Nước cạn, “hạn hán” cả sỏi, đá xây dựng

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/3/2010 | 9:17:35 AM

YBĐT - Các công ty xây dựng, các gia đình đang trong mùa xây dựng, đang chạy đôn, chạy đáo tìm mua sỏi đá xây dựng, các công trình chưa bao giờ thiếu sỏi đá phục vụ cho xây dựng như mấy tháng nay. Hỏi ra mới biết tại hạn hán, các dòng sông, suối cạn nhe, tàu, thuyền không di chuyển vào được hút lấy cát sỏi…

Không có hàng, các băng tải trong dây chuyền đãi sỏi nằm không.
Không có hàng, các băng tải trong dây chuyền đãi sỏi nằm không.

Vợ chồng ông bà Bảo - Thanh ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái vừa khởi công xây dựng ngôi nhà hai tầng. Những tưởng sẵn có đồng tiền, có bản vẽ thiết kế lại thuê được đoàn thợ “có nghề” thì việc xây cất nhà chẳng có gì đáng ngại.
“Thời buổi cơ chế thị trường, giữa trung tâm thành phố, trên địa bàn phường có cả chục cửa hàng vật liệu xây dựng”; nhưng khi đào móng xong, ông Bảo Thanh mới phát hiện ra, trong số hàng chục thứ vật liệu như gạch, sắt, xi măng, cát… cái gì cũng có, cũng sẵn, riêng sỏi thì quá khan hiếm! Chạy đôn chạy đáo khắp, chấp nhận giá đắt cũng chẳng có sỏi sông Hồng, không thể dừng hoãn được mãi, ông đành mua sỏi sông Lô, thứ sỏi xấu, kém chất lượng về dùng tạm phần móng cho “công trình thế kỷ” của mình. Chấp nhận giá cao mà đâu có dễ mua và tiêu chuẩn kỹ thuật lại hạn chế.

Tình trạng khan hiếm sỏi sông Hồng đã và đang khiến các nhà thầu và những gia đình đang xây nhà lâm vào bế tắc. Lúc đầu chấp nhận giá cao, miễn có sỏi để làm nhưng giá thì cứ ngày một cao dần, cao dần, đến mức giá 270.000đ/m3 thì nhiều người không thể chịu nổi; những người sử dụng khối lượng ít đành chấp nhận giá cao, giờ cũng chẳng có để mua.

Sỏi Đoan Hùng, khai thác trên sông Lô, giá cũng rất cao (hiện nay khoảng 230.000đ/m3) mua cũng rất khó, hoặc chuyển sang dùng đá xay, cũng rất hiếm và giá thì cao hơn thời điểm thông thường nhiều lần, cuối cùng là chấp nhận giãn, hoãn tiến độ.

Giám đốc một công ty xây dựng cho biết: “Dù áp dụng cách nào thì chủ thầu cũng chết”. Dùng sỏi sông Lô, chở từ Đoan Hùng lên, trả tiền cước cũng đủ chết, nhìn đống sỏi như đống đá gan gà mà giá lên đến 230 nghìn đồng. Vậy mà mua đâu có dễ! Dùng đá xay thì đắt không chịu nổi.

Đối với công trình nhận thầu của Nhà nước, thay đổi chủng loại vật liệu là chuyện không đơn giản và cũng rất mất thời gian; phần phát sinh về giá ấy ai chịu? Quay về cách giãn, hoãn thời gian thi công thì không phải lúc nào cũng ổn; không phải công trình nào cũng áp dụng được, hợp đồng nhận thầu quy định rõ tiến độ thi công; chủ đầu tư thông cảm cho thì đỡ, công trình nào không ép tiến độ quá thì ì ra được, bằng không thì chỉ còn cách bó tay!

Giải thích cho hiện tượng khan hiếm sỏi trầm trọng hiện nay, ông Nguyễn Văn Huynh - Giám đốc Công ty Văn Huynh huyện Trấn Yên, chuyên ngành khai thác cát sỏi trên sông cho biết: Tất cả là tại ông trời! Hạn hán quá, sông Hồng trơ đáy, có những chỗ nước chỉ dưới 50 cm, không một tàu thuyền nào đi lại được nên làm gì có đường chở sỏi đi.

Tình trạng khan hiếm sỏi thì năm nào cũng diễn ra, từ khoảng cuối tháng 12 đến cuối tháng 2 là chấm dứt nhưng mùa khô năm nay thì hạn hán khốc liệt, từ 15 tháng 12 năm 2009 đến nay tàu thuyền “mắc cạn”, nếu  hạn hán cứ tiếp diễn thì việc không có sỏi xây dựng còn tiếp diễn.

Ông Tuấn Thành - chủ một đại lý cát sỏi ở thành phố Yên Bái cho biết thêm: Dân cát sỏi đã lường trước được tình trạng khan hiếm sỏi, nhà nào cũng chuẩn bị một lượng hàng đáng kể để bán nhưng cầu đã vượt quá cung, trong khi tốc độ xây dựng tăng mạnh lại cộng thêm xu thế làm nhà khung,  móng cốc nên lượng sỏi tốn hơn và dùng ngay từ đầu, (khác với trước đây, xây tường chịu lực rồi đổ mái nên sỏi tốn ít và chỉ dùng vào phần mái).

Ai cũng biết trước cả nhưng găm hàng để bán sau tết không dễ, thứ nhất là đọng vốn, thứ hai không có kho bãi đủ lớn để chứa hàng; có năm nhiều người bạo tay tích trữ sỏi nhiều nhưng năm ấy mưa nhiều, nước lớn, sỏi cũng nhiều mà mưa nhiều thì tiến độ xây nhà kém lại dùng ít sỏi”.

Dòng Thia cạn nước trơ sỏi nhưng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng giãn, hoãn tiến độ xây dựng vì không có sỏi, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Cảnh - Công ty Vinaconex Xuân Mai cho biết:

"Không nên sử dụng vật liệu thay thế một cách bừa bãi mà không biết tiêu chuẩn kỹ thuật. Người dân Yên Bái cũng nên quen dần với việc dùng đá xay để xây nhà, đá xay bao giờ cũng có tiêu chuẩn chất lượng ổn định hơn bất kỳ sỏi khai thác từ sông, suối nào. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp đá tại Yên Bái cũng cần xem lại giá bán đá kích cỡ 1 x 2. Miền núi mà giá đá cao hơn Hà Nội thì thật khó chấp nhận. Nếu công trình không quá gấp rút thì có thể giãn tiến độ, thời gian chắc không kéo dài vì trời đã có mưa, nước sông Hồng sẽ lên, sỏi lại nhiều và giá trở lại bình thường”.

Vẫn biết là nước sông Hồng không thể cạn được mãi, vẫn biết sỏi sông Hồng sẽ lại có và giá sẽ trở lại bình thường, nhưng thị trường xây dựng nói chung và người nghèo gom góp được tý tiền xây cất ngôi nhà nói riêng vốn đã chịu bao phen giá sắt, giá xi măng tăng vù vù, nay chịu thêm cảnh sỏi vừa hiếm vừa đắt thì không thể không lo, cho dù sỏi không phải là vật liệu cơ bản trong xây dựng nhà, nhưng lại là nguyên liệu cơ bản trong hỗn hợp bê tông. Sông Hồng trơ đáy, xem ra không chỉ thiếu nước cho đồng ruộng mà còn “hạn hán” cả sỏi xây dựng.

Lê Phiên

Các tin khác
Thực phẩm sẽ không tăng giá trong thời gian tới.

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), từ đầu tháng 3 đến nay, giá thóc gạo ở miền Bắc ổn định nhưng giảm nhẹ tại miền Nam. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống đã giảm giá sau khi tăng mạnh vào dịp trước, trong và sau Tết. Một số mặt hàng có xu hướng tăng giá như: thép, gas, phân bón, thức ăn chăn nuôi, xi măng với mức tăng từ 2-4%...

Đồng chí Hoàng Xuân Lộc kiểm tra qua trình sinh trưởng của cá tầm tại hồ Thác Bà.

YBĐT – Ngày 19/3 đồng chí Hoàng Xuân Lộc – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái đã đi kiểm tra tình hình nuôi cá tầm của Công ty cổ phần cá tầm phương Bắc trên hồ Thác Bà, huyện Yên Bình (Yên Bái).

YBĐT – Làm gì để đưa cơ giới hoá vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và tạo công ăn việc làm cho đoàn viên thanh niên nông thôn luôn là vấn đề trăn trở đối với tổ chức đoàn. Câu lạc bộ Thanh niên góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế ở Hin Lò, Yên Thắng, Lục Yên (Yên Bái) đã và đang trở thành một điểm sáng trong phong trào thanh niên trên bước đường lập thân, lập nghiệp.

YBĐT - Ngày 19/3/2010, Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Yên Bái phối hợp với UBND thành phố Yên Bái, UBND huyện Yên Bình tổ chức Hội nghị Công bố công khai quy hoạch chi tiết xây dựng mở rộng Khu công nghiệp phía Nam (khu A) tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục