng động, sáng tạo trong cách làm ăn và đều đã bám sát chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ứng dụng vào thực tế cuộc sống.
Người dân ở vùng trồng bưởi đặc sản vài năm trước, không hiểu sao bưởi bỗng dưng liên tục mất mùa và họ đâu có biết cần phải thụ phấn cho hoa bưởi, nay nhờ Dự án bảo tồn giống bưởi đặc sản Đại Minh thì họ mới biết đến kỹ thuật này. Vụ bưởi vừa qua, giá một quả bưởi nửa đời (bưởi trồng từ 10-20 năm tuổi) bán vào dịp tết có giá bình quân 15.000 đồng và loại bưởi già thì giá bình quân khoảng 22.000 đồng một quả. Nhiều nhà vườn có vài sào bưởi cũng kiếm được ngót trăm triệu đồng. Điều quan trọng hơn là bưởi đặc sản Đại Minh đang tìm lại vị thế kinh tế của mình.

Cách làm nông nghiệp của bà con ở xã Vĩnh Kiên cũng khiến chúng tôi thật sự bất ngờ. Mùa này, ruộng ở nhiều thôn không thuận nước, bà con đã chuyển sang trồng rau màu, trồng hoa. Anh Phạm Văn Hạnh - trưởng thôn Đa Cốc đang thu hoạch hoa cúc đã cho biết: “Khoảng tám thước đất ruộng này, năm ngoái tôi đã thu được hơn 2 chục triệu tiền hoa”. Nhiều hộ trồng rau màu cũng cho thu nhập khá vì họ tập trung vào trồng các loại rau quả trái vụ. Hai vợ chồng một người nông dân cùng thôn Đa Cốc đang chăm sóc ruộng dưa chuột trái vụ, bảo rằng: “Nếu sào ruộng này trồng hai vụ lúa thì chỉ thu được quãng 3 triệu đồng. Nay chúng tôi trồng một vụ rau, trồng thêm vụ lúa mùa, trồng cây ngô đông thì sẽ kiếm được trên chục triệu đồng”.

Tuy nhiên, trong sự gặp gỡ đầu xuân, những tâm sự của chị Bàn Thị Viện - một phụ nữ dân tộc Dao ở xã Yên Thành đã khiến tôi cũng được vui lây. Chị bảo rằng, quãng chục năm về trước, tháng Giêng ở đây đúng là tháng ăn chơi. Ăn tết xong chỉ cấy được ít lúa ở ruộng ven hồ, đi lấy măng vầu rồi đánh rọ tôm kiếm sống qua ngày. Còn bây giờ thì bận quá vì chưa cấy lúa trồng lạc ở đất bán ngập xong thì đã phải lo trồng sắn, trồng rừng. Mặc dù bận nhưng vẫn vui vì có làm thì có cái ăn cái để.

Tâm sự của chị Viện có lẽ cũng là tâm sự chung của mọi người dân ở dọc tuyến Đông Hồ của huyện Yên Bình vì đặc thù chung của vùng này trước đây đều cơ bản như vậy. Nhưng để có thêm một vụ lạc dưới cốt nước hồ Thác Bà và có phong trào trồng sắn, trồng rừng như hôm nay, là cả một sự nỗ lực đầu tư nghiên cứu, xây dựng hạ tầng cơ sở, chỉ đạo ứng dụng… từ các cấp, các ngành và huyện Yên Bình. Những tiềm năng kinh tế mới trong đó có cả tiềm năng về khoáng sản cùng với truyền thống chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt thủy sản trên hồ và đặc biệt là tiềm năng về con người, sẽ là những nguồn lực mạnh mẽ để miền quê Đông Hồ tiếp tục cất cánh tương lai. 

Thầy giáo Nguyễn Văn Thu, công tác ở vùng này đã lâu, nhận xét rằng, vùng đất này so với vài năm về trước, đúng là thay đổi quá nhanh. Con đường nhựa chưa có thì mọi giao lưu với bên ngoài chủ yếu là đường thủy. Bây giờ, sử dụng điện thoại di động, Internet, tivi, xe máy, ô tô đều rất thuận tiện. Người dân đã quan tâm hơn đến chuyện học hành của con cái. Chẳng hạn như việc học hành của con em người Dao ở thôn 9 xã Yên Thành (thôn ở ngoài đảo hồ) trước đây vận động rất khó khăn nhưng bây giờ thôn, xã đã làm nhà cho con em học bán trú. Rõ ràng, việc nâng cao đời sống kinh tế và nâng cao dân trí đang bước song hành. Xin lấy lời nhận xét của thầy giáo Thu để thay cho lời kết.

Hoàng Nhâm

Các tin khác

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 35/2010/TT-BTC, hướng dẫn về thuế xuất khẩu đối với gỗ và than cốc được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu.

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy xi măng Vinaconex Yên Bình.

YBĐT - Thông tin từ Tổng công ty Vinaconex, đến cuối quý II-2010 Dự án chế biến bột đá CaCO3 do Công ty cổ phần đá trắng Vinaconex Yên Bình làm chủ đầu tư có công suất 150.000 tấn/năm sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

Hiện nhiều sinh viên, người thuê nhà trọ phải mua điện với giá gấp đôi, gấp ba giá điện Nhà nước quy định.

Ngày 15/3 Bộ Công Thương đã ra chỉ thị số 11/CT- BTC về kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá bán lẻ điện năm 2010 tại các địa điểm cho thuê nhà để ở, nhằm đảm bảo cho người thuê nhà để ở được trực tiếp áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang theo đúng quy định.

Nhận định này được các diễn giả đưa ra tại hội thảo “Chống hàng nhái, hàng giả - bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng (NTD)” do Cục Quản lý cạnh tranh (VCAD) - Bộ Công thương phối hợp cùng Trung tâm Truyền thông chống hàng giả VN tổ chức ngày 15-3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục