Mù Cang Chải: Quản lý trồng cây thảo quả gắn với phát triển kinh tế đồi rừng
- Cập nhật: Thứ hai, 17/5/2010 | 2:52:02 PM
YBĐT - Trong Đề án “Quản lý cây thảo quả gắn với phát triển kinh tế đồi rừng giai đoạn 2010 - 2015”, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã có giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh để thu mua, hoặc sấy khô chế biến thành phẩm trước khi xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thảo quả. Đồng thời, hình thành các điểm thu mua thảo quả do chính quyền địa phương các xã quy hoạch.
Bà con người Mông ở huyện Mù Cang Chải, thu hoạch thảo quả.
|
Chỉ trồng thảo quả trên diện tích rừng nhận giao khoán bảo vệ, đó là giải pháp để cây thảo quả không phát triển tự do, không phá rừng để trồng thảo quả hoặc lấy gỗ sấy thảo quả. Đặc biệt, giải pháp này giúp nhân dân hình thành thói quen và nhận thức về kinh tế rừng gắn với cuộc sống lâu dài, không gây hại đến rừng mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế đồi rừng và góp phần giữ đất, giữ rừng. Để thực hiện tốt giải pháp này, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án: “Quản lý trồng cây thảo quả gắn với phát triển kinh tế đồi rừng giai đoạn 2010-2015”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại huyện Mù Cang Chải có 848,6 ha cây thảo quả, 100% các xã đều có thảo quả, trong đó có 42 ha trồng ở rừng đặc dụng và trên 800 ha được trồng ở rừng tự nhiên phòng hộ. Các xã có diện tích trồng nhiều như: Cao Phạ gần 220 ha, La Pán Tẩn gần 140 ha, Khao Mang trên 100 ha, Púng Luông trên 70 ha...
Những năm qua, cây thảo quả đã mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, mỗi ha thảo quả cho thu hoạch 2 đến 2,5 tạ, với giá bán ra thị trường từ 40.000 đồng đến 120.000 đồng/kg, mỗi năm thảo quả đã mang về cho nhân dân vùng cao từ 10 đến 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, hầu hết đồng bào Mông trên địa bàn huyện vẫn duy trì tập quán sản xuất cũ, trồng thảo quả mang tính tự phát, chặt phá rừng tràn lan để trồng và lấy củi để sấy thảo quả. Nhận thấy mặt trái của việc trồng cây thảo quả những năm gần đây, huyện Mù Cang Chải đã có chủ trương không phát triển thêm diện tích cây thảo quả dưới tán rừng. Song, trên thực tế do nhận thức chưa đầy đủ nên người dân vẫn trồng rải rác ở những nơi không rõ ranh giới, không phân biệt thuộc địa bàn xã nào, thậm chí huyện nào và chủ yếu là chặt phá rừng già để trồng thảo quả.
Để việc trồng thảo quả không ảnh hưởng đến việc bảo vệ và phát triển rừng, Đề án đã đặt ra mục tiêu là quản lý được diện tích cây thảo quả để người trồng có trách nhiệm chăm sóc rừng, bảo vệ rừng, góp phần tích cực trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Hơn nữa, Đề án còn định hướng, xây dựng chính sách đầu tư, giúp người trồng thảo quả có thị trường tiêu thụ ổn định, không để tư thương ép giá, tăng nguồn thu cho huyện nhằm tái đầu tư.
Theo Đề án, người dân chỉ được trồng thảo quả trên diện tích quy hoạch trồng rừng sản xuất, trên diện tích rừng phòng hộ ở những nơi ít xung yếu và trên những vùng đệm của rừng đặc dụng. Đặc biệt, người dân chỉ được phép trồng trên diện tích nhận giao khoán và bảo vệ của gia đình mình và địa điểm phải được đăng ký, có sự thẩm định của Ban Quản lý rừng phòng hộ và Ban Quản lý rừng đặc dụng. Đối với các ngành chức năng, phải tham mưu với huyện, tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm xây dựng, hướng dẫn kỹ thuật cho phù hợp với từng địa bàn được phép trồng thảo quả. Các hộ có nguyện vọng phát triển cây thảo quả trên diện tích rừng sản xuất được giao khoán, hoặc trên diện tích ít xung yếu của rừng phòng hộ, vùng đệm của rừng đặc dụng, các ngành chức năng phải phối hợp với chính quyền các xã khảo sát, thiết kế, lập hồ sơ và thẩm định các diện tích được trồng thảo quả, có cam kết sử dụng đất dưới tán lá rừng đúng mục đích, theo đúng hồ sơ được phê duyệt.
Hiện nay, người dân trồng thảo quả vẫn theo thói quen cũ là ỷ lại hoàn toàn vào tự nhiên, chưa can thiệp bằng các biện pháp chăm sóc kỹ thuật như: làm cỏ, bón phân thường xuyên... Vì vậy, một biện pháp nữa cũng rất quan trọng là cần đẩy mạnh thâm canh nâng cao năng suất cây thảo quả, thay vì để nhân dân mở rộng diện tích tràn lan. Đối với giải pháp về sơ chế, bảo quản thảo quả, tới đây, các địa phương sẽ phải đăng ký, quy hoạch các lò sấy. Những nơi có đủ điều kiện thì hỗ trợ một phần kinh phí thuộc Dự án phát triển sản xuất để giúp người dân xây dựng các lò sấy cố định.
Với những nơi không có điều kiện để xây lò sấy thì vận động, tuyên truyền và hỗ trợ nhân dân mua các tấm kim loại bao quanh các lò sấy nhằm tận dụng tối đa nhiệt lượng khi sấy cũng như tiết kiệm được nguyên liệu. Bằng cách này có thể tiết kiệm được 50% lượng củi gỗ so với các lò sấy thủ công nhân dân vẫn thường làm.
Một trong những vấn đề đáng quan tâm nữa là hiện nay 100% sản lượng thảo quả được bán sang thị trường Trung Quốc bởi các tư thương, không có hợp đồng rõ ràng. Vì vậy, giá thảo quả thường không ổn định, tùy từng thời điểm có thể bán từ 40.000 đồng đến 120.000 đồng/kg. Trong Đề án “Quản lý cây thảo quả gắn với phát triển kinh tế đồi rừng giai đoạn 2010 - 2015”, huyện đã có giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh để thu mua, hoặc sấy khô chế biến thành phẩm trước khi xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thảo quả. Đồng thời, hình thành các điểm thu mua thảo quả do chính quyền địa phương các xã quy hoạch.
Thanh Xuân
Các tin khác
Sau một thời gian thí điểm, trong năm nay, ngành thuế có kế hoạch mở rộng triển khai kê khai thuế qua mạng trên phạm vi toàn quốc, với mục tiêu khoảng 6.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 60-70% số thu của cả nước.
YBĐT - Vụ chè năm 2010, sản xuất, kinh doanh chè ở tỉnh Yên Bái lại gánh thêm nỗi lo về điện, cắt điện, mất điện, dù ở lý do gì đi nữa thì các xưởng chế biến chè đều lĩnh hậu quả. Nếu mất điện do sự cố (không báo trước) thì mẻ chè trong máy, trong lò coi như vứt đi, ngay cả khi biết trước là mất điện vẫn ảnh hưởng.
YBĐT - Thuế ngoài quốc doanh là sắc thuế quan trọng đối với tất cả các địa phương. Sắc thuế này không chỉ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu ngân sách mà còn phản ánh tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Số thu ngoài quốc doanh của huyện Văn Chấn những năm qua luôn chiếm 70% tổng thu ngân sách trên địa bàn.
Trong 2 ngày cuối tuần, giá vàng giảm mạnh, nhưng vẫn duy trì ngưỡng 28 triệu đồng/lượng. Trên thị trường thế giới, trước áp lực bán ra chốt lời của giới đầu tư, có thời điểm vàng giảm xuống 1.217 USD/ounce nhưng sau đó khôi phục lại mốc 1.230 USD/ounce.