Quy hoạch và phát triển vùng ngô hàng hoá: Còn nhiều điều trăn trở!

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/3/2010 | 8:55:50 AM

YBĐT - Ngô là cây trồng quan trọng ở Yên Bái, diện tích, sản lượng ngô chỉ đứng sau cây lúa. Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, song sản xuất ngô vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả vì diện tích gieo trồng lớn nhưng nhỏ lẻ, phân tán, năng suất chỉ đạt 65,3% so với năng suất bình quân chung của cả nước...

Ngô đông hàng hóa trên cánh đồng Mường Lò.
Ngô đông hàng hóa trên cánh đồng Mường Lò.

Hiện nay diện tích gieo trồng ngô hàng năm của Yên Bái đạt trên 17 ngàn ha (chiếm 30% diện tích gieo trồng cây lương thực), sản lượng đạt trên 45 ngàn tấn (chiếm 21% tổng sản lượng lương thực). Trước đây ngô chỉ được gieo trồng trên diện tích đất soi bãi, đất mầu, đất đồi ở vùng cao thì gần đây, các địa phương đã mở rộng diện tích nhất là trồng ngô trên đất 2 vụ lúa (bình quân mỗi năm tăng 700 ha). Các tiến bộ kỹ thuật về giống, thâm canh đã được nông dân áp dụng vào sản xuất. Hiệu quả kinh tế từ cây ngô đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và tăng thu nhập của người dân. Ngô cũng đã góp phần không nhỏ vào phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tại địa phương. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, sản xuất ngô vẫn chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu và nguồn nhân lực.

Sản xuất ngô trên đất dốc không áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, gây nên tình trạng xói mòn, thoái hoá đất. Diện tích gieo trồng nhiều nhưng lại sản xuất quảng canh, thiếu đầu tư thâm canh, năng suất thấp. Năm 2008, năm được đánh giá là năm có năng suất ngô cao nhất từ trước đến nay nhưng cũng chỉ đạt 26 tạ/ha. Với năng suất như vậy, mới bằng 73,7% năng suất ngô của các tỉnh miền núi phía Bắc và đạt 40% năng suất theo tính toán kỹ thuật của giống ngô lai. Bên cạnh đó, sản xuất ngô chưa được đầu tư đồng bộ từ khâu quy hoạch, tổ chức sản xuất và chế biến, tiêu thụ.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến năng suất ngô thấp, nhiều ý kiến tập trung vào 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất là, đối với sản xuất ngô đông trên đất 2 vụ lúa, thời vụ là yếu tố quyết định tới năng suất, nhưng chỉ có 30 - 35% diện tích đáp ứng được yêu cầu thời vụ và tập trung ở cánh đồng Mường Lò, còn lại phần lớn là gieo trồng chậm thời vụ từ 15 - 20 ngày nên khi ngô trỗ cờ phun râu trong nền nhiệt độ thấp dẫn đến năng suất thấp. Thứ hai là, mức đầu tư thâm canh thấp vì để đạt năng suất 5 tấn/ha, đòi hỏi lượng phân bón tối thiểu phải đạt 500kg NPK + 150 kg đạm Urê + 120kg Kaly + 10 tấn phân hữu cơ.

Song, thực tế lượng phân bón cơ bản mới đạt 75% so với yêu cầu. Mật độ gieo trồng ngô không đảm bảo yêu cầu, số lượng cây/ha thì đạt nhưng khoảng cách giữa các cây là không đảm bảo, người dân thường có thói quen gieo nhiều cây/hốc và khoảng cách giữa các cây thưa dẫn đến tình trạng bắp nhỏ, năng suất thấp. Vấn đề thu hoạch và tiêu thụ dưới hình thức bắp tươi hoặc bắp khô ngay sau thu hoạch, lượng ngô dự trữ trong dân không nhiều.

Ngô trồng trên đất đồi dốc Trạm Tấu đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao.

Để sản xuất ngô thực sự trở thành cây trồng chủ lực, phát huy được lợi tiềm năng lợi thế, địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn, nhất thiết phải xây dựng và đầu tư cho sản xuất ngô hình thành vùng sản xuất hàng hoá với khối lượng lớn. Bởi lẽ, tiềm năng phát triển ngô của Yên Bái là rất lớn, cùng với đó là thị trường cũng rất phong phú. Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn ngô để chế biến thức ăn chăn nuôi. Từ thực tế đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa xây dựng Đề án phát triển sản xuất ngô hàng hoá giai đoạn 2010 - 2015. Mục tiêu của dự án tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ và tổ chức chỉ đạo sản xuất để hình thành vùng sản xuất ngô hàng hoá với diện tích tập trung, năng suất cao.

Năm 2010, đưa tổng diện tích gieo trồng đạt 22 ngàn ha, năng suất bình quân đạt 29 tạ/ha, sản lượng đạt 64 ngàn tấn (vùng sản xuất ngô hàng hoá 18 ngàn ha, năng suất đạt 30 tạ/ha, sản lượng đạt 54 ngàn tấn, giá trị sản phẩm hàng hoá đạt 180 tỷ đồng). Đến năm 2015, diện tích đạt trên 22 ngàn ha, năng suất ngô bình quân đạt 38 tạ/ha, sản lượng 115 ngàn tấn (ngô hàng hoá 25 ngàn ha, năng suất đạt 42 tạ/ha, sản lượng 100 ngàn tấn, giá trị sản phẩm hàng hoá đạt 320 tỷ đồng).

Những mục tiêu Đề án đưa ra không quá cao và phù hợp với lợi thế về đất đai, lao động… địa phương, song, có một điều dễ nhận thấy là việc đầu tư, hỗ trợ sản xuất ngô hàng hoá Đề án đưa ra chưa thực sự sát với yêu cầu thực tế. Bởi sản xuất ngô ở Yên Bái đang thiếu sự quy hoạch, sản xuất quảng canh, thiếu đầu tư dẫn đến năng suất thấp. Do vậy, để hình thành vùng ngô hàng hóa cần làm tốt công tác quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung và đầu tư thâm canh tăng năng suất, nhưng dự án lại tập trung vào hỗ trợ 50% giá giống ngô lai cho sản xuất ngô hàng hoá trên đất 2 vụ lúa trong vụ đông 2009 và 2010; hỗ trợ 30% giá giống ngô lai cho diện tích ngô hàng hoá trên diện tích đất đồi thấp, soi bãi tổng vùng quy hoạch trong vụ xuân và hè thu năm 2010.

Tổng kinh phí hỗ trợ sản xuất ngô trong năm 2009 và 2010 là 15.200 triệu đồng (14 tỷ đồng giống, 875 triệu đồng cho công tác khuyến nông, 200 triệu đồng cho chế biến bảo quản, 100 triệu đồng cho truyền thông, xúc tiến thương mại). Với các hạng mục hỗ trợ như vậy là không sát với thực tế. Những năm qua, người dân đã sử dụng gần như 100% diện tích là giống ngô lai như: LVN10, C819, CP 999, NK 4.300, B06… nhưng năng suất vẫn đạt thấp và không hình thành được vùng ngô hàng hoá! Vụ đông 2009 – 2010, người dân trong vùng quy hoạch đã được hỗ trợ giá giống nhưng diện tích không tăng mà lại thấp hơn so với kế hoạch 4.400/4.900 ha và năng suất ngô cũng chỉ đạt 30,9 tạ/ha.

Như vậy, để phát triển vùng sản xuất ngô hàng hoá thì cái chính là phải quy hoạch và hỗ trợ người dân về kỹ thuật và phân bón để đầu tư thâm canh tăng năng suất, đó mới đúng với đòi hỏi thực tế, vì Nhà nước không hỗ trợ giá giống thì người dân vẫn mua giống ngô lai để sản xuất như bao vụ đã qua. Một vấn đề nữa cần nói đến là, trong dự án có hỗ trợ 30 ngàn đồng/ha để chi phí cho khuyến nông và chỉ đạo sản xuất (ban chỉ đạo cấp tỉnh 5.000 đồng/ha, cấp huyện, xã 25.000 đồng/ha) nhưng đã qua một vụ sản xuất mà từ tỉnh đến huyện, xã trong vùng dự án không thành lập ban chỉ đạo! không thành lập thì số tiền hỗ trợ này đi về đâu? ...

P.V

Các tin khác
Dây chuyền nghiền thô của Liên doanh YBB trị giá hơn 700 nghìn USD mới hoàn thành và đưa vào sử dụng.

YBĐT - Với tổng mức đầu tư hơn 700 nghìn USD, trạm nghiền thô Mông Sơn của Liên doanh YBB không chỉ đạt công suất 300 nghìn tấn sản phẩm/năm mà còn nâng cao công suất, giảm lao động trực tiếp, ổn định nguồn nguyên liệu và tận thu được nguồn khoáng sản.

Công nhân Công ty cổ phần Xi măng và khoáng sản Yên Bái vận chuyển các sản phẩm CaC03 đi tiêu thụ.

YBĐT - Từ khi thành lập đến nay, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ trong Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái luôn được coi trọng. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty đều được Đảng ủy, Ban giám đốc cùng Hội đồng Quản trị bàn bạc, thống nhất, quyết định, tạo niềm tin với cổ đông và người lao động.

Khi thị trường gạo thế giới trầm lắng và hạt gạo bị ép giá, việc thu mua tạm trữ và giãn tiến độ xuất khẩu gạo hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để giữ giá là điều cần thiết.

Ảnh chỉ có tính minh họa.

Ngày 16/3, giá dầu mỏ thế giới đã tăng lên 82 USD/thùng sau một thời gian giảm mạnh. Nguyên nhân của việc tăng giá này là do giá đồng USD giảm sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức gần bằng 0%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục