Xuân Long: Công trình nước sinh hoạt hỏng do đâu ?

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/4/2010 | 9:13:46 AM

YBĐT - Công trình nước sinh hoạt ở xã Xuân Long, huyện Yên Bình (Yên Bái), thuộc nguồn vốn đầu tư Chương trình 134 của Chính phủ được xây dựng năm 2009 hiện đang nằm trong tình trạng: dân không có nước, chủ đầu tư và nhà thầu đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Kiểm tra hiện trạng dòng nước sạch ở Công trình thủy lợi Nậm Dạ (Trạm Tấu).
Kiểm tra hiện trạng dòng nước sạch ở Công trình thủy lợi Nậm Dạ (Trạm Tấu).

Công trình nước sinh hoạt ở xã Xuân Long, huyện Yên Bình (Yên Bái), thuộc nguồn vốn đầu tư Chương trình 134 của Chính phủ (chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn) nhằm đẩy nhanh việc xóa nghèo cho các hộ dân tộc thiểu số, được xây dựng năm 2009 hiện đang nằm trong tình trạng: dân không có nước, chủ đầu tư và nhà thầu đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Cách thành phố Yên Bái trên 100 km, xã  Xuân Long trước năm 2005 là xã thuộc Chương trình 135 của Chính phủ, nay vẫn còn bốn thôn: 2, 3, 6, 11 thuộc diện đặc biệt khó khăn. Nơi đây chủ yếu là đồng bào Tày sinh sống. Các nếp nhà sàn nằm sát hồ Thác Bà có nhiều núi đá vôi, nên nguồn nước sinh hoạt thường xuyên thiếu và khi đun nấu xuất hiện rất nhiều cặn vôi ảnh hưởng đến sức khỏe đồng bào. Sau nhiều lần kiến nghị, xã được chấp thuận đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ các hộ dân hai thôn 5 và 8.

 Tổng mức đầu tư công trình gần 814 triệu đồng. Đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế thủy lợi- thủy điện Yên Bái. Đơn vị thi công là công ty TNHH Chiến Công và Công ty cổ phần Tư vấn giám sát kiểm định xây dựng Yên Bái là đơn vị giám sát. Sau hơn hai tháng thi công, đến cuối tháng 4- 2009, công trình nước sinh hoạt này được đưa vào vận hành sử dụng với 85 trụ vòi nước, giúp cho gần 100 hộ dân trong xã có nước sinh hoạt.

Nhưng chỉ sau gần ba tháng sử dụng, công trình trên không đủ nước cấp do rò rỉ đường ống và sau đó hoàn toàn tê liệt, khiến người dân trong xã kêu cứu lên trên. Do còn thời gian bảo hành một năm (đến ngày 29- 4- 2010), chủ đầu tư cùng đơn vị thi công nhiều lần tới khắc phục nhưng không được.

Đích thân Chủ tịch HĐND huyện Yên Bình là ông Địch Ngọc Thường sau khi đi tiếp xúc cử tri và giám sát công trình tại xã Xuân Long, đã ký văn bản yêu cầu nhà thầu bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho dân kể từ ngày 13- 1- 2010.

Tuy nhiên, khi có mặt tại xã Xuân Long vào giữa tháng 3- 2010 thì công trình này vẫn không khắc phục được sự cố. Người dân kêu vì không có nước sinh hoạt, nhiều hộ tiếp tục bắc nước lần (dùng máng dẫn nước từ khe núi) về dùng. Khi leo lên núi Rồng, tới đập đầu mối nhằm tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi phát hoảng vì cách thiết kế có một không hai của công trình này.

Nơi tụ thủy khô kiệt trơ ra năm hố trâu đằm và nhiều đống phân trâu; không có khe nước hay bất cứ một loài cây sinh thủy nào như: chuối rừng, dong rừng (loài cây chỉ sống nơi gần nước). Duy nhất còn ri rỉ chút nước từ một máng nước lần của hộ ông  Hoàng Văn Beng ở thôn 8 chặn lấy về nhà sử dụng. Tại bể tập trung, khá nhiều bùn đất lấp cao trong ngăn chứa.

Theo Thông báo số 07 ngày 28- 12- 2009 của đoàn giám sát nguồn vốn Chương trình 134 do UBND huyện Yên Bình làm chủ đầu tư thì: đoạn đường ống gần nhà trưởng thôn Hoàng Văn Nhi có điểm kết nối giữa ống kẽm và ống nhựa HDPE không có kết cấu nối ren, chỉ luồn đường ống HDPE vào ống kẽm gây rò rỉ nước.

Đoạn ống cuối, cách chợ Xuân Long khoảng 200 mét có đoạn ống nhựa HDPE đặt trên nền đá tai mèo sắc nhọn vùi dưới lớp đất khoảng 10 cm, thậm chí có đoạn để trần trên đá và đây là đoạn trâu bò qua lại nhiều dẫm phải nên dẫn đến bị thủng... Sơ bộ kết luận của đoàn giám sát cho thấy: công tác chỉ đạo thi công, nghiệm thu của Ban quản lý dự án và các cơ quan chức năng có những biểu hiện vi phạm, dẫn đến công trình vừa đưa vào sử dụng đã bị hỏng.

Theo đánh giá của thanh tra xây dựng tỉnh Yên Bái, đây là công trình có  vốn đầu tư cao kỷ lục: gần 10 triệu đồng cho một trụ vòi nước; trong khi những năm trước Chương trình 134 hỗ trợ 300 ngàn đồng cho một giếng nước hộ dân và đồng bào các xã đều làm được nước sinh hoạt. Nhưng lần này thì ngược lại nên mới ra nông nỗi này...

 Mỹ Sinh

Các tin khác

YBĐT - Năm 2010, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có kế hoạch trồng mới 2.300 ha rừng các loại. 3 tháng đầu năm, nhân dân đã trồng mới được trên 1000 ha rừng, trong đó có 844 ha rừng tập trung và trên 500.000 cây phân tán (tương đương 200 ha rừng).

Nghị quyết mới của Chính phủ nhấn mạnh tới các biện pháp nhằm giảm lãi suất ngân hàng, ổn định giá năng lượng, giảm nhập khẩu hàng xa xỉ.

Sáng 6/4/2010, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.

Thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ cho phép vay ngắn hạn theo lãi suất thỏa thuận đã phần nào tháo gỡ khó khăn lâu nay của doanh nghiệp và ngân hàng. Tuy nhiên, “kẻ mừng” thì ít, “người lo” thì nhiều, bởi lãi suất thoả thuận có khả năng làm khó khăn thêm cho mục tiêu hạ lãi suất cho vay mà Chính phủ yêu cầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục