Quyết liệt bình ổn giá cả, kiềm chế nhập siêu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/4/2010 | 8:00:37 AM

Ngày 1-4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 đã kết thúc tại Hà Nội. Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo.

Bốc dỡ hàng hóa xuất khẩu trực tiếp sang Hoa Kỳ tại cảng SP-PSA, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bốc dỡ hàng hóa xuất khẩu trực tiếp sang Hoa Kỳ tại cảng SP-PSA, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tại phiên họp này Chính phủ đã thông qua Nghị quyết kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng với nhiều giải pháp quan trọng. 

Kinh tế quý I: Chưa thể lạc quan

Trong quý I-2010, nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng trưởng 5,83%, tăng 1,9 lần so với quý I- 2009 (3,14%). Cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều đạt kết quả tốt. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,6% (cao hơn kế hoạch đề ra là 12%); giá trị sản xuất ngành xây dựng tăng 17,4%; giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5,8%; giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 6,64%.

Thị trường trong nước tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao. Hoạt động du lịch sôi động, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I tăng 36,2% so với cùng kỳ năm trước, riêng trong tháng 3 tăng 56%. Đầu tư phát triển tiếp tục được đẩy mạnh với tổng vốn tăng 26,23% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt khu vực ngoài nhà nước tăng tới 46,38%.

Tuy nhiên, Chính phủ nhận định: GDP tăng cao hơn nhưng vẫn là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Mặt bằng lãi suất ngân hàng khá cao; tăng trưởng tín dụng chậm, đầu tư nước ngoài giảm sút. Giá cả trong những tháng đầu năm 2010 tăng khá cao so với các năm trước, nhập siêu lớn. Giá cả thế giới tăng và việc tăng giá đầu vào một số mặt hàng trong nước có thể tiếp tục gây áp lực lớn đến mặt bằng giá cả và lạm phát trong thời gian tới.

Việc huy động vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lãi suất có xu hướng tăng khi áp dụng lãi suất thỏa thuận. Hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp trong khi áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế và ngay cả ở thị trường trong nước ngày càng gay gắt hơn.

Trước thực tế đó, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung huy động các nguồn lực toàn xã hội thực hiện bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát tăng và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% như mục tiêu đề ra.

Chính phủ cũng đã thông qua Nghị quyết kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng, sẽ thực hiện lãi suất thỏa thuận với những dự án sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước kéo mặt bằng lãi suất xuống để bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Về giá xăng dầu sẽ sử dụng biện pháp giảm thuế, sử dụng quỹ bình ổn giá để giữ giá. Giá điện, than sẽ được giữ ổn định hết năm 2010. Chính phủ giao các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước bảo đảm bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu như thép, thuốc, xi măng, sữa, đường… Về đầu tư, sẽ kiểm soát chặt chi tiêu công. Chính phủ sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, kiên quyết cắt vốn các công trình chưa cần thiết, không hiệu quả để điều chuyển cho các dự án, công trình hiệu quả, quan trọng.

Không tăng giá xăng dầu

Liên quan đến việc điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, ngày 1-4, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ cho kéo dài khoảng cách giữa 2 lần tăng giá xăng dầu là 30 ngày thay cho quy định 10 ngày hiện nay. Bộ Tài chính cũng có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay không được tăng giá mà sẽ sử dụng quỹ bình ổn giá.

“Chúng tôi cũng yêu cầu nếu giá xăng dầu thế giới giảm, doanh nghiệp cũng phải giảm tương ứng. Còn nếu giá xăng dầu thế giới tăng đột biến, doanh nghiệp trước khi tăng giá phải báo cáo liên bộ để có những biện pháp tài chính phù hợp”, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu nói. 

Chính phủ chủ trương ổn định giá điện đến hết năm 2010.

Một vấn đề đáng quan tâm khác là nhập siêu. Quý I-2010 nhập siêu ước đạt 3,5 tỷ USD, bằng 25% so với tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn chỉ tiêu 20%. Điều này được lý giải là do giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường tăng mạnh (chỉ tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng chủ yếu như xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, phôi thép… đã làm tăng kim ngạch nhập khẩu hơn 1,3 tỷ USD).

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, nếu loại bỏ việc nhập khẩu vàng ra khỏi cân đối xuất nhập khẩu, xuất khẩu quý I-2010 tăng gần 18%. Ngoài ra, “cùng kỳ năm 2009, chúng ta xuất khẩu 4,2 triệu tấn dầu thô nhưng cùng kỳ năm nay chỉ xuất khẩu 2,2 triệu tấn, dành lại 2 triệu tấn cho nhà máy lọc dầu, tương đương 1,2 tỷ USD. Như vậy, nếu tính cả yếu tố dầu thô và vàng, xuất khẩu quý I phải tăng đến 25% - 26%. Xu thế chung là xuất khẩu tăng”, ông Biên cho biết.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc nhập siêu vẫn lớn có thể làm ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên trấn an rằng, chúng ta đã có thời kỳ phải đối mặt với mức nhập siêu lớn hơn nhiều (cùng kỳ năm 2008, nhập siêu lên tới 8,4 tỷ USD, bằng 62% giá trị xuất khẩu). Tuy nhiên, ông thừa nhận trong bối cảnh giá cả thế giới tăng cao và Việt Nam vẫn phải nhập nhiều nguyên vật liệu để sản xuất kinh doanh sẽ là áp lực đối với cán cân xuất nhập khẩu.

(Theo SGGP)

Các tin khác

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố túi nhựa Việt Nam được bán với giá thấp hơn giá thông thường tại Mỹ từ 52,30% - 76,11%; đồng thời cho rằng sản phẩm này được trợ cấp từ dưới 1% - 52,56%.

Chăm sóc rau vụ đông ở thị trấn Nông trường Liên Sơn. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa của huyện Văn Chấn, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ đã chọn cánh đồng 17 ha tại tổ dân phố 3B để triển khai thí điểm dồn điền đổi thửa. Đến nay, việc dồn điền đổi thửa tại tổ dân phố 3B thị trấn đã bước đầu mang lại hiệu quả và được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

YBĐT - Trước tình hình đã nhiều ngày trời không mưa, diện tích lúa bị hạn cần nước dưỡng không ngừng tăng, UBND huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã chỉ đạo sát sao các ban, ngành chức năng đẩy mạnh công tác chống hạn.

Giá vàng trong nước sáng nay (1.4) tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong biên độ từ 20.000 - 30.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa chiều qua, về sát ngưỡng 26 triệu đồng/lượng. Đây là ngày giảm thứ ba liên tiếp của giá vàng trong nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục