Nông dân dễ dàng vay tín chấp

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/4/2010 | 8:35:24 AM

Từ ngày 1-6, cá nhân, hộ sản xuất ở nông thôn có thể được xem xét cho vay tín chấp tối đa đến 50 triệu đồng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp-nông thôn (NN-NT). Theo đó, từ ngày 1-6, cá nhân, hộ sản xuất ở nông thôn có thể được xem xét cho vay tín chấp tối đa đến 50 triệu đồng.


Chủ trang trại được vay tối đa 500 triệu đồng


Với hình thức tín chấp, hộ kinh doanh sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ NN-NT được vay vốn tối đa đến 200 triệu đồng; hợp tác xã, chủ trang trại được xem xét cho vay tối đa đến 500 triệu đồng. Về thời hạn cho vay, căn cứ vào thời gian luân chuyển vốn, khả năng hoàn vốn của dự án, phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng, bên cho vay và bên vay thỏa thuận thời hạn vay vốn. Trường hợp nông dân gặp thiên tai, dịch bệnh..., chưa trả được nợ đúng hạn thì ngân hàng (NH) được xem xét cơ cấu lại thời hạn nợ cho bên vay; đồng thời căn cứ dự án, phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng để xem xét cho vay mới. Nếu thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, NH được thực hiện khoanh nợ tối đa 2 năm, không tính lãi cho người vay tại thời điểm xảy ra thiên tai, dịch bệnh được địa phương công bố.


Từ 1-6, nông dân được vay tín chấp tối đa đến 50 triệu đồng.

Bảo đảm không thiếu vốn


Lãnh đạo nhiều NH cho biết sẽ xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định hiện hành. Đồng thời, các NH sẽ quy định rõ mức cho vay, điều kiện và thủ tục cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với từng đối tượng khách hàng. Về cho vay có tài sản thế chấp, bên vay phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc được UBND cấp xã xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp.


Theo ông Vũ Minh Tân, Phó Tổng Giám đốc NH NN-PTNT (Agribank), khu vực NN-NT chiếm đến 70% thị phần của Agribank nên bảo đảm không thiếu vốn cho khu vực này. Hiện Agribank đã  bổ sung 30.000 tỉ đồng phục vụ nhu cầu vay vốn của các cá nhân, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp. “Trong thời gian tới, Agribank sẽ cụ thể hóa điều kiện vay vốn, lãi suất... đối với nông dân, hộ sản xuất nông nghiệp”- ông Tân cho biết. Số liệu của NH Nhà nước tỉnh Sóc Trăng cũng cho thấy quý I/2010, cho vay phát triển NN-NT chiếm 72% tổng dư nợ cho vay là 10.440 tỉ đồng. Phó Tổng Giám đốc NH Đại Tín (Trust Bank) Đỗ Hoàng Linh cho biết Trust Bank đang xây dựng chương trình cho vay NN-NT, dự kiến công bố trong vài ngày tới.


Nông dân rất cần vốn để sản xuất. Trong ảnh: Nông dân trồng rau sạch ở Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Đơn giản tối đa thủ tục


Ông Tạ Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NH Nhà nước), cho biết sẽ sớm ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện cho vay đối với lĩnh vực NN-NT theo quy định tại Nghị định 41. Về nguyên tắc, đây là các khoản cho vay tín chấp, hồ sơ giải quyết theo thủ tục thông thường, NH tạo điều kiện cho nhu cầu vay vốn nhưng các dự án vay vốn  phải bảo đảm kinh doanh có hiệu quả.


Theo PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, NN-NT là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước chú trọng phát triển. Nhu cầu vốn phát triển kinh tế và đầu tư cơ sở hạ tầng của khu vực này rất lớn nhưng khả năng đáp ứng hạn chế, cần chia sẻ vốn từ các tổ chức tín dụng, trong đó chủ lực là các NH thương mại. Nghị định này đã bổ sung các chính sách để nông dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng NH thông qua việc đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt những điều kiện cứng nhắc trước đây. “Bên cạnh việc được tiếp cận vốn thuận lợi, cần xem xét rộng hơn sao cho lãi suất cho vay ở mức hợp lý. Lĩnh vực công nghiệp, thương mại có thể tồn tại được với lãi suất 14%-15% nhưng hộ nông dân thì không dễ”- bà Mùi nhận định.

8 lĩnh vực cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn


Đó là cho vay sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; phát triển ngành nghề tại nông thôn; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn; chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và muối; kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản; sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; cho vay tiêu dùng nhằm nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn; cho vay theo các chương trình kinh tế của Chính phủ.

 
Bỏ trần lãi suất cho vay
Ngân hàng Nhà Nước vừa ban hành thông tư 12 hướng dẫn các ngân hàng thương mại cho vay theo lãi suất thỏa thuận. Như vậy, các Ngân hàng đã được tự quyết định mức lãi suất huy động cho vay sau hơn hai năm bị giới hạn bởi trần lãi suất.

Song song với việc bỏ trần lãi suất, Ngân hàng Nhà Nước cũng đưa ra yêu cầu các ngân hàng thương mại là phải niêm yết công khai lãi suất cho vay ở mức hợp lý, trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng vay.

Ngay trong sáng 14-4, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp triển khai quy chế lãi suất thỏa thuận với các ngân hàng thương mại tại Hà Nội. Tại cuộc họp, các ngân hàng đều thống nhất không huy động quá trần 12%/năm đồng thời từng bước kéo lãi suất huy động và cho vay xuống phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp.

(Theo NLĐ&TTO)

Các tin khác

Chiều 14/4, nằm trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản trong 7 ngày từ 13 – 20/4/2010, Đoàn Đại biểu Bộ Kế hoạch Đầu tư do Bộ trưởng Võ Hồng Phúc dẫn đầu đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada tại thủ đô Tokyo.

Sản lượng mủ cao su liên tục tăng trong những năm qua.

Hiện giá cao su xuất khẩu đã đạt mức cao nhất trong vòng 2 năm qua, và vẫn đang tiếp tục đà tăng, là tín hiệu hứa hẹn một năm tăng trưởng mạnh của ngành cao su Việt Nam.

Chè là cây kinh tế mũi nhọn ở Thượng Bằng La với 271 ha.

YBĐT - Thượng Bằng La là xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn (Yên Bái), có 1.800 hộ với 8.080 khẩu, sinh sống ở 17 thôn. Chục năm về trước, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào cây lúa lại chưa biết đánh thức tiềm năng đất đai nên cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn.

Chủ nhiệm Lương Ngọc Chiểu (bến trái) kiểm tra chất lượng sản phẩm chè đen. (Ảnh: Văn Thông)

YBĐT - “Cũng là kinh doanh nhưng mình thích mô hình hợp tác xã hơn. “Hợp tác xã” hay “chủ nhiệm” - nghe không oai bằng “công ty” hay “giám đốc” nhưng lại giản dị, mộc mạc và gần dân lắm” - tâm sự ấy của đảng viên Lương Ngọc Chiểu - Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất, chế biến chè Hương Lý (Yên Bình) đã gây ấn tượng với chúng tôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục